Diễn đàn

VNPT bảo đảm tốt chất lượng mạng lưới viễn thông

QA 29/05/2024 07:19

Chiều ngày 28/5/2024, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng và đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

tt-dung-5.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chủ trì buổi làm việc với VNPT.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ và hệ sinh thái dịch vụ số thúc đẩy CĐS

Với phương châm hành động “Tư duy đúng - Hành động nhanh - Khai phá cơ hội tăng trưởng”, toàn thể đội ngũ cán bộ công nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Viêt Nam (Tập đoàn VNPT) đã tập trung triển khai các giải pháp SXKD với tinh thần quyết tâm cao, hoàn thành các mục tiêu được Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao.

ong-nguyen-nam-long.jpg
Ông Nguyễn Nam Long: Năm 2023, VNPT ưu tiên phát triển các hệ sinh thái nền tảng số.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết năm 2023, Tập đoàn VNPT ưu tiên phát triển các hệ sinh thái nền tảng số (VNPT OneGov, vnEDU, oneSME…), tập trung sáng kiến về công nghệ với các dịch vụ cốt lõi, làm chủ các nền tảng công nghệ 4.0 như AI, BigData, IoT, điện toán đám mây…

Số lượng sản phẩm, dịch vụ cốt lõi hiện hữu của VNPT tại các lĩnh vực (Hạ tầng số; Công nghệ nền tảng; Chính quyền số; Y tế số; Giáo dục số; DN số; An toàn thông tin) lên tới 60 hệ thống/giải pháp/sản phẩm/dịch vụ.

Nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) do các chuyên gia của VNPT làm chủ bao gồm các thành phần công nghệ cốt lõi: Xử lý hình ảnh, xử lý âm thanh/giọng nói. Trên cơ sở các công nghệ cơ sở này, VNPT đã xây dựng được hệ sinh thái ứng dụng vnSocial, VNPT SmartBot, VNPT Smart Voice, Smart Vision, eKYC, RPA, chatbot, trợ lý ảo, call bot, …

Năm 2023, công nghệ lõi nhận diện của VNPT đã lọt top 10 thế giới (theo đánh giá của Viện tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ NIST và đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 30107-3).

Tập đoàn VNPT tiếp tục duy trì và phát huy vai trò tiên phong trong CĐS quốc gia: Hệ thống báo cáo quốc gia kết nối thông tin với 80 Bộ, Ban, Ngành, địa phương, Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước; CSDL quốc gia về dân cư quản lý thông tin của gần 100 triệu công dân Việt Nam; Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp trên 4.400 dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống một cửa liên thông đã triển khai cho 80 Bộ, Ban, Ngành, địa phương; Hệ thống nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cung cấp cho cho 26 Bộ, Ban, Ngành, địa phương; Hệ thống quản trị công chức, viên chức cung cấp cho 60 Bộ, Ban, Ngành, địa phương; Hệ thống văn bản điều hành điện tử cung cấp cho 63/63 tỉnh thành; Hệ thống quản trị thông tin đất đai…

Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, VNPT tiếp tục phát triển nền tảng OneSME CĐS cho DN nhỏ và vừa, có trên 95.000 tổ chức, DN sử dụng (thuộc top 10 sản phẩm dịch vụ số xuất sắc "Make in Việt Nam", top 4 giải pháp xuất sắc - Thách thức đổi mới, sáng tạo Việt Nam).

VNPT chuyển đổi các dịch vụ viễn thông truyền thống trở thành hệ sinh thái dịch vụ số cá nhân cho hộ gia đình bao gồm dịch vụ số, dịch vụ nội dung, tài chính số, truyền hình số, tiện ích số.

Phát triển hạ tầng số theo hướng đột phá

Năm 2023, VNPT tiếp tục triển khai các chương trình đột phá trên các lĩnh vực trọng tâm về hạ tầng, công nghệ khi đã triển khai phát sóng thử nghiệm, hiện diện vùng phủ 5G Vinaphone tại 16 tỉnh/thành phố phục vụ các hoạt động trải nghiệm công nghệ mới, phục vụ khách hàng tại các khu vực trung tâm và các sự kiện, lễ hội.

Sau khi trúng đấu giá khối băng tần C, VNPT đang triển khai các thủ tục để nhanh chóng hiện diện vùng phủ 5G Vinaphone thương mại trên toàn quốc.

VNPT xây dựng, nâng cấp hạ tầng mạng di động với các tính năng công nghệ tiên tiến giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, vùng phủ sóng 4G Vinaphone đã đạt hơn 96% dân số. Trải nghiệm khách hàng về tốc độ mạng 4G Vinaphone được đánh giá là mạng có tốc độ dữ liệu (data) tốt nhất Việt Nam trong cả năm 2023 theo tổ chức đánh giá độc lập toàn cầu.

Để đảm bảo an toàn và dự phòng tối đa kết nối quốc tế, hiện VNPT đang triển khai 5 tuyến (cáp biển, cáp đất) kết nối Internet quốc tế và tăng tỷ trọng cáp đất. VNPT luôn ưu tiên nguồn lực triển khai cáp quang đến các khu vực vùng sâu, vùng xa theo mục tiêu và chiến lược “Phổ cập cáp quang băng rộng toàn dân” của Chính phủ.

Hiện tại, VNPT đã triển khai cáp quang đến 100% số xã và 97% số thôn, bản trên toàn quốc. Trong năm 2023, VNPT đã khai trương Trung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 tại Hòa Lạc.

Đảm bảo chất lượng mạng viễn thông

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết việc xoá vùng lõm sóng là mong muốn của toàn xã hội để làm sao vùng sâu xa, biên giới, hải đảo, ngư dân trên biển được thụ hưởng những kết quả mới nhất của viễn thông. Mạng viễn thông phải đảm bảo chất lượng, không bị gián đoạn.

tt-dung.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị VNPT đảm bảo chất lượng mạng lưới.

Thứ trưởng đề nghị VNPT đảm bảo triển khai mạng 5G và cho biết phát triển chiến lược cáp quang biển của Việt Nam sắp tới ở tất cả các hướng. Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng VNPT phát triển hạ tầng băng rộng di động, trung tâm dữ liệu.

Thứ trưởng cũng lưu ý VNPT về đảm bảo an toàn an ninh hạ tầng số cả nguồn lực, nhân lực, nhất là cho Trung tâm an toàn an ninh mạng, chuẩn hoá thông tin thuê bao…

Về viễn thông công ích, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT đã dự thảo nghị định để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai và dự kiến sẽ sớm có hiệu lực.

Về công tác phòng chống thiên tai, Thứ trưởng thống nhất nếu thiết bị bị hỏng, kém chất lượng thì phải sửa chữa, thay thế.

Về quản lý giá cước viễn thông, cần tổ chức trao đổi chuyên đề để thị trường phát triển, mang lại giá trị cho cả người dùng và xã hội. Vinaphone chung tay hỗ trợ để thực hiện việc trao đổi chuyên đề.

Về quản lý OTT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết cần hài hoà lợi ích của nhà mạng và xã hội. Đây là thách thức không chỉ ở Việt Nam./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
VNPT bảo đảm tốt chất lượng mạng lưới viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO