VNPT tăng trưởng lợi nhuận cao, đẩy mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Lan Phương| 25/12/2018 20:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% và tiếp tục đẩy mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngày 25/12/2018, Tập đoàn VNPT đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2019. Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) Nguyễn Thị Thu Hà, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải và lãnh đạo ngành TTTT, VNPT qua các thời kỳ đã tham dự Hội nghị.

Phó Chủ tịch Ủy ban vốn Nhà nước tại DN Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban vốn Nhà nước tại DN Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao kết quả Tập đoàn VNPT đạt được trong năm 2018, một năm khó khăn cho ngành Viễn thông - Công nghệ thông tin (VT-CNTT) nhưng VNPT đã đạt được các chỉ tiêu, hoàn thành và vượt các kế hoạch và sự nỗ lực của lãnh đạo, CBCNV VNPT.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cũng nhấn mạnh kết quả VNPT đạt được trong năm 2018 là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ TTTT và mong Bộ TTTT đồng hành cùng Ủy ban chỉ đạo VNPT trong năm 2019 để VNPT hoàn thành tốt những nhiệm vụ, mục tiêu SXKD.

Về thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra cho năm 2019, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh cần sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, nỗ lực nhiều hơn nữa của cán bộ VNPT vì năm 2019 còn có nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt hơn. Ủy ban mong muốn trong những năm tới, VNPT tiếp tục tăng cường cạnh tranh trong nước và trên thị trường quốc tế. VNPT đã xác định rõ mục tiêu, giải pháp rồi thì cần đẩy mạnh tổ chức thực hiện. Ủy ban sẽ cùng đồng hành với VNPT để giải quyết khó khăn, tồn tại và VNPT cần kiến nghị những bất cập trong chính sách để Ủy ban và VNPT cùng nhau tháo gỡ nhằm phát triển đạt kết quả cao nhất.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết trong năm 2019 và các năm tiếp theo, VNPT sẽ đẩy mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh ra thị trường quốc tế. Chiến lược VNPT 4.0 đã đề cập rõ ràng các chiến lược phát triển của Tập đoàn, trong đó có mua bán, sáp nhập, đặc biệt là mua bán DN công nghệ để cạnh tranh.

Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng

Từ nay đến năm 2025, VNPT có thể dành 1 tỷ USD để mua bán sáp nhập các công ty công nghệ nhằm tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, quy định mua bán sáp nhập, định giá còn có những trở ngại đối với DN nhà nước như VNPT. VNPT mong muốn thực hiện các hợp tác để tiến nhanh, cạnh tranh hơn”.

Theo phân tích của Chủ tịch Trần Mạnh Hùng, trước đây ngành Bưu điện đã có những hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC với các nhà mạng lớn trên thế giới như NTT (Nhật Bản), Telstra (Úc), France Telecom (Pháp) để cạnh tranh, khai thác thị trường viễn thông. Muốn vươn ra thị trường quốc tế phải có chiến lược mua bán, sáp nhập để cạnh tranh. VNPT đã triển khai liên doanh StreamNet ở Myanmar để đưa các dịch vụ VT-CNTT ra nước ngoài và sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện kinh doanh ở nước ngoài.

Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long

Cụ thể về các hoạt động của VNPT trong năm 2019, Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long nêu rõ: Với tinh thần cố gắng, nỗ lực, nhằm góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế và mục tiêu phát triển VNPT 4.0, Tập đoàn tiếp tục triển khai, sắp xếp, tổ chức quản lý SXKD theo phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018 – 2020 và Chiến lược VNPT 4.0; Triển khai các công việc chuẩn bị cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn VNPT; Chuyển đổi mô hình kinh doanh của Tập đoàn theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh, xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng về chuyển đổi số.

Các mục tiêu cụ thể là lợi nhuận hợp nhất toàn VNPT phấn đấu tăng trưởng từ 10 – 15% so với thực hiện năm 2018. Doanh thu toàn Tập đoàn phấn đấu tăng trưởng từ 7 – 9% so với thực hiện năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu phấn đấu tăng từ hơn 10 – 15% so với năm 2018.

Toàn cảnh Hội nghị

Năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, nhiều chính sách lớn của cơ quan quản lý chính thức có hiệu lực, VNPT vẫn hoàn thành tốt các mục tiêu SXKD năm 2018.

Năm 2018, lợi nhuận của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so thực hiện năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Mức tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua của VNPT là 24,7%.  

VNPT hiện có tổng số thuê bao điện thoại đạt khoảng 34 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động đạt 31,3 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng phát sinh cước của Tập đoàn đạt 5,2 triệu thuê bao, tăng 11,1% so với năm 2017, trong đó thuê bao FiberVNN đạt 5 triệu thuê bao, tăng 27% so với năm 2017.

Tổng nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 4.476 tỷ đồng, đạt 117,5% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,2%, đạt 109,6% kế hoạch, tăng 23% so với thực hiện năm 2017. Nếu loại trừ ảnh hưởng của dịch vụ Vinasat, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 12,2%, tăng 22,3% so với thực hiện năm 2017.

Quy mô mạng lưới, dịch vụ VT-CNTT của Tập đoàn tiếp tục được mở rộng và duy trì an toàn. Công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng mạng lưới của VNPT được thực hiện có trọng điểm, tổ chức thực hiện các chương trình riêng với từng địa bàn. Kết quả đo kiểm so sánh chất lượng 3 nhà mạng di động cho thấy mạng Vinaphone đứng thứ nhất với 4/9 chỉ tiêu KPI quan trọng tại phần lớn các tỉnh/thành. Hiện tại, các chỉ tiêu chất lượng mạng và dịch vụ đều duy trì ở mức cao hơn so với quy định của Bộ TTTT và của chính VNPT.

Năm 2018, Tập đoàn VNPT đã mở rộng mạng lưới Internet đến Hồng Kông thông qua mở POP IP, giúp tối ưu, mở rộng thuê kênh quốc tế trực tiếp đến các vùng lãnh thổ để giảm độ trễ nâng cao chất lượng dịch vụ; hoàn thành đàm phán IoT với 159 nhà mạng tại 89 quốc gia trên tổng 454 mạng di động đã khai thác dịch vụ chuyển vùng quốc tế.

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt

Năm 2018 là năm VNPT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu tổ chức hoạt động theo Quyết định số 2129-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác cổ phần hóa Công ty mẹ. Cơ cấu tổ chức của VNPT tiếp tục được cải tổ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung tối ưu nguồn lực.

Cụ thể, trong năm 2018 VNPT đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối CNTT, thành lập Công ty VNPT-IT. Đây là trụ cột của VNPT về sản xuất phần mềm và các ứng dụng CNTT, tạo sức mạnh cho VNPT bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số trong những năm tiếp theo. 

Thực hiện nghiêm túc theo đúng quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VNPT đã và đang tiếp tục triển khai thoái vốn tại 41 đơn vị cổ phần. Trong năm, VNPT đã bán/thoái vốn/thu hồi vốn được 04 danh mục, với tổng vốn thu được 767,36 tỷ đồng/520,85 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó thành công nhất là việc thoái vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện với số vốn 500 tỷ đồng, thoái vốn được 710 tỷ, tăng 42% so với giá trị công ty.

Hoạt động cổ phần hóa cũng được thực hiện nghiêm túc, theo đúng yêu cầu của Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt. Tại buổi lễ bàn giao chính thức quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VNPT về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN diễn ra hồi tháng 11 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao sự tích cực của VNPT trong việc thực hiện công tác chuẩn bị cho hoạt động cổ phần hóa, đặc biệt là công tác kiểm kê tài sản, định giá đất đai, thuê tư vấn định giá DN.

Bài liên quan
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
  • Bưu điện hợp tác với công ty hàng đầu Hàn Quốc về công nghệ, sàn giao dịch dữ liệu
    Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Công ty DataStreams Corp (DataStreams) hợp tác trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu nhằm khai thác sức mạnh dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
  • Chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật
    Các hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng biến tướng ti vi dưới nhiều hình thức. Đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.
Đừng bỏ lỡ
VNPT tăng trưởng lợi nhuận cao, đẩy mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO