VNPT Technology là đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT, được thành lập vào tháng 01/2011, bao gồm 5 Công ty thành viên, với tổng số nhân lực gần 700 người, trong đó có khoảng 50% là nguồn lực R&D với 5 Trung tâm nghiên cứu phát triển.
VNPT Technology là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất công nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT, truyền thông và nội dung số. VNPT Technology tập trung phát triển hoạt động trong các lĩnh vực thế mạnh như: Nghiên cứu phát triển, sản xuất công nghệ công nghiệp, Thương mại dịch vụ hàm lượng công nghệ cao phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, VNPT Technology đã ra mắt hàng loạt sản phẩm công nghệ cao, tạo điểm nhấn cho công nghệ công nghiệp ICT Việt Nam. Những sản phẩm này đang được ứng dụng rộng rãi trên mạng lưới của VNPT và được người dùng đón nhận trên thị trường.
Chiến lược phát triển sản phẩm của VNPT Technology
Kế thừa nguồn lực từ hai liên doanh trước đây giữa Tập đoàn VNPT với Alcatel-Lucent và Nokia Siemens, đội ngũ kỹ sư của VNPT Technology có rất nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế, triển khai hệ thống, tích hợp và tối ưu hóa mạng lưới cho VNPT và các nhà mạng khác tại Việt Nam. Lực lượng R&D của Công ty được xây dựng với nòng cốt là những kỹ sư giàu kinh nghiệm trên mạng lưới thực tế, được đào tạo bài bản, đã từng làm nghiên cứu phát triển trong môi trường Quốc tế.
Với thế mạnh sẵn có, VNPT Technology lựa chọn chiến lược nghiên cứu phát triển, tạo ra các sản phẩm có đặc điểm:
- Tuân thủ tiêu chuẩn Quốc tế, công nghệ luôn được cập nhật mới nhất. Chủ trương của Công ty luôn áp dụng công nghệ mới nhất vào trong các sản phẩm làm ra. Để làm được điều đó, VNPT Technology chủ động hợp tác với nhiều hãng công nghệ nguồn như Qualcomm, Broadcom, Texas Instruments, ST Micro, Freescale, Intel… để cập nhật thông tin mới nhất về công nghệ, lộ trình phát triển của các hãng, từ đó xây dựng kế hoạch sản phẩm của công ty cho phù hợp. VNPT Technology cũng đồng hành cùng các hãng để hoàn thiện công nghệ, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến đóng góp dưới góc độ của nhà sản xuất và nhà mạng.
- Có tính thực tiễn cao, khắc phục những nhược điểm của sản phẩm hiện có, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Với sản phẩm phục vụ mạng Viễn thông, là một Công ty nằm trong nhà mạng, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho mạng lưới, VNPT Technology luôn nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nhà mạng, khắc phục được những vấn đề khi triển khai, giảm thiểu chi phí triển khai và vận hành. Đối với sản phẩm người tiêu dùng, Công ty chú trọng phân tích văn hóa, hành vi, thói quen người sử dụng để tạo ra các sản phẩm tiện dụng, phù hợp với mỗi đối tượng khách hàng.
Sản phẩm của VNPT Technology tập trung vào hai mảng chính:
- Thiết bị và giải pháp mạng Viễn thông với các sản phẩm tiêu biểu như: Modem ADSL 2 Wifi Router, GPON – ONT, AON, Wifi Access Point, Giải pháp mạng Wifi tổng thể, Giải pháp phân phối nội dung, ... Những thiết bị và giải pháp hiện đang được ứng dụng rộng rãi trên mạng của VNPT Technology và đang tiếp cận với các thị trường nước ngoài để xuất khẩu.
- Thiết bị người dùng cuối có các sản phẩm trọng điểm như: smartphone VIVAS Lotus, Thiết bị học tập, giải trí tập trung VNPT SmartBox, máy tính bảng, các loại đầu thu kỹ thuật số IP, DVB-T2, S2, C. Những sản phẩm này được phân phối qua các điểm giao dịch của VNPT song song với hệ thống đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Sản phẩm đang được nhiều đối tác phân phối quốc tế quan tâm.
Chuẩn bị cho gia nhập AEC và TTP
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, với mục tiêu tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên. Cũng trong năm 2015, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP) cũng đã được ký kết. Đây là một cơ hội lớn đồng thời cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có VNPT Technology. Để chuẩn bị hội nhập AEC và TTP, VNPT Technology có những chủ trương như sau:
Tận dụng lợi thế thương mại tự do của AEC và TTP, VNPT Technology sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác với các hãng công nghệ nguồn, đặc biệt là các quốc gia thành viên có nền công nghệ phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore… Việc cùng tham gia trong một cộng đồng kinh tế giúp doanh nghiệp Việt Nam nói chung và VNPT Technology nói riêng có nhiều cơ hội để hợp tác sâu và chặt chẽ hơn với các hãng công nghệ nguồn. Đặc biệt, hiện nay Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đều đang không có mặt trong AEC, TTP nên đây sẽ càng là một cơ hội lớn để hợp tác, giao lưu, phát triển ngành sản xuất thiết bị phần cứng điện tử của Việt Nam tiến nhanh và tiến mạnh. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, chỉ trong một thời gian ngắn, công nghệ Việt Nam nói chung và hoạt động sản xuất thiết bị điện tử nói riêng sẽ có nhiều tiến bộ vượt bậc.
Với việc tham gia AEC và TTP, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường mới với cơ chế tự do thương mại. VNPT Technology sẽ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh việc tìm kiếm các thị trường mới trong AEC và TTP, nhằm xuất khẩu các sản phẩm thiết bị điện tử viễn thông sang các nước thành viên với những chính sách ưu đãi mà các nước cam kết thực hiện.
Để chuẩn bị cho một thị trường rộng lớn và đầy tiểm năng, việc mở rộng quy mô sản xuất là điều cần thiết. Vì vậy VNPT Technology đã có kế hoạch nâng cao năng lực nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất để có thể đón đầu được các cơ hội đang đến rất gần do AEC và TTP mang lại.