Trang trại có diện tích hơn 2 héc-ta được vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Đức Chinh và 2 người bạn thành lập, với mong muốn đem rau hữu cơ an toàn, đảm bảo sức khoẻ và tiếp cận gần hơn với người dân. Nhìn cánh đồng xanh mướt với hàng trăm loại rau củ, khó tưởng tượng rằng 3 năm trước, nơi đây chỉ là bãi đất gần như bị bỏ hoang.
Anh Nguyễn Đức Chinh (sinh năm 1982) là tiến sĩ sinh học tại Nhật cùng vợ là chị Nguyễn Thị Duyên (sinh năm 1983) là thạc sĩ nông nghiệp tại Australia. Năm 2019, anh chị cùng những người đồng nghiệp của mình đã khai hoang và bắt đầu phủ xanh mảnh đất với nhiều loại rau khác nhau.
Tháng 8/2020, ở tuổi 37, hai chữ "nghỉ việc" bỗng xuất hiện trong đầu Nguyễn Thị Duyên khi thấy trang trại rau của vợ chồng lỗ tháng thứ 11 liên tiếp. Đến Tháng 6/2021, chồng chị Duyên là anh Nguyễn Đức Chinh, tiến sĩ sinh học tại Nhật, cũng nối gót vợ nghỉ việc, toàn tâm toàn ý với nghề trồng rau hữu cơ trên mảnh ruộng đi thuê khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Tháng 9/2019, anh Chinh có tấm bằng Tiến sĩ ngành sinh học sau thời gian du học tại Nhật. Lúc này, hai vợ chồng chính thức bắt tay vào việc xây dựng trang trại như những gì đã vẽ ra trước đó. Họ thuê một bãi đất hoang rộng 2 ha ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ để gầy dựng thành khu vườn.
Thời gian đầu, hai vợ chồng phải dậy từ 5h sáng, chạy 15km đến trang trại để làm việc. Đến 7h30, họ về lại cơ quan. Cuối tuần, vợ chồng chị Duyên cùng 2 đồng nghiệp làm việc quần quật 12-14 tiếng. Lúc đó, chị Duyên sụt 5 kg sau vài tháng “dãi nắng dầm mưa” làm nông dân. Do chưa có thành quả nhiều lại ít vốn nên ban đầu họ không thuê người làm mà tự tay làm hết hàng trăm công việc có tên lẫn không tên. Thậm chí, sau năm đầu tiên lập trang trại, tháng nào họ cũng thua lỗ vốn.
Trước tình hình này, chị Duyên đưa ra quyết định nghỉ việc ở cơ quan. Bố mẹ thấu hiểu nhưng họ hàng lại nhìn chị lắc đầu: “Ăn học cho nhiều rồi đi làm nông dân”. Nhiều lần, chị Duyên lén trốn vào một góc ngồi khóc thút thít vì áp lực, vì cuộc sống “bỏ phố về quê” không hề dễ dàng.
Sau khi toàn tâm toàn ý dành thời gian, công sức cho việc làm nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, vợ chồng chị Duyên bắt đầu nhận lượng khách ngày càng đông. Tháng 6/2021, anh Chinh cũng quyết định nghỉ việc ở cơ quan để cùng vợ đeo đuổi con đường làm nông nghiệp không hóa chất. Hại vợ chồng thuê thêm 4 nhân công để phụ việc.
Khi hy vọng mới vừa được thắp lên, họ lại gặp chuyện ngoài ý muốn Tình hình dịch diễn biến phức tạp, Hà Nội giãn cách để đảm bảo an toàn, mọi nơi đều nội bất xuất ngoại bất nhập, xung quanh dân không được ra đồng, 2 vợ chồng làm không xuể.
Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách, chưa kịp mừng thì tháng tiếp theo, trời mưa không ngớt. Trang trại tan hoang, nước ngập trắng ruộng. Thời điểm này, ngày cũng như đêm, vợ chồng cầm cuốc đi khơi thông rãnh nước cứu rau, nhưng làm vẫn không kịp. Thời gian đó, vợ chồng chị Duyên phải sống trong nhà container chỉ rộng 9m2. Mỗi ngày, anh Chinh phải đi gần 100km giao rau cho khách. Đó giờ, anh chỉ quen việc học hành, bàn giấy nên da trắng như công tử. Sau thời gian làm “nông dân”, anh Chinh trở nên đen nhẻm, rắn rỏi, tóc tai bờm xờm.
Tôi nhớ mãi cảnh vợ bật khóc khi đứng giữa cơn mưa, còn tôi chẳng biết làm gì, chỉ vỗ vai vợ, động viên nhau”, anh Chinh nhớ lại.
Nhưng rồi, vợ chồng anh cũng vượt qua khó khăn, vất vả, dần hái thành quả ngọt từ vườn rau chính tay mình trồng. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn vừa qua, 2 vợ chồng chỉ cười và khẳng định: “ nếu chọn lại chúng tôi vẫn chọn về trồng rau sạch”.