Đây là một trong chuỗi sự kiện hưởng ứng ngày Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia 10/10 và nhằm thực hiện "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020.
Được thành lập vào tháng 5/2013, Cốc Cốc được biết đến là một trong những công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng nền tảng công cụ tìm kiếm và trình duyệt "Make in Viet Nam". Hiện nay, Cốc Cốc đứng thứ 2 tại Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm, có trên 28 triệu người dùng trên nền tảng máy tính và di động.
Khác với các sản phẩm công cụ tìm kiếm khác trên thế giới, nền tảng công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc được phát triển trên nền tảng mã nguồn mở Chromium và sử dụng giao diện thiết kế hoàn toàn bằng tiếng Việt. Điểm nổi bật của trình duyệt web này là có khả năng tự động thêm dấu tiếng Việt tại bất kỳ vị trí nào trên Internet khi người dùng gõ văn bản không dấu.
Bên cạnh đó, khả năng hoạt động đa nền tảng trên các thiết bị máy tính, máy tính bảng và di động, tương thích với cả hệ điều hành Android và iOS giúp mang đến trải nghiệm tiện lợi cho người dùng. Do được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây nên các tính năng của sản phẩm được cập nhật miễn phí và nhanh chóng, quá trình cài đặt cũng đơn giản và dễ dàng cho người dùng.
CĐS toàn dân, toàn diện trên nền tảng số Việt Nam
Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS Quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ số, Chiến lược phát triển kinh tế số - xã hội số (KTS-XHS).
Trong 3 văn bản định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết có một điểm chung về đặc thù của CĐS Việt Nam là Việt Nam coi việc phát triển các nền tảng số phục vụ đông đảo người dân, doanh nghiệp (DN), cơ quan là giải pháp đột phá để thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS của Việt Nam. Đặc trưng, đặc thù, đặc sắc của thúc đẩy CĐS của Việt Nam là toàn dân, toàn diện. Để toàn dân và toàn diện thì bắt buộc phải sử dụng các nền tảng số, mang công nghệ đến cho mọi người giống như điện, nước, theo đó, mọi người dân có thể tham gia.
Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng Internet, là đất nước có đông người sử dụng Internet, mỗi người dân dành trung bình gần 7 giờ trên môi trường số/ngày để giữ liên lạc với bạn bè, tra cứu thông tin, cập nhật tin tức, vì vậy, trình duyệt web và công cụ tìm kiếm là những công cụ không thể thiếu được đối với mỗi người dân. Trong 70 triệu người dùng Internet thì trình duyệt lúc nào cũng bên cạnh mình, vài phút sử dụng tìm kiếm một lần nên đây là nền tảng quan trọng.
Thứ trưởng cũng cho biết người dùng Internet Việt Nam có những nhu cầu riêng như tìm kiếm dịch vụ công, nội dung gì về dịch vụ công mà công cụ toàn cầu không thể đáp ứng, như tháng 7 vừa rồi có hàng chục triệu phụ huynh, học sinh quan tâm đến tuyển sinh và thi cử và những thông tin này phải "may đo" để phục vụ nhu cầu này. Theo đó, cỗ máy tìm kiếm Việt Nam phải coi người dùng Việt Nam là trọng tâm, chủ thể mới để đáp ứng nhu cầu của người dùng Việt.
Với tập khách hàng lớn đến 28 triệu người dùng hiện nay của Cốc Cốc, Thứ trưởng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ phát triển, kinh doanh, nhân viên của Cốc Cốc trong chặng đường 2008 đến nay và kiên trì để có 28 triệu người dùng. Tuy nhiên, dư địa phát triển của Cốc Cốc còn rất lớn và hy vọng 2022 là bước ngoặt bùng nổ của Cốc Cốc trên không gian số trong thời gian tới.
Muốn làm được điều này, Thứ trưởng đề nghị Cốc Cốc ý thức về việc có được tập người dùng rất lớn, nên phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam, đặc biệt các quy định về an toàn, an ninh mạng, lưu trữ dữ liệu tại VIệt Nam. Đồng thời, để phát triển, Cốc Cốc đồng hành với các chương trình quốc gia và chung tay giải các bài toán cụ thể, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng để càng có nhiều người sử dụng thì càng tạo ra giá trị lớn, chi phí càng rẻ đi.
Thứ trưởng cũng kêu gọi các DN công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia chương trình CĐS Quốc gia nói chung, chương trình phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nói riêng hướng tới cụ thể hóa các mục tiêu đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số toàn dân để phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Phục vụ người dân thì luôn là một việc khó nhưng đây là một sứ mệnh vinh quang, mang lợi ích cho cộng đồng, người dân, phát triển lĩnh vực, ngành để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số. Đây là một việc khó nhưng cơ quan nhà nước sẽ cùng đồng hành với DN.
Nền tảng giải quyết tốt bài toán phục vụ người dân
Cũng tại buổi lễ công bố, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT&TT cho biết triển khai các chiến lược quốc gia về CĐS, Bộ TT&TT đã hướng dẫn 6 định hướng chiến lược lớn năm 2022, bao gồm phổ cập sử dụng các nền tảng sàn thương mại điện, phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, phổ cập sử dụng các nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khoẻ, phổ cập và sử dụng nền tảng số phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân, phổ cập sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ sản xuất kinh doanh.
Để thúc đẩy các định hướng này, ngày 11/02/2022 Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 186/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình thúc đẩy và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số. Theo đó, năm 2022, Bộ TT&TT tập trung thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số phục vụ người dân và DN.
Để đánh giá các nền tảng số có khả năng triển khai rộng khắp, giải quyết tốt các bài toán phục vụ người dân, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 578/QĐ-BTTTT ngày 30/3/2022 phê duyệt Khung tiêu chí xác định nền tảng số phục vụ người dân, thành lập Hội đồng đánh giá và quy trình xác định thí điểm nền tảng số phục vụ người dân năm 2022. Trên cơ sở các tiêu chí đó, Hội đồng đánh giá đã tích cực xem xét và đánh giá các nền tảng số nhằm lựa chọn những nền tảng số xuất sắc nhất, tiêu biểu phục vụ tốt nhất cho CĐS người dân, hình thành công dân số, văn hóa số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Qua đánh giá của Hội đồng, ông Trần Minh Tuấn cho biết nền tảng công cụ và trình duyệt Cốc Cốc do công ty TNHH Cốc Cốc phát triển đã đáp ứng được những tiêu chí do Hội đồng đánh giá đủ điều kiện để được công nhận là nền tảng số phục vụ người dân năm 2022.
Nhận quyết định đạt tiêu chí nền tảng phục vụ người dân năm 2022 của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Vũ Anh, Tổng Giám đốc Cốc Cốc bày tỏ vui mừng vì quyết định liên quan trực tiếp tới sứ mệnh và tầm nhìn Cốc Cốc. Sứ mệnh của Cốc Cốc là giúp người Việt hạnh phúc hơn bằng cách sử dụng tối đa tiềm năng thế giới số.
"Với 28 triệu người dùng, thì cứ 3 người Việt Nam dùng Internet thì có 1 người dùng Cốc Cốc. Cốc Cốc đã tự khẳng định là nền tảng số của người, cho người Việt. Tầm nhìn của Cốc Cốc đến năm 2025 là phục vụ hơn nửa tổng số người dân Việt Nam sử dụng Internet", ông Nguyễn Vũ Anh nhấn mạnh.
Ra mắt bộ giải pháp "Vì Việt Nam số" đồng hành cùng CĐS Quốc gia
Mang sứ mệnh tiên phong và đồng hành cùng người dân trong công cuộc CĐS, Cốc Cốc cho ra mắt bộ giải pháp "Vì Việt Nam số" góp phần vào công cuộc CĐS Quốc gia; người dùng có thể trải nghiệm bộ giải pháp này tại website https://dx.coccoc.com với 4 nhóm chủ đề chính: Chính phủ số, giáo dục điện tử, an ninh mạng và xã hội số.
Khi sử dụng các tính năng thuộc bộ giải pháp CĐS trên công cụ tìm kiếm và trình duyệt Cốc Cốc hoặc tại đường link https://dx.coccoc.com, người dùng sẽ được nhận ngay 1.000 điểm thưởng mỗi ngày để tham gia các chương trình hấp dẫn: Vòng quay may mắn, Đổi quà tặng, Game dự đoán.
Với mục tiêu hưởng ứng ngày CĐS Quốc gia 2022, Cốc Cốc cũng triển khai nhiều chương trình đặc biệt dành riêng cho người dùng Internet Việt Nam. Theo đó, từ ngày 7/10 - 17/10/2022, khi sử dụng các tính năng thuộc bộ giải pháp CĐS của Cốc Cốc, người dùng sẽ có cơ hội trúng nhiều phần quà hấp dẫn như:iPhone 14, sạc dự phòng, loa Bluetooth, …
Bà Mai Thị Thanh Oanh, Giám đốc kinh doanh và đối ngoại Cốc Cốc cho biết Cốc Cốc không chỉ cung cấp giải pháp mà còn đồng hành cùng Cục CĐS Quốc gia thuộc Bộ TT&TT triển khai chương trình phổ cập kỹ năng số cộng đồng, giúp phổ cập kiến thức, giới thiệu và khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm công nghệ Việt tiện ích trên khắp 63 tỉnh, thành phố; đồng thời chia sẻ nhiều nguồn tài nguyên tri thức cho cộng đồng nhằm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu CĐS quốc gia theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ./.