Đời sống xã hội

Với mỗi loại đám cháy, phải có cách chữa cháy khác nhau

Phương Hà 07/12/2023 09:30

Với những người không có chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, mọi đám cháy đều là đám cháy. Nhưng kiến thức về phòng cháy không đơn giản cháy là cháy mà có nhiều loại đám cháy khác nhau.

Xử lý cháy là một công việc phức tạp và đòi hỏi sự chính xác, không phải cứ thủy là khắc hỏa, cứ có nước là dập được lửa. Nếu đám cháy không được dập đúng cách, có thể sẽ làm cho ngọn lửa bùng phát trầm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng người chữa cháy và những người chung quanh.

23-chat-tao-bot-foam.jpg

Bộ Tiêu chuẩn quốc gia phân loại cháy thành các loại sau đây:

- Loại A: Đám cháy các chất rắn (thông thường là các chất hữu cơ) khi cháy thường kèm theo sự tạo ra than hồng;

- Loại B: Đám cháy các chất lỏng và chất rắn hóa lỏng; thường kèm theo sự tạo ra than hồng;

- Loại C: Đám cháy các chất khí;

- Loại D: Đám cháy các kim loại;

- Loại F: Đám cháy dầu và mỡ của động vật hay thực vật trong các thiết bị nấu nướng.

Đám cháy loại A là loại cháy thường gặp nhất, liên quan đến hầu hết các loại vật liệu rắn dễ cháy như gỗ, giấy, vải vóc… Đám cháy loại A thường xảy ra trong nhà ở hoặc văn phòng làm việc. Cách chữa cháy các đám cháy loại A là dùng nước hoặc bình chữa cháy dạng bọt.

Đám cháy loại B là đám cháy liên quan đến chất lỏng dễ cháy và chất khí hóa lỏng, như xăng, dầu diesel, sơn, dầu, rượu... Với đám cháy loại B, nên sử dụng bình chữa cháy bằng bọt.

Đám cháy loại C là do khí dễ cháy hoặc dễ bắt lửa, như các loại khí mêtan, propan hoặc khí tự nhiên. Khi xảy ra đám cháy loại C, có hai tình huống xảy ra là cháy trong không gian hẹp hoặc cháy ngoài trời. Tùy theo hiện trường đám cháy mà có cách sử dụng chất chống cháy cho phù hợp.

Đám cháy loại D chủ yếu xảy ra trong các cơ sở công nghiệp, cháy các kim loại dễ cháy như magiê. Khi xảy ra đám cháy loại D, dùng bình chữa cháy bột khô chuyên dụng.

Với những đám cháy điện (được ký hiệu là E theo thông lệ quốc tế), do nguy cơ điện giật nên không được phép dùng nước chữa cháy mà cần dùng bình chữa cháy CO2.

Đám cháy loại F thường xảy ra trong nhà bếp. Do nhiệt độ cháy đặc biệt cao (thông thường, trên 2.000 độ C, dầu mỡ nấu ăn bắt đầu cháy) nên đám cháy loại F là đám cháy khó dập, nên dùng bình chữa cháy dùng hóa chất ướt.Thị trường hiện có bình chữa cháy loại K chuyên dùng cho những vụ cháy dầu mỡ trong nhà bếp.

Việc phân loại đám cháy là để xác định nguyên lý cháy, đánh giá những nguy cơ đám cháy gây ra để có cách xử lý hiệu quả. Không phải cứ dùng nước là dập được lửa, hay cứ dùng bất cứ bình chữa cháy nào cũng được. Với mỗi đám cháy, những người được đào tạo chữa cháy chuyên nghiệp sẽ sử dụng cách chữa cháy khác nhau. Thậm chí, trong một vụ cháy có thể có nhiều khu vực cháy khác nhau, nhiều loại cháy khác nhau. Lựa chọn sai phương pháp chữa cháy, dùng sai chất chữa cháy có thể không những không khắc chế được đám cháy mà còn làm đám cháy lan rộng hơn, gây nổ, hoặc làm nguy hiểm đến tính mạng người chữa cháy.

Bảng đánh giá hiệu quả chữa cháy của các chất chữa cháy (theo TCVN 3890:2023)

Chất chữa cháy
Hiệu quả chữa cháy các loại đám cháy
A
B
C
D
A1
A2
B1
B2
D1
D2
D3
Nước
++
-
-
-
Bọt, chất chữa
cháy gốc nước
Chất chữa cháy gốc nước
++
+
-
-
Bọt có bội số nở cao
+
-
++
+
-
-
Bọt có bội số nở thấp và trung bình
+
+
++
+
-
-
Khí
CO2
-
+
+
-
Nitơ, HFC-227ea, Inergen, Argon,
FK 5-1-12…
+
+
+
-
Bột
Bột BC
-
++
++
-
Bột ABC
+
-
Bột ABCD
++
-
Aerosol (Sol khí)
+
+
+
-
Chú thích:
Dấu “++”: Rất hiệu quả.
Dấu “+”: Chữa cháy thích hợp.
Dấu “-": Chữa cháy không thích hợp.
Bột BC: Bột dùng chữa các đám cháy có ký hiệu B, C.
Bột ABC: Bột dùng chữa các đám cháy có ký hiệu A, B, C.
Bột ABCD: Bột dùng chữa các đám cháy có ký hiệu A, B, C và D

Nhìn vào bảng đánh giá này, có thể thấy nước, thứ mà thông thường người ta nghĩ đến đầu tiên khi có cháy, lại chỉ có thể dùng để xử lý một loại đám cháy loại A mà thôi.

Thị trường hiện nay đang bán phổ biến bình chữa cháy dạng khí CO2 và bình chữa cháy dạng bột (loại BC và ABC) dùng cho gia đình.

Bình chữa cháy khí CO2 có tác dụng làm loãng đám cháy, chuyên để chữa cháy chất lỏng (xăng, dầu, cồn), chữa cháy khí (methan, gas) và các thiết bị điện khi cháy. Bình chữa cháy khí CO2 có hai loại cân nặng là 3k và 5 kg, là dạng bình chữa cháy xách tay, bên trong bình chứa khí CO2-790C được nén với áp lực cao, dùng để dập tắt các đám cháy nhỏ mới phát sinh. Có một loại lớn hơn dùng cho kho hàng là bình chữa cháy xe đẩy 24kg, có nguyên lý hoạt động tương tự. Trên thân các các loại bình CO2 thường ghi ký hiệu CO2 hoặc MT2, MT3, MT5.

Bình chữa cháy khí CO2 không được phép dùng để chữa cháy khi trong phòng có người, do khí CO2 là khí gây ngạt cho đường thở. Do vậy, Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo chất chữa cháy CO2 chỉ sử dụng tại các khu vực thường xuyên không có người. Khí CO2 khi được phun ra sẽ lạnh tới -79 độ C, vì vậy, người sử dụng không được phun trực tiếp vào người khác, không được cầm tay vào loa bình, vì sẽ bị bỏng lạnh và bị hoại tử.

Bình chữa cháy CO2 không được phép sử dụng trong những đám cháy ngoài trời; đám cháy có sự tham gia của các kim loại kiềm như Mg, Na, K,… Những kim loại này hoàn toàn có thể cháy được với khí CO2. Mg hoặc nhôm (Al) đang cháy sẽ tỏa ra năng lượng có nhiệt độ cao, khi có CO2 vào sẽ sinh ra phản ứng khiến ngọn lửa bùng phát mạnh hơn rất nhiều.

Với bình chữa cháy dạng bột, trên thị trường có nhiều loại khác nhau, để chữa các vật liệu cháy có đặc tính khác nhau, được ký hiệu lần lượt là A (chữa cháy chất rắn), B (chữa cháy chất lỏng), C (chữa cháy chất khí) và D hoặc E (chữa cháy điện). Nếu bình ghi BC sẽ dập được đám cháy chất lỏng hoặc chất khí, bình ABC dập được ba loại cháy là chất rắn, lỏng, và khí. Riêng loại ABCE có thể chữa cháy cả thiết bị điện.

Nhược điểm của loại bình bột là khi dập xong đám cháy dễ bùng phát lại, do đó người dập lửa phải kiểm tra kỹ hiện trường vụ cháy. Bình bột chữa cháy dễ sử dụng, bột không độc, dùng để chữa cháy những đám cháy nhỏ, mới phát sinh.

Nhưng bình chữa cháy dạng bột cũng có nhược điểm là trong bột có muối, sẽ làm hư hại các thiết bị điện tử. Vì vậy, không nên dùng bình chữa cháy dạng bột phun lên các linh kiện điện tử máy móc hay vi mạch.Thị trường hiện có bình chữa cháy dạng bột loại 1kg, 2kg và 8kg. Trên bình chữa cháy dạng bột thường có các ký hiệu như MFZ, MFZL hoặc BC, ABC.

Ngoài 2 loại bình chữa cháy phổ biến là bình chữa cháy dạng bột và bình khí CO2, còn có một chất chữa cháy khác là bọt Foam, được tạo bởi 3 thành phần chính là nước, bọt cô đặc và không khí, dùng để phun lên bề mặt vật gây cháy để dập tắt lửa. Các kho xăng dầu hay dự trữ bọt Foam để phòng cháy.

Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo phải đặt bình chữa cháy ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, nơi mà những người theo đường thoát nạn sẽ dễ dàng nhìn thấy chúng, gần lối ra vào phòng, cầu thang, hành lang và lối đi. Không được để bình chữa cháy tập trung một chỗ trừ trường hợp để trong kho dự trữ. Bình chữa cháy phải luôn sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức. Không đặt các bình chữa cháy gần các thiết bị sinh nhiệt mà có thể làm ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả của bình chữa cháy; không đặt bình chữa cháy ở nơi dễ bị va đập, gây hư hỏng bình.

Theo Thông tư 09 của Bộ Xây dựng sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình có hiệu lực từ ngày 1/12, việc trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà phải được thực hiện khi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và các khu có đặc điểm tương tự.

Đặc biệt, nếu nằm trong phạm vi phục vụ của các nguồn cấp nước chữa cháy ngoài nhà (bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo và các nguồn nước tương tự khác) thì các nhà và công trình không bị yêu cầu bắt buộc phải trang bị cấp nước chữa cháy ngoài nhà./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Với mỗi loại đám cháy, phải có cách chữa cháy khác nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO