Vòng đeo tay được các quốc gia sử dụng như thế nào để phòng chống Covid-19

QA| 01/06/2021 11:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Trên thế giới đã có những quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông… sử dụng vòng đeo tay chuyên dụng trong việc phòng, chống dịch Covid-19.

Hai chức năng chính của vòng đeo tay chuyên dụng là: (1) Phát hiện tiếp xúc gần dựa trên công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (có cơ chế hoạt động tương tự các ứng dụng truy vết); (2) Kiểm tra tuân thủ của các đối tượng đang trong quá trình cách ly y tế bắt buộc dựa trên công nghệ định vị GPS.

Việc sử dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm khắc phục một số nhược điểm của điện thoại thông minh (smartphone) như người dùng chủ động tắt Bluetooth hoặc GPS, người dùng không mang theo điện thoại thông minh bên người hoặc người dùng tắt điện thoại thông minh.

Tuỳ theo nhu cầu, phương pháp phòng, chống dịch của mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ mà quy định việc sử dụng vòng đeo tay với một trong hai hoặc cả hai loại công nghệ nói trên.

Singapore: Quốc gia điển hình sử dụng cả thiết bị phát hiện tiếp xúc gần và giám sát cách ly bắt buộc

Singapore là một quốc gia điển hình đã đưa vào sử dụng cả thiết bị phát hiện tiếp xúc gần và thiết bị hỗ trợ giám sát cách ly bắt buộc.

Ứng dụng hỗ trợ truy vết tiếp xúc

Chính phủ Singapore đã cấp phát thiết bị mang theo người (wearable devices) TraceTogether Token miễn phí cho toàn bộ người dân (nếu có nhu cầu sử dụng thay ứng dụng trên điện thoại thông minh).

Vòng đeo tay được các quốc gia sử dụng như thế nào để phòng chống Covid-19 - Ảnh 1.

Thiết bị mang theo người TraceTogether Token của Singapore (Ảnh: Straitstimes)

Thiết bị token hoạt động dựa trên giao thức BLE (Bluetooth năng lượng thấp), tương thích với các thiết bị TraceTogether Token khác và ứng dụng TraceTogether cài đặt trên điện thoại thông minh.

Chính phủ Singapore cam kết TraceTogether Token không kết nối với Internet hoặc giao tiếp với các trạm BTS di động. Token cũng không được tích hợp công nghệ GPS, do vậy, không tiết lộ dữ liệu vị trí của người dùng. Bộ Y tế Singapore cũng cam kết chỉ tiến hành thu thập thông tin của người dùng trong trường hợp đã chắc chắn dương tính. Dữ liệu người dùng được lưu trữ tối đa trong 25 ngày.

Cho đến nay, Chính phủ Singapore đã phát thiết bị TraceTogether Token cho người dân theo 2 đợt. Đợt đầu tiên vào tháng 6/2020 với khoảng 10.000 thiết bị token đã được gửi tới người dân thuộc đối tượng yếu thế, người cao tuổi. Đợt sau vào tháng 9/2020, với hơn 1,7 triệu thiết bị token đã được phát tới người dân.

Tính đến tháng 4/2021, đã có hơn 90% người dân đã tải, cài đặt ứng dụng TraceTogether hoặc nhận và sử dụng TraceTogether Token.

Ngoài ra, Bộ Lao động Singapore còn phát một loại token riêng cho người lao động, làm việc tại công trường (gọi là Bluepass) nặng khoảng 15g với kích thước 3cmx5cm. So với phiên bản phổ biến TraceTogether Token, phiên bản Bluepass nhẹ hơn, chống nước, chịu va đập mạnh và có thể đeo vào cổ tay. Thiết bị có khả năng hoạt động liên tục trong 9 tháng không cần sạc.

Với việc gần như đã đạt tới mức độ phổ cập như vậy, Chính phủ Singapore đã ban hành quy định khai báo sử dụng TraceTogether Token hoặc ứng dụng TraceTogether tại các không gian công cộng là bắt buộc từ ngày 01/6/2021. Theo đó, phương thức khai báo sử dụng mã QR code sẽ không còn được sử dụng. Thay vào đó, các địa điểm công cộng sẽ sử dụng 01 thiết bị SafeEntry Gateway để người dân thực hiện khai báo bằng ứng dụng điện thoại hoặc đưa thiết bị token lại gần. Trước đó, vào tháng 6/2020, Singapore đã triển khai hệ thống khai báo quốc gia SafeEntry để phục vụ công tác khai báo tại các điểm công cộng.

Ứng dụng hỗ trợ giám sát tự cách ly

Đối với các đối tượng đang trong thời gian cách ly, khách du lịch nước ngoài nhập cảnh bắt buộc phải đeo thiết bị giám sát để tự cách ly tại nhà. Singapore có hai bộ thiết bị giám sát gồm: Bộ thiết bị của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (ICA) và bộ thiết bị của Bộ Lao động (MOM).

Vòng đeo tay được các quốc gia sử dụng như thế nào để phòng chống Covid-19 - Ảnh 2.

Bộ thiết bị của ICA

Bộ thiết bị của ICA được phát cho các đối tượng lựa chọn tự cách ly tại nhà hoặc cách ly dịch vụ tại các khách sạn được chỉ định trước. Bộ thiết bị gồm có 1 thiết bị đeo tay, 1 thiết bị gateway và một ứng dụng StayHome@Sg.

Thiết bị đeo tay có dây đeo tương tự đồng hồ đeo tay và nút bấm một chiều, không tháo ra được. Khi hết thời gian cách ly, người dùng phải cắt dây để tháo thiết bị ra khỏi tay. Khi người dùng tháo, cắt dây, thông báo sẽ được gửi tới ICA để cử người đến kiểm tra.

Thiết bị gateway giao tiếp với thiết bị đeo tay qua Bluetooth. Đồng thời có kết nối (không dây) tới máy chủ của ICA. Khi thiết bị bị rút điện, thông tin cảnh báo sẽ lập tức được gửi tới ICA.

Ứng dụng di động dùng để đăng ký và kết hợp 2 thiết bị, đồng thời có thể gửi dữ liệu GPS về máy chủ của ICA. Ứng dụng còn là phương tiện để người dùng thực hiện các thao tác e-KYC (chụp ảnh, video call…) khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. Nếu các thao tác e-KYC không được đáp ứng, cảnh sát sẽ đến tận nhà để kiểm tra.

Không có dữ liệu nào được lưu trữ tại các thiết bị. Dữ liệu như vị trí và thông tin cá nhân, được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đều được bảo vệ bằng mã hóa đầu cuối dựa trên chứng thư số.

Chính phủ Singapore đã quy định chính thức bắt buộc đeo thiết bị khi tự cách ly từ ngày 10/8/2020. Tại giai đoạn cao điểm cuối tháng 3/2021, đã có khoảng 40.000 người thực hiện biện pháp tự cách ly cùng lúc và được giám sát từ xa bởi ICA.

Vòng đeo tay được các quốc gia sử dụng như thế nào để phòng chống Covid-19 - Ảnh 3.

Bộ thiết bị của MOM

Tương tự thiết bị của ICA, thiết bị của MOM cũng được đeo trên cổ tay và phục vụ các chức năng tương tự. Tuy nhiên, thiết bị của MOM là đồng hồ thông minh, tự hoạt động mà không cần ứng dụng hoặc thiết bị bổ sung.

Không giống như thiết bị đeo tay của ICA, đồng hồ thông minh này được tích hợp công nghệ GPS và 4G, có thể theo dõi kỹ thuật vị trí hiện tại cụ thể của người đeo, cho phép MOM theo dõi sức khỏe của người đeo.

Giống như trường hợp của thiết bị ICA, bất kỳ hành động giả mạo hoặc gỡ bỏ sẽ gửi cảnh báo cho cơ quan chức năng.

Thực tiễn tại Hồng Kông

Trước làn sóng dịch, Hồng Kông đã sử dụng vòng đeo tay điện tử như một phần trong nỗ lực thực thi kiểm dịch và giảm sự lây lan của loại Covid-19. Vòng đeo tay được kết nối với một ứng dụng điện thoại thông minh và sẽ được sử dụng để đảm bảo mọi người thực sự ở nhà.

Theo trang coronavirus.gov.hk, khi đến Hong Kong, nhân viên sẽ giúp bạn đeo vòng tay và giúp bạn cài đặt và kích hoạt ứng dụng di động "StayHomeSafe". Nếu người dùng vẫn chưa nhận được mã PIN thì sẽ nhận được tin nhắn SMS sau khi về đến nơi ở để làm theo hướng dẫn trong tin nhắn SMS. Sau khi cài đặt, nhấn nút chọn một ngôn ngữ trên ứng dụng, sau đó nhấn nút "Thêm dây đeo tay" (Add Wristband) và quét mã QR trên dây đeo tay của bạn.

Nếu các thành viên trong gia đình đi cùng cũng thuộc diện bị cách ly, lần lượt quét mã QR trên dây đeo tay của họ. Khi hoàn tất, nhấn nút gửi rồi nhập số liên lạc bạn đã cung cấp trong tờ lệnh kiểm dịch (không yêu cầu mã quốc gia) và mã PIN, sau đó nhấn nút đăng ký.

Sau thời gian cách ly, ứng dụng sẽ phát hiện và phân tích các tín hiệu giao tiếp môi trường tại nơi ở của người cách ly, chẳng hạn như Bluetooth, Wi-Fi và các tín hiệu không gian địa lý trong khu vực lân cận và các cường độ tương ứng của chúng.

Nếu phát hiện thấy sự thay đổi của các tín hiệu như vậy, ứng dụng sẽ ghi lại. Trong thời gian cách ly, nếu người dùng bị phát hiện rời khỏi nơi ở mà không được phép, chính quyền sẽ có những hành động can thiệp.

Việc phát hiện và phân tích các tín hiệu môi trường không liên quan đến việc thu thập dữ liệu cá nhân. Ứng dụng sẽ không đọc bất kỳ thông tin nào trong điện thoại thông minh của bạn.

Người bị cách ly cũng phải duy trì ứng dụng di động "StayHomeSafe" chạy trên điện thoại thông minh của mình và bật các chức năng "Bluetooth", "Wi-Fi", "dịch vụ định vị"; không tháo hoặc làm hỏng dây đeo cổ tay; không cố ý hủy kích hoạt hoặc gỡ cài đặt ứng dụng.

Người dùng cũng được lưu ý đến smartphone của mình bởi bất cứ lúc nào ứng dụng cũng có thể yêu cầu xác nhận sự hiện diện của người phải cách ly tại nơi ở bằng cách quét mã QR trên thiết bị đeo tay. Khi hết thời hạn cách ly, người phải cách ly có thể gỡ cài đặt ứng dụng trên smartphone, bỏ dây đeo cổ tay.

Vòng đeo tay được các quốc gia sử dụng như thế nào để phòng chống Covid-19 - Ảnh 4.

Vòng đeo tay sử dụng ở Hồng Kông (Ảnh: Declan Chan/CNBC)

Theo CNBC, Declan Chan, một nhà tạo mẫu và cư dân Hồng Kông, được nhân viên nhập cảnh đeo vòng tay giám sát cách ly khi trở về Hồng Kông cho biết anh được hướng dẫn đi vòng quanh các ngõ ngách trong nhà khi về đến nhà, để công nghệ có thể theo dõi chính xác tọa độ không gian sống, địa điểm sẽ bị thực hiện cách ly. Trong thời gian cách ly, anh sử dụng ứng dụng để giao hàng cho thực phẩm và hàng tạp hóa.

Hàn Quốc xuất khẩu vòng đeo tay

Hàn Quốc đã sử dụng vòng đeo tay cuối tháng 4/2020 để theo dõi những người không tuân thủ các quy định về tự cách ly sau khi các nhà chức trách nước này phát hiện một số người cố gắng "đánh lừa" một ứng dụng theo dõi của chính phủ bằng cách ra ngoài mà không mang theo điện thoại của họ.

Vòng đeo tay được các quốc gia sử dụng như thế nào để phòng chống Covid-19 - Ảnh 5.

Hãng thông tấn Yonhap cho biết những người vi phạm cách ly ở Hàn Quốc hiện có quyền lựa chọn giữa việc đeo vòng tay hoặc cách ly tại các cơ sở do chính phủ chỉ định. Hàn Quốc đã xuất khẩu mặt hàng này khi Ả Rập Saudi mua 100.000 chiếc dây đeo tay với giá khoảng 8 USD/chiếc.

Trong khi đó, Bulgaria đã thí điểm một thiết bị đeo tay Comarch LifeWristbands do Ba Lan phát triển, có thể theo dõi sự di chuyển của người dùng nhờ sử dụng GPS trong đại dịch Covid-19. Thiết bị giúp xác nhận một người đang ở nhà, theo dõi nhịp tim của người đeo và được sử dụng để gọi các dịch vụ khẩn cấp.

Vòng đeo tay được các quốc gia sử dụng như thế nào để phòng chống Covid-19 - Ảnh 6.

Người dân Bulgary sử dụng vòng đeo tay

Còn tại Lichtenstein, cứ 10 người dân thì có một người được cấp một chiếc dây đeo tay để theo dõi "nhiệt độ, nhịp thở và nhịp tim, rồi truyền nó đến một phòng thí nghiệm ở Thụy Sĩ để theo dõi thêm. Cuối năm 2020, có 38.000 người dân đã được tặng vòng đeo tay./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5 startup công nghệ Việt Nam đang được chú ý
    Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tạo được môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
  • Tân Tổng thống Mỹ thu hồi Sắc lệnh về giảm thiểu rủi ro AI
    Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi sắc lệnh hành pháp năm 2023 do cựu Tổng thống Joe Biden ký nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro mà trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra cho người dùng, người lao động và an ninh quốc gia.
  • Giải pháp xây dựng nền tảng ứng dụng AI trong doanh nghiệp
    Nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kỹ thuật số tích hợp nhiều công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo, các giải pháp CNTT điều khiển từ xa và phân tích dữ liệu để cải thiện việc cung cấp dịch vụ CNTT và điện tử viễn thông (ĐTVT).
Đừng bỏ lỡ
Vòng đeo tay được các quốc gia sử dụng như thế nào để phòng chống Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO