Website vi phạm bản quyền biến hóa khôn lường, làm thế nào ngăn chặn?

Anh Minh| 22/07/2022 09:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Tình trạng vi phạm bản quyền (VPBQ) nội dung trên môi trường Internet đang diễn ra tràn lan và cho đến nay, các nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa đạt hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng cần có sự phối hợp của cơ quan chức năng, của các doanh nghiệp (DN) công nghệ, đặc biệt là tuyên truyền để mọi người nhận thức về ảnh hưởng và rủi ro liên quan đến việc đánh cắp nội dung trực tuyến.

Nhiều thách thức khi ngăn chặn VPBQ

Sự ra đời của việc phân phối nội dung trực tuyến đã đưa hành vi VPBQ nội dung sang một giai đoạn mới. Công nghệ rõ ràng đã hỗ trợ hành vi VPBQ trên mạng, tuy nhiên, riêng công nghệ vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề. 

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề về VPBQ trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam diễn ra sáng 21/7, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT cho biết, hiện nay, trên môi trường Internet có rất nhiều nội dung thông tin được lưu trữ, đăng tải trái phép, không thực hiện đúng quy định về trao đổi bản quyền với các chủ sở hữu bản quyền nội dung, gây thiệt hại tới quyền lợi và uy tín của các đơn vị chủ sở hữu nội dung.

Các hình thức, phương pháp VPBQ hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che dấu thông tin chi tiết và thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Cục PTTH&TTĐT cũng đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý VPBQ nội dung, đa số là các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc….

Website vi phạm bản quyền biến hóa khôn lường, làm thế nào ngăn chặn? - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Tự Do: Các hình thức, phương pháp VPBQ hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che dấu thông tin chi tiết và thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài

Theo bà Phạm Thanh Thuỷ, trưởng phòng chống VPBQ của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV/K+), những website VPBQ có rất nhiều cách để “lách luật”, trong đó điển hình là thay đổi tên miền. Điều này gây ra không ít khó khăn, thách thức cho các DN nội dung số trong việc ngăn chặn tình trạng VPBQ. 

Ông Nguyễn Phú Lương, chuyên gia của Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết quy trình chặn những trang web VPBQ hiện nay đã được thực hiện tự động hóa gần như 90%. Vì thế, thời gian chặn theo lệnh rất nhanh, gần như diễn ra tức thời sau khi có “lệnh chặn”. Trước đó, vào khoảng năm  2017, để chặn đồng bộ tất cả một trang web vi phạm sẽ mất từ 3 ngày đến 1 tuần. 

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở các thủ tục hành chính, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ để chứng minh sở hữu bản quyền, chứng cứ hành vi vi phạm để gửi lên các cơ quan chức năng, và sau đó là quy trình xem xét chứng cứ, hồ sơ của cơ quan chức năng. Toàn bộ quá trình này khiến việc ngăn chặn vấn nạn VPBQ nội dung trở nên kéo dài, và website VPBQ vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí khi những website này thay đổi tên miền, quy trình chứng minh và chuẩn bị hồ sơ thủ tục có thể lại phải tiến hành lại từ đầu.

Bà Phạm Thanh Thủy cho biết K+ tham gia khá nhiều vào các nỗ lực ngăn chặn VPBQ, và từ ngày gửi hồ sơ đến khi cơ quan chức năng thực hiện lệnh chặn trang web VPBQ là khoảng 4 tuần. Bà Thủy cũng đưa ra một số thông tin tham khảo về khoảng thời gian xử lý trang web VPBQ ở một số nước trên thế giới. Chẳng hạn tại Ý, lệnh chặn trang web vi phạm là khoảng 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn, ở Bồ Đào Nha là 10 ngày, Indonesia và Hàn Quốc là 7 ngày và Malaysia là 14 ngày. 

DN tin tưởng vấn nạn VPBQ trực tuyến tại Việt Nam sẽ được giải quyết

Các đại biểu tại hội thảo cho rằng nếu Việt Nam có một portal (cổng) thông tin, cung cấp và cập nhật tất cả thông tin để mọi nhà sản xuất nội dung đều nắm rõ và nhận diện các website VPBQ, sẽ giúp các bên dễ dàng hơn trong việc chứng minh website A VPBQ đã đổi tên miền, biến thành website B. 

Nhờ đó, các quy trình, thủ tục chứng minh hành vi vi phạm sẽ nhanh gọn hơn, tiết kiệm thời gian, giúp nhanh chóng ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp. Đặc biệt với các trận đấu bóng đá, thời gian xử lý VPBQ rất quan trọng, vì trận đấu diễn ra chỉ trong 90 phút, nếu thời gian chặn kéo quá dài sẽ không còn nhiều ý nghĩa, đặc biệt sau thời gian đó mới xử lý chặn VPBQ bóng đá thì hầu như không còn tác dụng.

Tại hội thảo, đại diện K+ đã cung cấp thông tin về một cuộc khảo sát của Anh cho thấy có 50% số người được hỏi cho biết sau khi truy cập vào trang web VPBQ và bị chặn không truy cập được, họ sẽ không vào trang đó nữa hoặc sẽ giảm thời gian truy cập vào trang web vi phạm. Điều đó cho thấy nỗ lực chặn trang web VPBQ có tác động lên người sử dụng Internet.

Ngoài ra, 44% nói sau khi cố vào trang web VPBQ bị chặn, họ tìm đến những nội dung bản quyền hợp pháp để xem. 45% số người được hỏi cho rằng tình trạng VPBQ gây ra nguy cơ mất việc làm cho những người làm trong môi trường sáng tạo. Và 47% nhận thức về nguy cơ nhiễm virus độc hại sau khi truy cập vào website VPBQ.

Website vi phạm bản quyền biến hóa khôn lường, làm thế nào ngăn chặn? - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài tham dự Hội thảo về VPBQ trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ Đô Multimedia, cần phối hợp nhiều biện pháp công nghệ cùng lúc để ngăn chặn các hành vi VPBQ. Ông Hân cho biết các giải pháp bảo vệ bản quyền của Thủ Đô hướng đến bảo vệ một chuỗi trong quá trình phân phối nội dung, rất phù hợp với các đơn vị đài truyền hình cấp nội dung đến người xem. 

“Chúng tôi có một chuỗi các giải pháp như sử dụng biện pháp chặn theo vị trí địa lý, chặn xem qua VPN, chặn xem nội dung hoặc chỉ cho hiển thị nội dung với độ phân giải thấp, không xuất nội dung ra cổng HDMI hoặc sử dụng giải pháp Sigma DRM để khóa mã các nội dung có bản quyền khi phân phối trên môi trường Internet kết hợp với Finger Print để loại bỏ ngay lập tức các luồng phát lậu trực tiếp.

Hiện nay, nỗ lực ngăn chặn tình trạng VPBQ nội dung trên Internet tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu, song các doanh nghiệp tin rằng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, các công ty công nghệ và các tổ chức quốc tế, việc ngăn chặn VPBQ tại Việt Nam sẽ đạt hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, các đơn vị cần có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến để người dân có ý thức về việc “tẩy chay” các trang web vi phạm cũng như tìm đến những nội dung có bản quyền.

“Thực sự mà nói, để có thể hoạt động  hiệu quả, quá trình chặn phải diễn ra trong vòng vài ngày”, ông Matthew Cheetham, Giám đốc Liên minh chống VPBQ, nói và thông tin thêm rằng Vương quốc Anh có lẽ là đơn vị dẫn đầu về tính năng chặn linh hoạt theo quy định, trong đó các trang web gần như bị chặn theo thời gian thực tế khi chuyển đến các vị trí khác nhau. Ở Châu Á - Thái Bình Dương, Indonesia cũng có cơ chế chặn theo quy định rất hiệu quả, trong đó các trang web lậu được lập ra sau khi một trang bị chặn cũng có thể bị xử lý ngay trong vài ngày. Chế độ quản lý của Malaysia cũng rất hiệu quả với các trang web lậu bị chặn trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. 

“Việt Nam đang có những tiến bộ đáng khích lệ để triển khai các biện pháp chặn linh hoạt và chúng tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ tiếp tục được triển khai”, ông Matthew Cheetham nói.

Giám đốc Liên minh chống VPBQ cho rằng không có một giải pháp nào có thể chặn hoàn toàn việc đánh cắp nội dung trực tuyến. Các chủ sở hữu quyền phải phát triển và tận dụng các công cụ, bao gồm việc xác định các nguồn đánh cắp nội dung trực tuyến và đưa ra các hành động chống lại chúng, bao gồm việc chặn các trang web. Chính phủ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các chủ sở hữu bản quyền cũng như hỗ trợ tuyên truyền cho người truy cập/người sử dụng về sự ảnh hưởng và những rủi ro liên quan đến việc đánh cắp nội dung trực tuyến./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Website vi phạm bản quyền biến hóa khôn lường, làm thế nào ngăn chặn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO