Ông Dato’ Sri Idris Jala là người nổi tiếng trong công cuộc chuyển đổi cải cách hoạt động của các công ty với thuyết kết quả nhanh và chiến lược biến đổi mang tính sang tạo đột phá, tính khả dụng cao trong nền kinh tế phát triển nhanh. Ông đưa ra việc thực hiên chuyển đổi kinh tế xã hội bền vững, được tạp chí Bloomberg đánh giá xếp hạng trong Top 10 Chính trị gia có sức ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014.
Từ năm 2009-2014, ông phục vụ trong Văn phòng thủ tướng, Nội các Chính phủ Malaysia, điều hành chương trình cải cách quốc gia (National Transformation Programme - NTP), đưa Malaysia hướng tới quốc gia có mức thu nhập cao năm 2020. Ông tham gia với tư cách là Tư vấn cấp cao cho Thủ tướng Malaysia từ năm 2015 đến giữa 2018, tư vấn về các chương trình cải cách quốc gia NTP.
Tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số” diễn ra ngày 18/07 tại Hà Nội, ông Dato’ Sri Idris Jala đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chính phủ số tại Malaysia.
Ông Dato’ Sri Idris Jala - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cơ quan quản lý và bảo đảm hiệu quả Chính phủ PEMANDU Associates – chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chính phủ số
Chính phủ số cứu nguy cho Chính phủ
Malaysia là một quốc gia quân chủ lập hiến liên bang, gồm 13 bang và ba lãnh thổ liên bang với tổng diện tích đất là 329.847 km2, dân số Malaysia năm 2017 là trên 31 triệu người. Thành phố thủ đô là Kuala Lumpur, song nơi đặt trụ sở của chính phủ liên bang là Putrajaya.
Năm 2009, Chính phủ Malaysisa phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải tương tự nhiều quốc gia đang phát triển khác như: mắc bẫy thu nhập trung bình từ những năm 90; tỷ lệ bội chi ngân sách trên GDP là 6,6%; tỷ lệ nợ công trên GDP tăng tới 12% mỗi năm; người dân bị sút giảm niềm tin vào quá trình điều hành của Chính phủ, đặc biệt về cam kết đưa Malaysia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2020.
Trước tình trạng đó, Malaysia bắt đầu thực hiện Chương trình chuyển đổi quốc gia (NTP) trong đó bao gồm 02 chương trình là chuyển đổi Chính phủ (GTP) và chuyển đổi kinh tế (ETP). Báo cáo thường niên thực hiện chương trình chuyển đổi quốc gia của Malaysia cho thấy nước này tiếp tục đạt được tăng trưởng GDP tổng thể ổn định (GDP) là 4,2% vào năm 2016, duy trì quỹ đạo trên 4% kể từ khi bắt đầu chương trình NTP năm 2010. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người của Malaysia là 10.010 USD.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 được Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2017, Malaysia xếp thứ 24/189 quốc gia về chỉ số Môi trường kinh doanh. Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia nhiều năm gần đây đứng thứ 2, chỉ sau Singapore.
Nâng cao quản lý và bảo đảm hiệu quả Chính phủ
Năm 2009, Chính phủ Malaysia thành lập Cơ quan quản lý và bảo đảm hiệu quả Chính phủ PEMANDU, là cơ quan thuộc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, nhằm mục tiêu thay đổi toàn diện quốc gia và đảm bảo cho sự thành công của Chương trình chuyển đổi Quốc gia (NTP). Cơ quan này giám sát việc thực hiện, đánh giá tiến độ, hỗ trợ việc định hướng và thúc đẩy tiến trình thực thi của Chương trình chuyển đổi Chính phủ (GTP) và Chương trình chuyển đổi kinh tế (ETP) với định hướng biến Malaysia thành một nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2020. Tất cả các cơ quan đều có nhiệm vụ làm việc này, với các bản cập nhật tiến độ hàng năm được công bố bằng cách sử dụng các đánh giá màu (đỏ, vàng và xanh lá cây như màu sắc của đèn giao thông) cho mỗi nhiệm vụ.
PEMANDU là tổ chức được ủy nhiệm để xúc tiến những thay đổi trong khu vực công và khu vực tư nhân, hỗ trợ các Bộ trong quá trình lập kế hoạch và cung cấp một cách nhìn độc lập về hiệu suất và tiến độ cho Thủ tướng và các Bộ trưởng. Hàng tuần, PEMANDU tổ chức cuộc họp để theo dõi và đôn đốc tiến độ qua bảng theo dõi tiêu chí đánh giá (KPI) tạo nên một cách làm mới trên cơ sở giám sát thường xuyên để bảo đảm hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Hiệu quả của PEMANDU đã được ghi nhận thông qua những kết quả hết sức ấn tượng trong vòng 8 năm qua như tạo ra được 2,6 triệu việc làm; tỉ lệ thâm hụt ngân sách giảm từ 6,6% còn hơn 3%. Đặc biệt, có những dự án đã được triển khai thành công với thời gian ngắn, trong đó phải kể đến tuyến đường sắt cao tốc vận chuyển với quy mô lớn (Mass Rapid Transit - MRT) và dự án Dòng sông sự sống nhằm cải tạo sông Klang và Gombak là 2 con sông của Kuala Lumpur. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, dự án MRT đã nhanh hơn kế hoạch đề ra và có chi phí thấp hơn chi phí dự kiến, còn dự án Dòng sông sự sống đã hoàn thành trên 80% và được người dân Malaysia đánh giá rất cao về hiệu quả thực hiện.
Từ năm 2017, theo chương trình chuyển đổi quốc gia, Pemandu bước vào giai đoạn chuyển tiếp, chuyển các nhiệm vụ sang cho Đơn vị chuyển đổi chiến lược khu vực công (CSDU) là một đơn vị của khối nhà nước thực hiện còn PEMANDU trở thành tổ chức tư nhân với tên gọi là PEMANDU Associate. Mục tiêu của giai đoạn này là để Pemandu trở thành một đơn vị thuộc khối tư nhân nhỏ và năng động, chịu trách nhiệm thiết lập chỉ số đánh giá hiệu quả công việc KPI trong khi các Bộ và cơ quan của Chính phủ sẽ tập trung thực hiện các sáng kiến thuộc Chương trình chuyển đổi quốc gia.
Bên cạnh đó Malaysia sử dụng hệ thống theo dõi đánh giá thông qua việc xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả (KPI), bảng theo dõi đánh giá (dashboard) để giám sát việc thực thi nhiệm vụ tại các Bộ, ngành.
Nâng cao môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN)
Thủ tướng Malaysia đã thành lập Pemudah là Tổ công tác đặc biệt về tạo thuận lợi cho DN với sứ mệnh giúp Malaysia đạt mục tiêu xếp thứ 5 về chỉ số Môi trường kinh doanh, trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2020.
Về tổ chức, đây là nhóm công tác hỗn hợp bao gồm các thành viên là quan chức nhà nước và lãnh đạo DN, đồng thời các thành viên này đều là chuyên gia trong từng ngành, lĩnh vực liên quan đến môi trường kinh doanh. Pemudah báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch của Pemumandu là Tổng thư ký của Chính phủ (người đứng sau Thủ tướng) và đồng chủ tọa là Chủ tịch liên đoàn các nhà sản xuất của Malaysia. Ban Thư ký của Pemandu gồm 06 người làm việc chuyên trách, chịu trách nhiệm điều phối, tổ chức công việc chung với sự tham gia của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân.
Về hoạt động, Pemandu triển khai hoạt động thông qua từng nhóm công tác do các thành viên tùy theo chuyên môn, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động đứng đầu. Tham gia vào các nhóm công tác này có nhiều cá nhân đến từ các bộ, cơ quan và khối DN phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể. Cơ chế năng động cho phép thành viên của Pemandu có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thực hiện cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công
Với quan điểm lấy người dân là trung tâm, Malaysia đã tổ chức nên các Trung tâm chuyển đổi đô thị (UTC) thể hiện rõ tính chất phục vụ thông qua việc cung cấp dịch vụ tập trung, thời gian làm việc và chất lượng phục vụ. Tại UTC không chỉ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính mà còn đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng như trung tâm giáo dục việc làm, nâng cao sức khỏe, mua sắm…
Các dịch vụ hành chính công được cung cấp tại UTC đã đáp ứng được những giao dịch hành chính phổ biến của người dân như hộ tịch, làm hộ chiếu, giáo dục, việc làm, đăng ký DN, đăng kiểm… Toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính như hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thu phí, lệ phí, trả kết quả đều được thực hiện tại UTC. Trên nền tảng các cơ sở dữ liệu sẵn có, người dân có thể làm thủ tục hành chính tại bất cứ UTC nào, không phân biệt địa giới hành chính. Các thông tin về việc giải quyết thủ tục hành chính được công bố rộng rãi tại trang web, tại cổng dịch vụ công, tại hệ thống máy tính tại UTC và các bảng thông tin niêm yết tại quầy. Các UTC có thời gian làm việc 12 giờ mỗi ngày, từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối và làm việc cả thứ 7, chủ nhật để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân.
Việc triển khai thiết lập các UTC của Malaysia thời gian qua diễn ra khá nhanh chóng và hiệu quả thông qua việc chuyển đổi công năng của các công trình hiện có như trung tâm thương mại, bến xe… và nhận được sự đánh giá rất tích cực của người dân.