PV: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay?
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh: Kỷ nguyên công nghệ số đã xác lập cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khái niệm đô thị thông minh không còn xa lạ. Việc nghiên cứu phát triển, kế hoạch lộ trình, ưu tiên nguồn lực không chỉ riêng mỗi quốc gia, mà yêu cầu cả doanh nghiệp và người dân. Thiết kế quy hoạch đô thị thông minh để phát triển bền vững, nâng cao mức sống cư dân đô thị là rất cần thiết.
Việc đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều lợi thế do sự hợp tác sâu rộng với hầu hết quốc gia phát triển, sở hữu nền tảng khoa học - công nghệ cao. Cơ cấu dân số trẻ có khả năng thích ứng nhanh với nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về xây dựng đô thị thông minh cũng sẽ giúp ích cho Việt Nam rất nhiều trong quá trình này.
PV: Xây dựng đô thị thông minh cần chú tâm vào những vấn đề gì, thưa ông?
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh: Quan trọng nhất phải xây dựng hệ cơ sở dữ liệu lớn (big data), bởi ngày nay, thế giới rất coi trọng cơ sở dữ liệu cho mọi ngành nghề, công việc. Quy hoạch bao giờ cũng phải đi trước và định hướng phát triển cho lĩnh vực tiếp theo. Với quy hoạch đô thị thông minh, vấn đề này cần đặc biệt quan tâm hơn nữa nên cơ sở dữ liệu đô thị từ lúc thiết kế, thi công dự án - công trình cho đến khi vận hành phải được số hóa, lưu trữ sử dụng lâu dài.
Quản lý đô thị trên nền tảng thiết bị thông minh sẽ truy cập, sử dụng cơ sở dữ liệu một cách đơn giản, dễ dàng hơn. Vì vậy số hóa đô thị là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong việc quản lý, ứng dụng đô thị thông minh.
Tiếp theo là ứng dụng nền tảng hệ thông tin địa lý GIS, từ khi khảo sát thiết kế, cho đến quy hoạch, thiết kế kỹ thuật hạ tầng đô thị, thiết kế công trình… đều phải gắn liền với tọa độ thực tế trên quả địa cầu.
Cùng với đó là nền tảng tương tác trao đổi mọi thành phần - thiết bị giữa Chính quyền - doanh nghiệp - người dân, chứ không phải tìm đến nơi làm việc của nhau. Ngoài ra, yếu tố về hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, xử lý môi trường, ưu tiên sử dụng năng lượng tự nhiên (năng lượng mặt trời, gió...), thiết bị giảm tiêu hao năng lượng... Những yếu tố này cần đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.
PV: Xây dựng đô thị thông minh là chiến lược được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ông đánh giá thế nào về việc triển khai chương trình này?
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh: Dân số ở đô thị lớn của Việt Nam có tỷ lệ tăng trung bình cao hơn thế giới. Quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Diện tích đất đô thị tăng từ 630km2 vào năm 1998 lên mức hơn 41.700km2 và hiện nay, dân số đô thị chiếm khoảng 42%. Kết quả là không gian đô thị được mở rộng một cách mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Chính phủ cũng mong muốn đất nước phát triển theo kịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đô thị phát triển theo hướng thông minh. Nhưng thực tế, quá trình phát triển đô thị hiện nay công trình xây dựng hiện hữu, con người đang ngày càng bị nén lại, trong khi chúng ta đang thiếu nguồn lực cả về tài chính, con người. Vì thế, để đạt được những hiệu quả tối ưu, còn rất nhiều điều phải làm và cần phối hợp tổng thể nhiều giải pháp.
PV: Vậy theo ông, giải pháp cần khẩn trương thực hiện là gì?
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh: Theo tôi vấn đề quan trọng nhất liên quan đến công tác thiết kế, quy hoạch. Muốn làm tốt việc này phải có đội ngũ kiến trúc sư (KTS), nhà quản lý không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn được trang bị những kiến thức về nền tảng công nghệ cao, thích nghi với sự đổi mới của công nghệ để ứng dụng xây dựng đô thị thông minh. Từ đó họ sẽ tham gia đề xuất, thiết kế một đô thị thông minh trên nền tảng công nghệ thời đại và tương lai.
KTS chính là người kiến tạo lên một TP, đô thị tương lai và đô thị này có thông minh hay không chủ yếu nhờ vào những đóng góp không nhỏ của đội ngũ KTS. Như vậy, một bộ phận KTS sẽ phát triển, đào tạo chuyên biệt riêng cho đô thị thông minh hoặc hoạt động thiết kế gắn bó với những kỹ sư công nghệ. Vì vậy, yếu tố về con người cần phải đi trước một bước.
Xin cảm ơn ông!