Chuyển động ICT

Xây dựng Đồng bằng sông Hồng thành trung tâm dịch vụ dữ liệu khu vực

Tuấn Trần 13/02/2023 08:52

CMC cam kết sẽ tiếp tục đóng góp trong việc xây dựng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) trở thành Trung tâm dịch vụ dữ liệu (TTDVDL) của khu vực, góp phần đưa Việt Nam thành trung tâm số (digital hub) khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

Ngày 12/2/2023, tại tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính đã tham luận với nội dung “Xây dựng Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) thành TTDVDL khu vực – Digital HUB, góp phần chuyển đổi số (CĐS) và xây dựng kinh tế số” trong Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.

Với những thế mạnh về địa lý, chính sách mở của Chính phủ và tiềm năng riêng, Chủ tịch CMC cho rằng vùng ĐBSH đang hội tụ các yếu tố cần và đủ để xây dựng trở thành TTDVDL của Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành digital hub khu vực APAC. Vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực… là một trong những lợi thế của vùng ĐBSH.

anh-4.jpg
Chủ tịch Nguyễn Trung Chính đã trình bày tham luận với nội dung “Xây dựng ĐBSH thành TTDVDL khu vực – Digital HUB, góp phần CĐS và xây dựng kinh tế số”.

CMC xúc tiến các chương trình hành động cho dự án digital hub

Ông Nguyễn Trung Chính cho biết: “Tập đoàn Công nghệ CMC đã và đang xúc tiến quyết liệt các chương trình hành động cho dự án digital hub trên khắp cả nước nói chung, và ĐBSH nói riêng”.

Cụ thể, thứ nhất CMC đã xây dựng TTDL (Data Center) trung lập với kết nối cao, trong đó nổi bật là TTDL đặt tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM, được đánh giá là TTDL hiện đại và an toàn nhất Việt Nam. Hiện nay, CMC đang có kế hoạch xây dựng mở rộng các TTDL quy mô lớn tại Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh thuộc ĐBSH.

Thứ hai, CMC đã chủ trì xây dựng trạm trung chuyển Internet tiểu vùng sông Mê Kông GMS-IX (Greater Mekong Subregion - Internet Exchange), đặt tại TTDL trung lập, đảm bảo hạ tầng và dung lượng kết nối đủ lớn cho các nhà mạng viễn thông, Internet, nội dung số trong nước kết nối, hướng tới chính sách mở từng bước cho các nhà mạng trong khu vực, OTT kết nối vào.

Thứ ba, CMC tiên phong kết nối, mời gọi, ký kết biên bản ghi nhớ với các nhà mạng quốc tế/nhà cung cấp dịch vụ nội dung/công ty công nghệ tham gia vào digital hub và trạm cập bờ cáp biển quốc tế trung lập như Microsoft, Amazon, Alibaba, Samsung, China Mobile, Chungwa Telecom, v.v...; tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong nước quốc tế để giới thiệu cơ chế mở của quốc gia/thành phố, các dự định cho thành phố thông minh (TPTM).

Thứ tư, CMC đầu tư xây dựng tuyến cáp trục xuyên Việt CVCS (Cross Vietnam Cable System) có tổng chiều dài hơn 2.500 km, tổng đầu tư hơn 500 tỷ đồng và là tuyến cáp Việt Nam duy nhất kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á - A Grid. CMC đang có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm các tuyến trục đất liền kết nối Việt Nam với thế giới.

Thứ năm, CMC phát triển các sản phẩm phục vụ An ninh an toàn thông tin mạng. CMC hiện sở hữu Trung tâm Điều hành An ninh mạng thế hệ mới (CMC SOC) hiện đại, áp dụng các ứng dụng từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa.

Thứ sáu, CMC đầu tư vào giáo dục. Để trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ dữ liệu cho toàn cầu thì có hai điều kiện quan trọng: một là hạ tầng kỹ thuật và hai là nhân lực. 

Những đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ

Với mong muốn đóng góp một phần sức lực vào mục tiêu đưa ĐBSH là vùng đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST), kinh tế số, xã hội số, tại hội nghị, Đại diện CMC đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ như sau:

Một là, cần đưa Hà Nội trở thành trung tâm tri thức, AI của cả nước. Trong đó, vừa thúc đẩy không gian lịch sử - văn hóa truyền thống, vừa khuyến khích, đẩy mạnh đội ngũ các nhà khoa học, tri thức và hệ thống giáo trường - viện đa ngành, đa lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng các trung tâm ĐMST, phần mềm, CNTT tập trung, trở thành silicon của Việt Nam và khu vực APAC.

Hai là, tính đến trục kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh, mở thêm cáp quang trên đất liền. Nhờ đó, các khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trong hiện nay sẽ được trải nghiệm hệ thống hạ tầng viễn thông liền mạch, ổn định và toàn diện hơn.

Ba là, xây dựng hạ tầng kết nối Internet trong nước đủ mạnh và mở. Kết nối Internet trong nước giữa các nhà mạng phải được mở, không độc quyền kinh doanh tự nhiên, chính sách này là tiên quyết trong việc các công ty toàn cầu đưa ra quyết định thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam hoặc có thể chọn một nước khác làm điểm hiện diện.

Bốn là, xây dựng các TTDL trung lập quy mô lớn. TTDL là cơ sở hạ tầng vật lý quan trọng, là trái tim của hoạt động CĐS. Để thu hút được các dự án xây dựng TTDL quy mô lớn, cần các cơ chế đặc thù như hỗ trợ về chính sách đất, năng lượng. Đặc biệt, TTDL có thể đặt trạm trung chuyển Internet quốc gia thứ 2 (hoặc dự phòng) tại đây sẽ là điểm hoàn thiện vượt trội so với các nước còn lại trong khu vực.

Năm là, xây dựng hệ thống xử lý chính của các hạ tầng ứng dụng TPTM. Để đáp ứng được độ trễ và khoảng cách địa lý trong các các hạ tầng ứng dụng TPTM, chúng ta cần đi trước đón đầu: xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu cho TPTM trong chính các TTDL đặt trong khu vực đó. Lúc này, sẽ tận dụng được lượng dữ liệu khổng lồ đến từ khách hàng, hộ gia đình. Đây sẽ là điểm khác biệt mà hiện chưa quốc gia, thành phố, nhà mạng nào làm được./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đồng bằng sông Hồng thành trung tâm dịch vụ dữ liệu khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO