Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chiến lược, là cơ sở để bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, sự phát triển hài hòa và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình liên tục và không có có điểm dừng, từ xây dựng NTM đến NTM nâng cao đến NTM kiểu mẫu, do vậy Phú Thọ đã tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công cuộc xây dựng NTM, bắt đầu từ xây dựng khu dân cư. Xây dựng khu dân cư NTM là cách làm thiết thực, tạo tiền đề, cơ sở để xây dựng xã đạt chuẩn NTM bền vững. Nhiệm vụ này đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện, tạo khí thế thi đua từ cơ sở, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM của tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh ngày 20/9/2022 đã ban hành Quyết định số 2467/QĐ-UBND Quy định xã NTM kiểu mẫu tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025; Ngày 23/9/2022, ban hành Quyết định số 2516/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí khu dân cư NTM và Bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2517/QĐ-UBND về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên địa bàn
Căn cứ văn bản chỉ đạo các cấp, các huyện, thành, thị và các xã đã đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào nghị quyết đại hội đảng bộ; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ; là cơ sở quan trọng để chỉ đạo, hỗ trợ, thực hiện thành công Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM"; các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào và phổ biến đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các sở, ban, ngành tích cực trong hướng dẫn và lồng ghép các nội dung thực hiện đối với lĩnh vực ngành phụ trách; huy động các nguồn lực xã hội trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Tại huyện Thanh Sơn, nội dung xây dựng NTM được đưa vào chương trình hành động hằng năm và cụ thể hóa bằng hành động thiết thực như tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của việc đoàn kết xây dựng NTM, của việc đóng góp trí tuệ, công sức, vật chất của mỗi người dân sinh sống trên địa bàn và chính họ là đối tượng được thụ hưởng những giá trị đó.
Chính vì điều đó, mỗi người dân trong huyện, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số luôn đoàn kết, chia sẻ những kinh nghiệm làm giàu cụ thể như các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế rừng, nuôi trồng thủy sản, phát triển cây ăn quả... Tiêu biểu có gia đình ông Đinh Trọng Thơm, dân tộc Mường ở xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, ông là một trong những gia đình khó khăn nhất ở địa phương, lúc đầu do không có vốn ông chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mấy năm gần đây, được tham gia các lớp tập huấn, được huyện đưa đi thăm mô hình phát triển kinh tế ở các huyện bạn và đặc biệt là được hỗ trợ nguồn vốn, ông Thơm đã mạnh dạn phát triển thành mô hình tăng đàn. Hiện nay, gia đình ông có khoảng 100 con lợn bột, 20 con lợn nái, mỗi năm xuất chuồng và thu lãi trung bình khoảng 200 triệu đồng.
Từ việc bước đầu thành công trong chăn nuôi, khi có nguồn vốn ổn định, ông không để đồng tiền của mình nằm một yên, ông lại mạnh dạn mở dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi cho bà con Nhân dân trong khu, bình quân mỗi năm cung ứng từ 900 - 1000 tấn thức ăn chăn nuôi cho bà con quanh vùng. Tổng thu nhập bình quân của gia đình hằng năm đạt trên 500 triệu đồng. Không chỉ là người làm kinh tế giỏi trong xã Tất Thắng, gia đình ông còn ủng hộ 2 sào đất ruộng để làm đường giao thông nông thôn của khu trị giá khoảng 40 triệu đồng.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Nông nghiệp Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê
Phong trào xây dựng NTM đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên địa bàn huyện Cẩm Khê. Mức thu nhập của người dân được nâng cao; cơ sở hạ tầng đồng bộ, các trục thôn, xóm được bê tông hóa; tình làng nghĩa xóm đoàn kết... NTM là huyết mạch, là nền tảng để phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội trong huyện do đó làm NTM phải phát huy được tinh thần đại đoàn kết, đi lên bằng sức mạnh nội lực, tuyên truyền thay đổi tư duy của từng người dân và xác định được lợi ích lớn lao của chương trình, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cấp trên...
Đến nay, phong trào xây dựng NTM ở Cẩm Khê đã thực sự lan tỏa. UBND huyện Cẩm Khê đã triển khai những mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng như những vùng đất đai màu mỡ, bằng phẳng, công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã triển khai thành công, nhiều cây, con giống mới được đưa vào nuôi trồng, sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể, tăng tỷ trọng cơ giới hóa nông nghiệp…
Từ những bước đi vững chắc đó, cùng với Nhân dân trong huyện một lòng đoàn kết, sẻ chia những kinh nghiệm trong việc đầu tư phát triển kinh tế nên bộ mặt NTM huyện Cẩm Khê thực sự thay da đổi thịt. Đầu năm 2022 đến nay, tổng diện tích cấy lúa 6.400 ha, năng suất bình quân đạt 56,4tạ/ha; cây ngô 1.670 ha, năng suất 47,2tạ/ha; cây rau màu các loại là 2.500 ha, năng suất 159,8 tạ/ha, diện tích nuôi trồng thủy sản gần 2.000 ha, sản lượng khai thác đạt hơn 8.000tấn/năm.
Để xây dựng NTM thực chất, đúng hướng, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ luôn phát huy sức mạnh nội lực, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thay đổi thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững công trình hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư… và từng bước nâng cao "tầm vóc" để vừa vặn hơn với "chiếc áo" NTM./.