Xây dựng quy hoạch làm nền tảng để định hướng phát triển đô thị

PV| 02/12/2022 15:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát triển đô thị đang trở thành một động lực phát triển, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Trong đó, quy hoạch là công cụ, nền tảng quan trọng cần có để định hướng phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới.

Định hướng mới cho công tác quản lý và phát triển đô thị

Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị bền vững Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị thông qua là công cụ xác định tầm nhìn, nền tảng và định hướng cho những năm tới, định hướng đất nước phát triển đô thị thông minh, xanh và bền vững giai đoạn 2030-2045.

Nghị quyết cho phép các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp xây dựng một phương pháp tiếp cận quốc gia tổng thể - kết hợp các chính sách, quy định phối hợp sắp xếp thể chế và các chương trình đầu tư - để giải quyết các thách thức đô thị ngày càng phức tạp và phối hợp hiệu quả các giải pháp đa ngành.

Để Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam. về mục tiêu, Chương trình hành động xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỉ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030.

Theo đó, đến năm 2030, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế hóa chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện.

Xây dựng quy hoạch làm nền tảng để định hướng phát triển đô thị - Ảnh 1.

Việt Nam phấn đấu xây dựng được ít nhất 05 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị...

Và tầm nhìn đến năm 2045, tỉ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Xây dựng được ít nhất 05 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.

"Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chỉ rõ.

Phát triển đô thị bền vững và có khả năng chống chịu

Theo WB, Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên thế giới và hơn 35% khu dân cư hiện đang nằm ở các khu vực ven biển. Bảo đảm rằng việc phát triển có cân nhắc đến các vấn đề khí hậu là đặc biệt quan trọng, điều này sẽ đòi hỏi một phương pháp tiếp cận có cấu trúc để đảm bảo rằng vừa đảm bảo tính cạnh tranh và tính bền vững. Một cân nhắc quan trọng đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng mới là lồng ghép tư duy và biện pháp tăng cường khả năng chống chịu vào quy hoạch, kỹ thuật và thiết kế và vận hành cơ sở hạ tầng, dù là bất kể loại cơ sở hạ tầng nào.

Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ TN&MT cập nhật và công bố mới đây, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các vùng trên cả nước đều tăng cao. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặt biệt là các cơn bão từ mạnh đến rất mạnh có xu hướng gia tăng.

Với dải ven biển có chiều dài hơn 3.000 km và các vùng biển hải đảo Việt Nam là vùng sẽ chịu nhiều rủi ro và nguy cơ, tác động tiềm tàng nhiều nhất liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rủi ro sẽ ngày càng gia tăng đối với các vùng châu thổ và đô thị lớn, đặc biệt là các đô thị ven biển. Nếu nước biển dâng 100 cm, Đồng bằng sông Cửu Long có thể ngập tới trên 47,29% diện tích.

Cuối cùng, để làm chậm tác động của biến đổi khí hậu, đạt được các cam kết phát thải ròng bằng không ở COP26, sẽ đòi hỏi cả sự lãnh đạo tập trung do Chính phủ lãnh đạo và các nỗ lực phối hợp trong khu vực.

Bên cạnh việc phát triển từng đô thị, phải chú trọng đến phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới để nâng cao hiệu quả chung của các đô thị. Về tổng thể, vấn đề đặt ra ở đây sẽ liên quan trực tiếp với công tác quy hoạch, nhất là Quy hoạch tổng thể quốc gia (vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Như vậy, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng cần phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đặc biệt, gắn kết với 4 vùng động lực quốc gia trọng yếu và hệ thống các hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông Tây để nâng cao hiệu quả chung của hệ thống đô thị quốc gia.

Bên cạnh đó, yêu cầu về việc hình thành, phát triển các mô hình hệ thống đô thị mới có khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hệ thống đô thị vệ tinh để giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn… cũng là những vấn đề mà các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương cần có đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp như thế nào với thực tiễn đặt ra hiện nay.

Việc nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính đô thị nhưng vẫn bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển cũng là những vấn đề mà chính quyền các cấp đang trăn trở về cơ chế, chính sách, cũng như đang nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phù hợp với tính đặc thù của địa phương mình để hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đô thị tại địa phương./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng quy hoạch làm nền tảng để định hướng phát triển đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO