Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Đỗ Thêu| 30/10/2022 17:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Tổng nhu cầu thức ăn tinh của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng từ 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng từ 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chăn nuôi là trụ đỡ lớn của nông nghiệp, thời gian qua, ngành chăn nuôi có những bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên 6%/năm, sản lượng thịt năm 2021 đạt gần 7 triệu tấn, dự kiến năm nay sẽ đạt hơn 7 triệu tấn thịt.

Trong đó, đàn lợn hiện có quy mô rất lớn, đạt 28,6 triệu con, sản lượng thịt hơi 3,23 triệu tấn (tính đến 9 tháng đầu năm 2022). Đàn gia cầm 533,4 triệu con, tăng 3,8% so với cùng kì, trong đó gà chiếm 80%. Tổng đàn trâu 2,27 triệu con, giảm 1,1% nhưng thịt hơi tăng lên 88.000 tấn; bò 6,41 triệu con, tăng 3,4% so với cùng kì...

Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 17 lần, điều đáng chú ý là không giảm một lần nào. Điều này đã khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ do chi phí tăng lên, gây những tác động bất ổn lên ngành chăn nuôi.

Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi về Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đã đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi. Điều đáng nói là do giá nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, khâu vận chuyển bị đứt gãy do dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine nên giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh.

Chăn nuôi còn nhiều dư địa phát triển bởi có thị trường tiêu thụ lớn, với gần 100 triệu dân, lại gần với thị trường Trung Quốc, nhưng để đạt tầm khu vực và thế giới thì còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, từ khoa học công nghệ, giống, thức ăn chăn nuôi, đến xử lí môi trường, tuy nhiên các khó khăn lớn vẫn còn, nhất là nút thắt cung cầu làm hạn chế sự phát triển của ngành.

Về phía các doanh nghiệp, do phải lệ thuộc vào nhập khẩu nên bị động trong sản xuất, tốn kém thêm nhiều chi phí logistic, buộc phải tăng giá bán nếu không sẽ bị lỗ. Lí giải về việc "quanh năm" phải đi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu phục vụ chăn nuôi lợn và gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm phần nhỏ với khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một con số rất lớn, với khoảng từ 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Tự phối trộn thức ăn chăn nuôi, giúp giảm chi phí cho người chăn nuôi

Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững - Ảnh 1.

Thu hoạch ngô làm thức ăn chăn nuôi tại trang trại nuôi bò sữa của Tập đoàn TH.

Để giảm tác động của giá thức ăn chăn nuôi tăng đối với bà con nông dân, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai một số mô hình hướng dẫn người chăn nuôi tự phối trộn thức ăn cho lợn, gà để giảm chi phí; hay trồng cây ngô sinh khối để ủ chua làm thức ăn cho gia súc…

Chia sẻ về vấn đề này, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Việc trồng ngô làm nguồn nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi và phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay đã trở nên phổ biến nhưng vẫn còn một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, vấn đề chọn giống và kỹ thuật trồng vẫn chưa đồng đều và chưa thống nhất ở nhiều địa phương. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã phối hợp, liên kết với nhiều tỉnh, thành như Hòa Bình, Hà Nam… để trợ giúp nông dân vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là gói kỹ thuật trong nông nghiệp tuần hoàn.

"Ở Hà Nam, chúng tôi đã trợ giúp mô hình nuôi bò với cây húng quế, điển hình cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn khi cây húng quế có thể sử dụng để phối trộn với làm thức ăn, và chất thải trong chăn nuôi quay lại sử dụng làm phân bón phát triển cây trồng", Phó Giám đốc Hạ Thúy Hạnh chia sẻ.

Thứ hai, phần cơ giới hóa cũng rất quan trọng vì nó giúp chúng ta tăng năng suất sản xuất và tiết kiệm được chi phí đầu vào. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã tổ chức nhiều hội thảo đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất cây ngô. Đặc biệt, vụ đông tới đây sẽ có những biện pháp kỹ thuật cụ thể để hướng dẫn bà con miền núi phía Bắc phối trộn thức ăn, chủ động được nguồn thức ăn thô, tinh cho đàn gia súc khi mùa đông kéo dài.

Thứ ba, việc trồng ngô sinh khối ở nhiều địa phương vẫn mang tính tự phát, bà con tự trồng và tự bán cho thương lá, chất lượng cũng như sản lượng chưa thể đảm bảo. Do đó, chúng tôi khuyến cáo và khuyến khích bà con trồng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, theo đúng kỹ thuật mà bên Khuyến nông đã phổ biến để có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Cũng nói về vấn đề phối trộn thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội cho biết: Phải khẳng định, việc nhiều nông hộ tận dụng, phối trộn thức ăn là một giải pháp trước mắt để giảm chi phí giá thức ăn chăn nuôi. Để tận dụng nguyên liệu sẵn có, phát huy thế mạnh vùng miền, phối trộn thức ăn tinh nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc phối trộn, tận dụng này chỉ phù hợp với chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ và vừa còn chăn nuôi công nghệ cao thì khó tận dụng. Trong việc tận dụng, phối trộn thức ăn, nếu tính toán không hợp lý lại có thể gây lãng phí. Hiện, nhiều hộ phối trộn thức ăn nhưng công thức phối trộn không hợp lý, trộn thủ công, như trộn bê tông nên không đều, gây lãng phí.

"Nhiều bà con cho vào thùng, gây nấm mốc nên chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi, thậm chí còn lây lan dịch bệnh. Do đó, tôi khuyến cáo bà con, khi phối trộn thức ăn phải đảm bảo tỷ lệ và vệ sinh, đúng quy cách", ông Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO