Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu tại các huyện miền núi trên cả nước vẫn chưa xây được nhà tiêu hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, tại không ít vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta, việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh vẫn khó thực hiện. Ghi nhận tại tỉnh miền núi Yên Bái cho thấy, mặc dù Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đã được triển khai suốt 8 năm qua nhưng tại nhiều huyện vùng cao tiêu chí môi trường vẫn luôn là bài toán khó đang đặt ra.
Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Là một tỉnh miền núi, với 30 dân tộc anh em cùng chung sống, bà con dân tộc còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Bởi vậy, tình trạng môi trường sống tại nhiều địa phương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cụ thể, những địa phương ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các huyện như Trấn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải… bà con dân tộc thiểu số vẫn thường xuyên thả rông gia súc, vứt rác thải bừa bãi. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình không có nhà vệ sinh, hố rác đạt chuẩn… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Tìm hiểu thực tế tại thôn Hồng Ca, huyện Trấn Yên, bà Tráng Thị Nhà, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Khó khăn nhất đối với thôn Hồng Ca là tiêu chí môi trường. Do tập quán và nhận thức còn lạc hậu, nên đa phần các hộ đồng bào Mông trong thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh dẫn tới tình trạng phóng uế bừa bãi trong thôn vẫn xảy ra. Đây chính là một thách thức không nhỏ với địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Tương tự, tìm hiểu tại xã Cư Huê, huyên Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh hiện còn khoảng trên 60%. Trong khi đó, tỷ lệ hộ dân chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh trên toàn huyện Ea Kar là khoảng 35%,và trên toàn tỉnh Đắk Lắk là khoảng 60%...
Đáng nói, tình trạng trên không chỉ diễn ra ở một vài dân tộc hay một vài địa phương trên cả nước. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, tính đến tháng 8/2015, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 27,9%. Đáng chú ý, trong 53 dân tộc thiểu số, thì có đến 12 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh từ 10% trở xuống; đặc biệt, tỷ lệ này ở đồng bào dân tộc Xinh Mun chỉ đạt 2,3%, dân tộc Chứt 3,3%, dân tộc La Hủ 2,7%,…
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới việc người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có nhà tiêu hợp vệ sinh là do thói quen tập quán lạc hậu của đồng bào trong vấn đề vệ sinh môi trường. Vẫn còn không ít hộ dân không ý thức được nguy cơ tiềm ẩn về bệnh dịch từ thói quen đi vệ sinh bừa bãi ra môi trường. Chính vì thế, việc tuyên truyền vận động người dân thay đổi nhận thức, xây nhà tiêu hợp vệ sinh đòi hỏi cả một quá trình dài, thường xuyên, liên tục.
Cùng với đó, điều kiện kinh tế nhiều gia đình người dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa thực sự là một rào cản không nhỏ trong việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh .
Đơn cử, hộ bà H’M. Niê Kđăm (buôn M’Oa, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) là một trong nhiều hộ dân chưa có nhà tiêu. Bà H’M. Niê Kđăm cho biết: Do điều kiện kinh tế khó khăn không đủ kinh phí xây dựng nhà tiêu nên nhu cầu đi vệ sinh hằng ngày được xả thẳng ra vườn nhà hoặc sử dụng nhờ nhà vệ sinh tạm bợ, sơ sài của hàng xóm. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều hộ trong buôn, trong xã.
Chính vì vậy, ngoài việc vận động người dân chú trọng xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thì vẫn rất cần sự hỗ trợ hơn nữa về kinh phí để tạo động lực và thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của địa phương.