Xử lý dứt điểm nạn sim "rác"

Chí Công| 15/02/2017 14:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Tưởng chừng sau khi gần 18 triệu sim di động kích hoạt sẵn bị các nhà mạng thu hồi, nạn sim "rác", căn bệnh lâu năm của ngành viễn thông Việt Nam sẽ dần cải thiện. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của các cơ quan quản lý, việc mua bán sim kích hoạt sẵn vẫn diễn ra công khai. Ðiều này khiến dư luận đặt câu hỏi về việc các doanh nghiệp (DN) viễn thông di động đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác thu hồi sim kích hoạt sẵn hay chưa?

Một cửa hàng kinh doanh sim, thẻ điện thoại trên phố Kim Mã (Hà Nội). Ảnh minh họa: PHẠM HÙNG

Dễ dàng mua được sim "rác"

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cuối tháng 10-2016, các DN viễn thông di động trong nước đã thống nhất ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) về việc thực hiện thu hồi sim di động kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Ngay sau đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TTTT, các DN viễn thông triển khai thu hồi gần 18 triệu sim kích hoạt sẵn đã đưa ra thị trường. Có thể nói, đây là đợt thu hồi sim kích hoạt sẵn lớn nhất từ trước đến nay, được thực hiện cùng sự kiểm tra chéo lẫn nhau của các DN, sự giám sát chặt chẽ của Bộ TTTT để bảo đảm công bằng, khách quan. Bên cạnh đó, cũng vào thời điểm cuối năm 2016, Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính hơn một tỷ đồng đối với các DN viễn thông di động có hành vi vi phạm các quy định liên quan về khuyến mại, quản lý thông tin thuê bao. Thực tế, những hành động "mạnh tay" nêu trên đã tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp trong sạch hóa phần nào thị trường viễn thông hiện nay. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vấn nạn tin nhắn "rác" đã được ngăn chặn tương đối hiệu quả, diễn biến không còn phức tạp như các năm trước đây. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình mua bán sim kích hoạt sẵn lại bắt đầu có chiều hướng tái phát.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TTTT, Cục Viễn thông đã nghiêm túc tiến hành công tác kiểm tra việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối của các DN viễn thông. Kết quả cho thấy, tình trạng mua bán sim kích hoạt sẵn vẫn diễn ra công khai và khá dễ dàng. Ðơn cử, ngay dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trên mạng xã hội Facebook đã đăng tải quảng cáo mua bán sim kích hoạt sẵn của các nhà mạng di động, trong đó ghi rõ sẵn sàng bán sim kích hoạt sẵn của nhà mạng Viettel với số lượng lớn và giá chỉ từ 9.500 đến 12 nghìn đồng/sim ngay tại địa bàn Hà Nội. Các cán bộ của Cục Viễn thông cũng đã đến kiểm tra trực tiếp các đại lý, điểm bán sim và phát hiện việc mua bán công khai, khá dễ dàng các sim kích hoạt sẵn. Ðặc biệt, trong chiều 8-2, chỉ tại một vài đại lý đã có thể mua được số lượng lớn lên đến vài trăm sim kích hoạt sẵn của nhà mạng Viettel. Không chỉ vậy, cũng sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nạn tin nhắn "rác" lại bắt đầu bùng phát trở lại, gây nhiều bức xúc cho người sử dụng các mạng di động.

Quyết tâm dẹp "rác"

Ðược biết, sau khi nhận được thông tin cán bộ Cục Viễn thông phát hiện số lượng lớn lượng sim kích hoạt sẵn của nhà mạng Viettel vẫn được mua bán công khai tại một số đại lý, điểm bán sim vào ngày 8-2 vừa qua, nhà mạng này đã ngay lập tức tiến hành kiểm tra lại những thông tin của các thuê bao này. Qua xác minh, đây là những thuê bao có thông tin cá nhân đã được đăng ký, nhưng lại được bán ra qua đại lý sim thẻ. Thực tế, theo các quy định về quản lý thuê bao di động trả trước hiện hành, các đại lý mua bán sim vẫn được phép thực hiện việc đăng ký sim trả trước cho khách hàng. Ðây chính là "kẽ hở" để các đại lý có thể lợi dụng, dùng chứng minh nhân dân giả, thông tin giả để đăng ký thông tin cho thuê bao trả trước như đã làm trong suốt thời gian dài vừa qua. Ðiều này chỉ được ngăn chặn khi những quy định về quản lý thuê bao di động mới sắp được ban hành, các đại lý sẽ không được phép đăng ký thông tin thuê bao mà việc đó sẽ chỉ thuộc trách nhiệm của nhà mạng. Trong câu chuyện lần này, Viettel cũng đã mời Bộ Công an vào cuộc để điều tra nguồn gốc những sim đã kích hoạt sẵn bị phát hiện để có được thông tin chính xác về nguyên nhân hàng loạt sim đã kích hoạt được bán ra này, từ đó tìm ra hướng xử lý.

Trước tình hình nêu trên, Bộ TTTT một lần nữa khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở TTTT địa phương, phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các DN và các đại lý cố tình vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao và mua bán, kích hoạt sim.

Về vấn đề quản lý sim "rác", tin nhắn "rác", Bộ TTTT thống nhất sẽ xử lý kiên quyết, trong đó DN di động phải chịu trách nhiệm chính. Nhà nước cấp đầu số cho DN kinh doanh, vì vậy DN phải có biện pháp quản lý. Bộ TTTT cũng yêu cầu các DN viễn thông nghiêm túc thực hiện các nội dung thu hồi sim kích hoạt sẵn như đã cam kết, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. DN viễn thông di động phải nêu cao trách nhiệm, kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm của các đại lý, điểm bán sim; bảo đảm thu hồi triệt để sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, góp phần giảm tin nhắn "rác", bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông.

Trương Minh Tuấn

Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Ngành TT&TT vươn mình trong kỷ nguyên mới
    Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các xếp hạng lĩnh vực TT&TT của Việt Nam đang có thứ hạng cao và nhiều thứ hạng trong top đầu thế giới. Do vậy, Ngành TT&TT cần tiếp tục phát huy trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
  • Đạo đức đang trở thành thách thức lớn nhất của AI
    Đạo đức AI rất quan trọng vì công nghệ AI được thiết kế để tăng cường hoặc thay thế trí tuệ con người, điều này có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng nếu không được quản lý đúng cách.
  • Xu thế công nghệ trong An ninh mạng năm 2025
    Giám đốc công nghệ VSEC - Ông Phan Hoàng Giáp nhận định “Trong bức tranh của năm 2025, các xu thế như trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng bảo mật Cloud Native (Cloud Native Application Protection Platform - CNAPP) được dự báo sẽ chi phối ngành an ninh mạng”.
  • Báo chí - Truyền thông Việt Nam 2024: Nhìn từ hai thái cực
    Năm 2024, báo chí - truyền thông Việt Nam tiếp tục đứng trước những cơ hội và thách thức mang tính bước ngoặt.
  • Đông Nam Á có thể nắm bắt cơ hội từ hàng tỷ USD đầu tư vào đám mây và AI?
    Các hãng công nghệ lớn đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng để khai thác tối đa dòng vốn này, các quốc gia trong khu vực cần giải quyết khoảng cách về kỹ năng số và thách thức về lượng khí thải carbon.
Đừng bỏ lỡ
Xử lý dứt điểm nạn sim "rác"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO