Truyền thông

Xuất bản sách dân gian cho thiếu nhi

pv 15/08/2023 08:07

Trong rất nhiều xu hướng xuất bản sách cho thiếu nhi năm 2023, Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ Việt Nam đã cho ra mắt nhiều bộ sách thiếu nhi dân gian.

Đây là một bước làm lại nhưng với tinh thần tương đối tươi mới: về hướng biên soạn, lựa chọn dị bản, về minh họa hoặc về cách tích hợp các hoạt động đọc phù hợp với lứa tuổi.

dong-dao-cho-be-nxbpn.jpg

Xây dựng tủ sách dân gian cho thiếu nhi với một phiên bản mới

Sách cho thiếu nhi hiện nay rất đa dạng và phong phú, song phần lớn là sách hướng đến các hoạt động kỹ năng để giúp trẻ phát triển lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Bên cạnh việc phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ thì giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng đặc biệt quan trọng. Khi có được vốn từ tốt, trẻ sẽ có khả năng diễn đạt tốt hơn và điều này giúp ích nhiều cho quá trình học văn của trẻ về sau.

Để trẻ có một vốn từ phong phú ngoài quá trình giao tiếp, trẻ cần đọc nhiều sách văn học, trong đó có văn học dân gian. Vì vậy, NXB Phụ nữ đã xuất bản bộ sách dân gian Câu đố dân gian, Đồng dao cho bé, Truyện tranh cổ tích Việt Nam cho thiếu nhi với hy vọng trẻ em vừa mở rộng được vốn từ vựng, vừa có được nguồn sách tư liệu để hiểu hơn về văn hóa dân gian của ông bà ta.

Đại diện NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết: Trên thực tế, văn học dân gian là một đề tài bao giờ cũng có sức sống, và luôn được các đơn vị xuất bản khai thác rất đều đặn, bền bỉ. Vì vậy, dĩ nhiên mảng sách thiếu nhi của NXB Phụ nữ Việt Nam không thể thiếu đi đề tài này.

Lần ra mắt bộ Truyện tranh cổ tích Việt Nam (gồm 12 cuốn), Câu đố dân gian (2 cuốn), Đồng dao cho bé (2 cuốn)… trong năm 2023 là một bước làm lại nhưng với tinh thần tương đối tươi mới: về hướng biên soạn, lựa chọn dị bản, về minh họa hoặc về cách tích hợp các hoạt động đọc phù hợp với lứa tuổi.

Cũng theo đơn vị này, khi thực hiện bộ đôi sách Câu đố dân gian, NXB đã chia thành nhóm thành 2 chủ đề Động vật và Thực vật, Đồ vật và Phương tiện giao thông nhằm giúp trẻ dễ dàng hệ thống các hình ảnh, từ vựng. Đồng thời đưa vào một số từ mới tiếng Anh, hy vọng những bạn nhỏ bước đầu làm quen “mặt chữ” - bởi lẽ tuổi 3 - 6 là giai đoạn tiếp nạp ngôn ngữ rất hiệu quả.

Ở bộ Đồng dao cho bé, người biên soạn rất có lý khi đi theo 2 mục đích: phát triển tư duy ngôn ngữ, cảm xúcphát triển kĩ năng vận động, làm việc nhóm, do kho tàng đồng dao Việt Nam vô cùng thích hợp đưa vào giờ học đọc, học hát, lúc vui chơi tập thể!

Tiếp đến, bộ Truyện tranh cổ tích Việt Nam ra đời dành cho trẻ lớn hơn một chút, các em biết đọc, biết viết, bắt đầu hình thành quan niệm vững hơn về thiện - ác, sự bất công hay lẽ công bằng.

Đối tượng độc giả bộ sách dân gian hướng tới là thiếu nhi nhưng thực tế dù bạn ở độ tuổi nào vẫn có thể đọc được. Người lớn có thể đọc và chơi với con, cháu mình (Đồng dao cho bé, Câu đố dân gian) hoặc thủ thỉ với nhau Truyện tranh cổ tích Việt Nam. Anh chị em có thể vừa đọc sách đồng dao vừa chơi cùng nhau, hoặc chơi đố vui cùng nhau.

Những cuốn sách này không chỉ giúp trẻ luyện đọc, mà còn giúp trẻ tăng khả vận động nhanh nhẹn, linh hoạt, rèn luyện tư duy nhạy bén, trí tưởng tượng phong phú. Như quý vị độc giả sẽ thấy trên từng ấn phẩm, lứa tuổi trọng tâm để NXB hướng đến là các bạn mầm non, tiểu học, song trẻ không chỉ xem sách, đọc sách một mình mà còn được người lớn đọc cho nghe; hơn nữa bạn bè đồng lứa, hay anh chị em đều có thể chơi đố, hát đồng dao v.v... cùng nhau rất vui.

Sách dân gian cho thiếu nhi thử thách từ lối đi riêng

NXB Phụ nữ Việt Nam đã tuyển chọn nội dung những cuốn sách từ nguồn đáng tin cậy, với sự đóng góp, tư vấn của nhà nghiên cứu (chẳng hạn ấn phẩm Đồng dao cho bé: Em học em chơiThiên nhiên quanh em do nhà nghiên cứu văn học Đoàn Ánh Dương biên soạn), bởi thế tính giáo dục, bố cục về lượng từ, thời lượng hoạt động tương tác v.v... đều bảo đảm, rất phù hợp khi đưa vào trường học, thư viện.

Điểm cộng của bộ sách là tranh minh đẹp, có thêm phần tương tác khiến cuốn sách thêm hấp dẫn. Vì thế, tuy mới ra mắt nhưng bộ sách đã được độc giả rất đón nhận và khen ngợi vì sách đẹp và có điểm sáng tạo riêng. Bên cạnh đó, đơn vị đã rất đầu tư cho phần minh họa, dù là họa sĩ đã thành danh như Kim Duẩn, có kinh nghiệm về phong cách dân gian như Nguyễn Ngọc Thủy, hay họa sĩ trẻ như Bích Ngọc đều rất tỉ mỉ khi đặt bút vẽ.

Được biết, bộ sách dân gian (Câu đố dân gian, Đồng dao cho bé, Truyện tranh cổ tích Việt Nam) từ lúc NXB bắt đầu lên ý tưởng đến khi ra sách mất khoảng 3 năm. Mặc dù văn học dân gian là một mạch nguồn dồi dào, sẵn có, vì thế người làm không mất thời gian lên ý tưởng. Tuy nhiên, đơn vị đã không chọn cách làm sơ sài - sử dụng văn bản chia sẻ trên mạng hoặc những hình ảnh từ nguồn mở, dù như vậy thì đẩy nhanh tốc độ ra sách nhưng chất lượng sách sẽ không đảm bảo.

Truyện “Tấm Cám”, ở phần lời, NXB Phụ Nữ Việt Nam đã đặt tác giả biên soạn lại dựa trên cốt truyện cổ tích xưa, có cải biên lại vài chi tiết, ví dụ: Tấm lừa Cám dội nước sôi vào để da trắng hơn, sau đó Tấm muối Cám mang về mời dì ghẻ ăn... Được biết, NXB chọn lược bỏ chi tiết này vì đối tượng hướng đến trước tiên là trẻ nhỏ, dạy trẻ hướng thiện, yêu thương mọi người nên chi tiết này không phù hợp với tiêu chí mà NXB hướng tới.

Vì vậy, đơn vị đã tiến hành cải biên lại nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên cốt truyện. Ngoài việc dựa vào ý kiến của nhà nghiên cứu, NXB còn cố gắng tra cứu, đối chiếu một vài dị bản tại Thư viện Quốc Gia Việt Nam, nhờ đó lựa chọn, biên soạn nội dung thực phù hợp với lứa tuổi (thí dụ một bản truyện Tấm Cám ít phổ biến hơn nhưng dễ được đón nhận hơn).

Sách được minh họa phù hợp với nội dung sách dân gian mà vẫn có nét tươi sáng trẻ trung, hợp với phong cách truyện thiếu nhi. Không những vậy, minh họa phải có nét riêng, không bị lẫn vào những mảng sách dân gian đã ra được xuất bản trước đó.

Bên cạnh những cuốn sách ít chữ như Đồng dao cho bé, Câu đố dân gian, thì Truyện tranh cổ tích Việt Nam là những cuốn sách nhiều chữ. Đọc Truyện tranh cổ tích Việt Nam trẻ sẽ làm quen với cách kể chuyện có mở đầu và kết thúc, cách dẫn dắt câu chuyện sao cho phù hợp. Trẻ sẽ biết được nhiều nhân vật với tính cách nhút nhát - dũng cảm, thiện - ác và qua đó học được nhiều bài học bổ ích./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Xuất bản sách dân gian cho thiếu nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO