Y tế số đang từng bước gia nhập vũ trụ ảo metaverse như thế nào?

Bảo Bình| 24/02/2022 09:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Vũ trụ ảo metaverse có thể đã quen thuộc với thế giới công nghệ, song vẫn còn khá mới với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (CSSK). Thế nhưng, trên thế giới, các công ty khởi nghiệp về công nghệ sức khỏe đã tham gia vào metaverse, tạo ra những thay đổi lớn cho ngành y tế.

Metaverse là gì?

Ở bài viết này, khái niệm metaverse sẽ được giải thích trong bối cảnh CSSK số. Trước hết, CSSK số hiện nay liên quan đến các sản phẩm và giải pháp cho phép bệnh nhân và nhà cung cấp khả năng xem, chia sẻ, trao đổi, tạo hoặc tương tác trên môi trường số. Ví dụ như nhập dữ liệu bệnh nhân vào EHR (Electronic Health Record - hồ sơ sức khỏe điện tử), gửi thanh toán trực tuyến, xem các buổi vật lý trị liệu trên một ứng dụng hoặc chia sẻ video trong khi tư vấn y tế từ xa.

Tuy nhiên, metaverse thay đổi mối quan hệ giữa con người và công nghệ, cho phép người dùng trải nghiệm bản thân bên trong hoặc bên cạnh nội dung ảo, thay vì chỉ tương tác với các sản phẩm và giải pháp số. Trải nghiệm tổng hợp về sức khỏe số có thể bao gồm bệnh nhân tham gia các buổi trị liệu nhóm thực tế ảo (VR), bác sĩ phẫu thuật lập kế hoạch quy trình về ảnh ba chiều giải phẫu hoặc các bà mẹ tương lai thực hành các kỹ thuật cho con bú trong môi trường thực tế tăng cường (AR).

Các ứng dụng của metaverse trong y tế

Công nghệ metaverse chưa phổ biến trong lĩnh vực sức khỏe số, nhưng đã có những tín hiệu đầu tư và đổi mới ban đầu. Năm 2021, các nhà đầu tư đã bỏ ra 198 triệu USD tài trợ cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ sức khỏe, tích hợp công nghệ VR hoặc AR trong 11 thương vụ, cao hơn gấp đôi so với 93 triệu USD được huy động qua 8 thương vụ vào năm 2020. Tuy nhiên, khoản đầu tư 198 triệu USD của năm 2021 chưa bằng 1% so với tổng số tiền được rót vào lĩnh vực sức khỏe số trong năm qua, cho thấy metaverse vẫn đang ở giai đoạn sơ khai đối với ngành y tế.

Theo Rock Health, dịch vụ CSSK không chỉ tồn tại dưới dạng ảo, mà thay vào đó, ngành y tế sẽ dựa vào một tương lai có cả tiếp xúc kỹ thuật số và tiếp xúc trực tiếp để đạt được sự cân bằng phù hợp về dịch vụ chăm sóc có giá trị cao, khả thi. Mặc dù lĩnh vực CSSK có nhiều tiềm năng trong metaverse, nhưng có hai danh mục ứng dụng metaverse phổ biến nhất hiện nay trong y tế số. Thứ nhất là môi trường nhập vai (immersive environments), trong đó các nhà cung cấp dịch vụ CSSK và người tiêu dùng tham gia vào thế giới ảo hoặc thế giới kết hợp vì mục đích giáo dục, hỗ trợ hoặc điều trị. Thứ hai là ứng dụng bản sao số (digital twin) nhằm thu thập thông tin chi tiết để đưa ra các quyết định CSSK.

Môi trường nhập vai

Danh mục lớn nhất của các startup về sức khỏe số trong metaverse là cung cấp cho các công ty và người tiêu dùng khả năng tiếp cận với thế giới thực tế ảo hoặc thế giới kết hợp. Những môi trường nhập vai này có thể hoàn toàn là ảo và được truy cập thông qua VR hoặc kết hợp giữa thế giới thực và thế giới số thông qua công nghệ AR hoặc ảnh ba chiều.

Môi trường nhập vai trong lĩnh vực y tế số ngày nay phục vụ các mục đích giáo dục, hỗ trợ và trị liệu. Về mặt giáo dục, có các startup chuyên về thư viện y tế số như hãng nội dung VR Giblib và nền tảng đào tạo phẫu thuật Osso VR. Trong khi đó, startup Health Scholars đưa các bác sĩ lâm sàng vào các tình huống khẩn cấp để thực hành phản ứng nhanh, còn Embodied Labs giúp những người chăm sóc đồng cảm với tình trạng của bệnh nhân.

Ngoài giáo dục, môi trường nhập vai có thể hỗ trợ các bác sĩ lập kế hoạch hoặc hoàn thành các thủ tục. Chẳng hạn, startup Vicarious Surgical trang bị cho các bác sỹ phẫu thuật tai nghe VR để điều khiển robot phẫu thuật, trong khi hệ thống định vị AR của hãng Augmedics giúp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đặt mô cấy. Các giải pháp metaverse cũng có thể giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của các bác sĩ. Kính AR của ThirdEye cho phép bác sĩ đánh giá tình trạng của bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn chăm sóc trước khi họ đến bệnh viện.

Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các trải nghiệm metaverse để tiếp nhận hoặc khuếch đại các phương pháp điều trị. Một giá trị cộng thêm của những môi trường nhập vai này là nâng cao cường độ trải nghiệm trị liệu của bệnh nhân.

Ngoài ra, môi trường điều trị metaverse có thể mở rộng quyền truy cập vào các thiết lập chuyên biệt cần thiết cho các can thiệp chăm sóc nhất định. Ví dụ, startup metaverse OxfordVR cho phép bệnh nhân thử liệu pháp tiếp xúc trong không gian ảo để khắc phục chứng ám ảnh sợ hãi và PTSD (rối loạn stress sau sang chấn), còn startup Floreo cho phép trẻ em mắc chứng rối loạn tự kỷ thực hành các kỹ năng hành vi trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Giải pháp của Luminopia lại tạo ra các khung cảnh kỹ thuật số để điều trị các rối loạn thị giác thần kinh như giảm thị lực.

Y tế số đang từng bước gia nhập vũ trụ ảo metaverse như thế nào? - Ảnh 1.

Bản sao số

Bên cạnh môi trường nhập vai, các startup metaverse y tế số cũng đang khai thác công nghệ bản sao số. Bản sao số là một dạng dữ liệu tổng hợp, một loại thông tin tổng hợp nhân tạo và được sử dụng thay cho dữ liệu trong thế giới thực. Tuy nhiên, không giống như các dạng dữ liệu tổng hợp khác, các bản sao số được mô phỏng theo các thực thể thực và thường được kết nối liên tục với các "cơ thể chủ" trong thế giới thực của chúng. Kết nối hỗn hợp này đặt các bản sao số trực tiếp vào metaverse.

Một dạng bản sao số trong lĩnh vực CSSK là các bản sao cơ quan và các nhóm cơ. Siemens Healthineers là công ty tiên phong trong bản sao số về tim, cung cấp những mô phỏng dưới dạng số phức tạp giúp phản ánh cấu trúc phân tử và chức năng sinh học tim của từng bệnh nhân. Sử dụng công nghệ bản sao số về tim, các bác sĩ có thể mô phỏng cách trái tim của bệnh nhân phản ứng với thuốc, phẫu thuật hoặc can thiệp bằng ống thông trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào trong thế giới thực.

Tương tự, Virtonomy xây dựng bản sao số của các nhóm xương và cơ để mô phỏng tình trạng các thiết bị y tế hoặc thiết bị cấy ghép có thể xuống cấp trong cơ thể bệnh nhân theo thời gian.

Không chỉ các cơ quan trong cơ thể con người, các startup cũng đang tạo ra bản sao số về toàn bộ cơ thể bệnh nhân. Nền tảng Gemini của Q Bio kết hợp các thông tin quan trọng của bệnh nhân, quét lịch sử y tế và kết quả xét nghiệm di truyền để tạo ra các mô phỏng phức tạp về giải phẫu và sinh lý của toàn bộ bệnh nhân, và người dùng có thể truy cập trên trang tổng quan ảo và chia sẻ với các chuyên gia, huấn luyện viên, chuyên gia dinh dưỡng và nhà nghiên cứu. Các bản sao số này sẽ được cập nhật bất cứ khi nào các phòng thí nghiệm hoặc bản quét mới được chia sẻ.

Babylon Health cung cấp một bảng điều khiển bản sao số tương tự cho bệnh nhân, trong khi Twin Health phát triển hệ thống bản sao số tập trung vào sự trao đổi chất. Ở đó, các cá nhân và nhà cung cấp sẽ sử dụng để lập kế hoạch thay đổi lối sống có thể giúp ngăn ngừa hoặc đảo ngược bệnh chuyển hóa.

Ở quy mô lớn hơn, các bản sao số cũng có thể mô phỏng cách cả một cộng đồng có thể phản ứng với sự bùng phát dịch bệnh hoặc các loại thuốc mới, mở đường cho các thử nghiệm lâm sàng trong metaverse. Ví dụ, Unlearn kết hợp thông tin tiên lượng từ các bản sao số của nhiều bệnh nhân vào các nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên. Ứng dụng này mang lại những hy vọng, hứa hẹn công nghệ bản sao số sẽ được đưa vào các nghiên cứu về các dịch bệnh kéo dài như COVID-19.

Điều gì sẽ xảy ra khi ứng dụng metaverse vào y tế số?

Mặc dù các dự án y tế số trong metaverse vẫn chưa được đề cập hết, nhưng hy vọng rằng những ứng dụng của metaverse trong y tế số sẽ tiếp tục được cải thiện. Metaverse mang đến hy vọng giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận với môi trường trị liệu hay mô phỏng các khả năng trước khi đưa ra quyết định chăm sóc. Metaverse cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường kết nối trong cộng đồng ảo, phá bỏ rào cản đối với người cao tuổi và người khuyết tật, đồng thời giúp các cá nhân, bác sỹ nghiên cứu dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, giống như tất cả các công nghệ mới, metaverse có những trở ngại riêng. Các ứng dụng metaverse đôi khi cũng tạo ra sự bất bình đẳng về sức khỏe, liên quan đến quyền sở hữu thiết bị, trình độ kỹ thuật số và khả năng truy cập Internet. Các ứng dụng này cũng đặt ra câu hỏi mới về dữ liệu bệnh nhân và quyền riêng tư. Thêm vào đó, các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ y tế cần được thuyết phục để đón nhận metaverse, đặc biệt là khi có các công cụ phần cứng và phần mềm rẻ hơn trên thị trường.

Hiện tại, metaverse vẫn là một thế giới mới. Giống như bất kỳ công nghệ phát triển nào ảnh hưởng đến bệnh nhân, đến con người, metaverse được nhận định có những khả năng gần như vô tận trong ngành y tế./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Y tế số đang từng bước gia nhập vũ trụ ảo metaverse như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO