Zalo đã có hơn 17.000 tài khoản chính thức của cơ quan nhà nước, đơn vị tiện ích
Tính đến hết năm 2024, có tổng cộng 17.273 tài khoản chính thức của các cơ quan nhà nước và đơn vị tiện ích (trường học, y tế…) đã được thiết lập và định danh trên nền tảng Zalo, phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam trên hành trình vươn tầm toàn cầu.
Nhìn vào những mục tiêu cụ thể đề ra, có thể thấy không ít địa phương đang trên hành trình “bứt tốc" trước thời điểm năm 2025 cận kề. Trong những năm vừa qua, nhằm nâng cao dịch vụ công trực tuyến trên nhiều thiết bị, bao gồm cả thiết bị di động, nhiều địa phương đã tiến hành triển khai các tài khoản Zalo chính thức (Zalo official account - Zalo OA).
Là giải pháp tương tác hai chiều hiệu quả, Zalo OA giúp người dân có thể tiếp nhận những thông tin chính thống từ các cơ quan nhà nước (CQNN) và đơn vị tiện ích, đồng thời phản ánh những vấn đề đang diễn ra một cách nhanh chóng và kịp thời.
Thời điểm năm 2018, số lượng kênh Zalo OA của các đơn vị nhà nước và khối tiện ích chỉ dừng lại ở con số 74. Sau 6 năm, tổng số Zalo OA đã đạt 17.273, tăng trưởng vượt bậc sau từng năm. Nhiều Zalo OA đạt số lượng người theo dõi lớn như Zalo OA “Bộ Y tế” hay Zalo OA “Thông tin Chính phủ”.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sử dụng Zalo OA, Bộ Y tế đã sử dụng công nghệ mới trong thời điểm dịch COVID-19 diễn ra để gửi đi những thông tin chính thống đầu tiên về dịch bệnh đã được gửi đến người dân thông qua Zalo. Hiện tại, OA của Bộ Y tế có lượng người theo dõi lớn nhất trên nền tảng Zalo với gần 10 triệu lượt theo dõi.
Zalo OA phát huy sức mạnh trong mục tiêu CĐS, từ các cấp cơ sở địa phương tới bộ ban ngành trung ương. Nhận thấy tiềm năng của Zalo OA trong việc xây dựng hình ảnh “Người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số”, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Nghệ An đã triển khai gần 500 OA cho toàn đơn vị.
Bà Võ Thị Minh Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy Zalo OA là kênh có nhiều tính năng phù hợp với mục đích tuyên truyền, vận động tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”
Sức mạnh của kênh Zalo OA nói riêng và nền tảng nhắn tin Zalo nói chung nằm ở tính phổ cập rộng rãi. Trong năm 2024, 17.273 Zalo OA của khối CQNN và đơn vị tiện ích đã phục vụ người dân trên cả nước với hơn 40.792.492 lượt theo dõi. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 10.598 đơn vị xã phường trên cả nước. Nhìn vào số lượng Zalo OA của khối CQNN và đơn vị tiện ích hiện tại, có thể thấy công nghệ đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong đời sống người dân.
Điển hình trong việc sử dụng kênh Zalo OA hiệu quả có thể kể đến Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Hà Nội với hơn 33.000 lượt theo dõi. Trong năm 2024, Zalo OA của CSGT Hà Nội đã nhận được hơn 7.000 lượt tin nhắn tương tác từ người dân. Đây là nơi để người dân có thể phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, từ đó giúp phòng CSGT Hà Nội xử lý các vấn đề kịp thời.
Những con số trên cho thấy sự quyết tâm của các đơn vị nhà nước và khối tiện ích trên hành trình CĐS, nỗ lực đạt mục tiêu CĐS quốc gia được Chính phủ đề ra. Việc ứng dụng nền tảng “quốc dân” Zalo với 77.6 triệu người dùng thường xuyên trong quá trình CĐS giúp chính quyền có thể lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như đưa ra được những giải pháp phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương.
Nhìn vào quá trình CĐS diễn ra sâu rộng trên cả nước ở hiện tại và tương lai, Zalo OA sẽ tiếp tục là một mảnh ghép quan trọng trên hành trình đưa công nghệ tới gần hơn với người dân một cách hiệu quả, thiết thực. /.