1 tỷ USD doanh thu nước ngoài giúp FPT dễ dàng thu hút nhân tài hơn
Khi ở vị trí công ty tỷ USD, FPT dễ dàng thu hút nhân tài hơn trước đây, nhất là những người giỏi hay người đứng đầu các công ty lớn vì nhìn thấy dư địa ở FPT.
Ngày 10/04/2023, FPT đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. ĐHĐCĐ FPT 2024 đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như chiến lược giai đoạn 2024 - 2026, kế hoạch 2024; phương án sử dụng lợi nhuận 2023 và chính sách chi trả cổ tức năm 2024….
Theo đó, năm 2024, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 17,5% về doanh thu và 18,2% về lợi nhuận trước thuế. Về chính sách chi trả cổ tức, năm 2024, FPT sẽ chia cổ tức 20% bằng tiền mặt, trong đó 10% đã trả trong năm 2023 và dự kiến trả 10% còn lại vào quý 2/2024; chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được thêm 3 cổ phiếu mới (tỷ lệ 20:3).
FPT tiếp tục kiên định triển khai Chiến lược DC5
Với sứ mệnh kiến tạo hạnh phúc cho mỗi con người, thành công cho mỗi tổ chức và cao hơn nữa là hưng thịnh cho quốc gia, trong giai đoạn 2024 - 2026, DC5 (Digital Conglomerate 5.0) - Tổ hợp số 5.0 sẽ tập trung phát triển đồng thời các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp theo hai hướng đi trọng yếu. Đầu tiên là phát triển dịch vụ thông minh cho tổ chức, doanh nghiệp (DN) và dịch vụ tiện ích cho cá nhân dựa trên nền tảng AI và Dữ liệu.
Tiếp theo, FPT sẽ mở rộng và kết nối các hệ sinh thái, đối tác trong và ngoài Tập đoàn mang đến trải nghiệm trực tuyến trọn vẹn và tốt nhất cho cá nhân, tổ chức, DN, mở rộng tập khách hàng và cơ hội kinh doanh mới.
Ngoài ra, với tiềm năng trên của thị trường, trong giai đoạn 2024 - 2026, FPT sẽ tập trung vào các chương trình trọng điểm. Đầu tiên là trí tuệ nhân tạo (AI), hướng đến phục vụ ít nhất 50% công dân Việt Nam và 300 triệu công dân toàn cầu.
FPT cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu các giải pháp thông minh, cung cấp dịch vụ tích hợp trên ô tô với mục tiêu tăng trưởng 50%/năm và đạt doanh thu 01 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, FPT sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác, cung ứng chip cho khách hàng trên toàn cầu và đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Công ty hiện đã ký hợp đồng 70 triệu chip cung cấp đến 2025 cho Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong mảng công nghệ đám mây, đơn vị này tập trung phát triển nền tảng đám mây siêu hội tụ, mở rộng phát triển hệ sinh thái sản phẩm, nâng số lượng dịch vụ lên trên 100 dịch vụ và kỳ vọng mở rộng sản phẩm dịch vụ đám mây sang các thị trường trọng điểm khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ, 25 năm trước FPT có giấc mơ lớn và dường như bất khả thi - xuất khẩu phần mềm.
"Sau 25 năm, lịch sử một lần nữa nghiêng về Việt Nam. Thế giới chọn chúng ta làm chip vì chính trị, kinh tế ổn định và vị trí chiến lược trong chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu, cùng với lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Chúng ta không thể bỏ lỡ thời cơ này để vươn lên trở thành quốc gia tiên tiến. FPT sẽ tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu ở cả khâu thiết kế và đào tạo nhân lực”, ông Bình khẳng định.
Tiếp tục tăng trưởng bền vững trong năm 2024
Năm 2024, FPT đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng lần lượt 17,5% và 18,2%. Trong đó, khối Công nghệ đặt mục tiêu tăng trưởng trên 20% cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế.
Khối Viễn thông, với xu hướng tiêu thụ ngày càng nhiều băng thông của hộ gia đình, FPT đang tiến hành thử nghiệm những công nghệ mới nhất để cung cấp dịch vụ internet và truyền hình thế hệ mới cho khách hàng; tiếp tục đầu tư mở rộng các trung tâm dữ liệu trên toàn quốc.
Trong lĩnh vực Giáo dục, Tập đoàn tiếp tục mở rộng vùng phủ của hệ thống trường phổ thông liên cấp mang đến trải nghiệm “trường học hạnh phúc”.
Tổng giám đốc FPT, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết: “FPT tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hai chữ số. Đồng thời, Tập đoàn sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ cốt lõi như AI, Automotive, đám mây, dữ liệu lớn tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn”.
Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra tại ĐHĐCĐ.
Cũng trong năm này, FPT đánh dấu cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên doanh thu từ Dịch vụ CNTT tại nước ngoài vượt 1 tỷ USD, đạt 24.288 tỷ đồng, tăng 28,4%. Nhờ đó, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu phần mềm chỉ sau Ấn Độ, nên dư địa còn nhiều và mở ra cho FPT cơ hội lớn. Thế giới đang thiếu đâu đó 1 triệu kỹ sư chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực chip và bán dẫn.
"Một điều đặc biệt, khi ở vị trí công ty tỷ USD, chúng tôi dễ dàng thu hút nhân tài hơn trước đây và hình ảnh CNTT của Việt Nam đã khác. Nhờ đó, chúng tôi có thể tuyển dụng được những người giỏi hay người đứng đầu các công ty lớn vì họ nhìn thấy dư địa ở FPT", ông Khoa khẳng định./.