10 điều cha mẹ có thể làm để giữ an toàn cho con trẻ trên môi trường số

Hạnh Tâm| 23/11/2022 13:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Bạn đang làm gì để bảo vệ con mình khỏi những kẻ bắt nạt, những kẻ săn mồi và nội dung không phù hợp trên môi trường trực tuyến?

Là cha mẹ, chúng ta thường làm mọi thứ có thể để giữ cho con mình được an toàn và khỏe mạnh, từ việc dạy trẻ cách đội mũ khi đi nắng đến việc cẩn thận quan sát khi băng qua đường và luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp… Nhưng bạn đang làm gì để bảo vệ con mình khỏi những kẻ bắt nạt, những kẻ săn mồi và nội dung không phù hợp trên môi trường trực tuyến?

Chúng ta phải đối mặt với điều đó, Internet vẫn tồn tại và với 83% thanh thiếu niên Úc truy cập trực tuyến ba lần trở lên mỗi ngày. Điều này đang gia tăng với ngày càng nhiều thanh thiếu niên có điện thoại thông minh. Theo đó, đã đến lúc chúng ta cần phải trang bị những kiến thức về an toàn mạng trong cho con trẻ. Dưới đây là một số lời khuyến nghị để giúp bạn bắt đầu.

10 điều cha mẹ có thể làm để giữ an toàn cho con mình trên môi trường online - Ảnh 1.

1. Nói chuyện cởi mở với con về hoạt động trực tuyến của chúng

Ngay khi con bạn bắt đầu truy cập Internet, hãy nói chuyện với chúng về những gì chúng đang đọc, đang xem và người mà chúng đang giao tiếp trên mạng. Ngay cả khi con bạn lớn hơn một chút, bạn vẫn cần duy trì việc trò chuyện như vậy. Hãy hỏi con bạn những trang web chúng truy cập hoặc ứng dụng chúng sử dụng, viết ra một danh sách và cùng nhau xem xét chúng. Nói chuyện với con bạn về những gì bạn nghĩ là phù hợp và nhắc nhở chúng rằng điều này có thể khác đối với các bậc cha mẹ khác và con cái của họ.

Lắng nghe con bạn và hãy cùng nhau thỏa thuận về những gì phù hợp với gia đình mình. Hãy nhớ rằng sẽ đến lúc chúng truy cập Internet bên ngoài sự an toàn của ngôi nhà và bạn muốn chúng có sự chuẩn bị cho điều đó.

Điều quan trọng nữa là hãy dạy con trẻ về danh tiếng trên môi trường trực tuyến và cách chúng phải cẩn thận trong ứng xử, tương tác với mọi người, đặc biệt là những thứ đại diện cho chúng trên một diễn đàn công cộng. Phải giúp con mình luôn nhớ rằng Internet không phải là riêng tư.

2. Giữ màn hình và thiết bị ở nơi bạn có thể nhìn thấy chúng

Luôn theo dõi thời gian trực tuyến của con bạn, đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi. Đặt máy tính ở vị trí trung tâm trong nhà để dễ dàng theo dõi những gì con bạn đang làm và xem trực tuyến. Đối với thiết bị di động, bạn có thể thiết lập chế độ quên mật khẩu Wi-Fi để con bạn không thể truy cập mạng mà bạn không biết. Bạn cũng có thể cố gắng thỏa thuận rằng không có máy tính bảng, máy tính xách tay hoặc chơi game trong phòng ngủ.

Đối với trẻ nhỏ tuổi hơn, bạn cũng có thể cân nhắc kiểm tra lịch sử trình duyệt sau khi con bạn đăng nhập trực tuyến để xem chúng đang truy cập những trang web nào. Cách tiếp cận này có thể khó khăn đối với trẻ lớn hơn, do vậy cần phải mở ra các kênh giao tiếp ngay khi trẻ còn nhỏ tuổi.

3. Những kiểm soát của phụ huynh

Có những trường hợp tìm kiếm trực tuyến tưởng chừng như vô hại lại có thể dẫn đến kết quả không vô hại như bạn nghĩ. Vì vậy, phụ hunh cần biết cách sử dụng những tính năng hạn chế tìm kiếm/kiểm soát do trình duyệt web hay nhà cung cấp dịch vụ Internet và thiết bị cung cấp. Ví dụ, tính năng bộ lọc tìm kiếm an toàn trên Google sẽ chặn các trang web có tài liệu khiêu dâm. Để bật tính năng này, mặc dù có thể không chính xác 100%, nhưng phần nào đó có thể giúp ngăn ngừa và tiếp cận hầu hết các tài liệu bạo lực hoặc tình dục…

4. Nắm được bạn bè trực tuyến của con bạn là ai

Là người lớn, chúng ta biết rằng một số người trên online không giống như những gì mà họ nói, nhưng trẻ em và thanh niên có thể dễ dàng tin tưởng đến mức đáng báo động về người mà họ đang trò chuyện nếu họ không được dạy cách sử dụng internet ngày từ khi còn nhỏ.

Hãy trở thành bạn bè và có sự liên hệ trong vòng kết nối mạng xã hội của con bạn để đảm bảo bạn theo dõi được các bài đăng của con. Con bạn có thể phản đối điều này, nhưng hãy nói với chúng rằng đó là một trong những điều kiện để bạn cho phép chúng tiếp cận Internet.

5. Hãy cẩn thận khi chia sẻ để bảo vệ quyền riêng tư

Nếu con bạn là người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chúng phải nhận thức được nguy cơ thông tin hoặc hình ảnh cá nhân bị công khai sau khi đăng. Mặc dù chúng không hiểu hết hậu quả của việc tiết lộ thông tin cá nhân trực tuyến, nhưng bạn nên dạy chúng biết thận trọng và suy nghĩ kỹ về những gì chúng đăng và chia sẻ. Khuyến khích con bạn tự hỏi bản thân trước khi đăng bất cứ điều gì khi chúng đưa thông tin như tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, email, tên trường hoặc ảnh… cho người lạ. Nếu câu trả lời là không, đừng đăng nó.

Nếu con bạn đang chia sẻ ảnh hoặc bài đăng trực tuyến, hãy yêu cầu con bạn cho bạn xem những gì chúng đang chia sẻ hoặc nhờ anh chị kiểm tra bất kỳ ảnh nào trước khi chúng được chia sẻ.

6. Kiểm soát "dấu vết" số của gia đình bạn

Mọi hình ảnh và thông tin cá nhân được đăng và chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội và Internet đều góp phần tạo nên dấu vết số của ai đó. Rủi ro lớn với điều này là một khi thông tin được chia sẻ công khai, nó có thể được sử dụng theo những cách mà bạn có thể không mong đợi và không thể kiểm soát. Bạn cũng nên cho rằng bất kỳ thứ gì được đưa lên mạng là vĩnh viễn (đôi khi nó có thể bị xóa trước khi người khác nhìn thấy và lưu nó, nhưng không phải lúc nào cũng vậy). Vì lý do này, trẻ em và thanh thiếu niên cần phải thông minh trong việc bảo vệ hình ảnh và thông tin của mình. Cũng tương tự như vậy với các bậc cha mẹ có thói quen đăng ảnh của con cái mình lên mạng.

Dạy con bạn kiểm soát dấu vết số của chúng bằng cách chỉ chia sẻ với những người mà chúng biết và tin tưởng. Thay vì đăng cho tất cả bạn bè trên mạng xã hội, hãy khuyến khích chúng chọn lọc và sử dụng cài đặt quyền riêng tư trên nền tảng mạng xã hội mà chúng sử dụng.

7. Dạy con bạn giữ kín vị trí của chúng

Hầu hết các ứng dụng, mạng và thiết bị đều có tính năng gắn thẻ địa lý giúp công khai vị trí của bạn và có thể dẫn ai đó trực tiếp đến với bạn. Các tính năng này nên được tắt vì lý do an toàn và quyền riêng tư rõ ràng. Ảnh kỹ thuật số cũng chứa siêu dữ liệu (thông tin về thời gian, ngày tháng và tọa độ GPS) có thể tiết lộ nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Một số nền tảng truyền thông xã hội tự động ẩn hoặc xóa dữ liệu này, nhưng không phải tất cả, vì vậy cần phải biết bạn đang chia sẻ bao nhiêu thông tin.

8. Theo dõi thời gian online

Hãy khuyến khích trẻ em từ 5 - 17 tuổi không nên xem màn hình quá 2 giờ/ngày. Vì vậy, điều quan trọng là phải theo dõi thời gian trực tuyến của con bạn, đặc biệt là trẻ nhỏ, để đảm bảo chúng không phát triển những thói quen xấu. Yêu cầu con bạn đồng ý về một khoảng thời gian, chẳng hạn 30 phút/lần sử dụng và đặt đồng hồ hẹn giờ. 

Bạn cũng nên tắt Wi-Fi tại nhà vào một thời điểm nhất định mỗi đêm (lý tưởng nhất là trước khi đi ngủ) để mọi người có một khoảng thời gian "hết giờ" truy cập Internet. Bạn cũng có thể thực hiện một số ngày "không sử dụng màn hình" trong nhà của mình để khuyến khích mọi người theo đuổi những cách giải trí tích cực hơn và/hoặc ít sử dụng công nghệ hơn.

9. Cần có những hiểu biết về MXH

Phụ huynh hãy tự học cách đảm bảo an toàn trên mạng xã hội để có thể đưa ra lời khuyên tốt nhất cho con mình. Đăng ký các MXH và ứng dụng mà con bạn đang sử dụng và tìm hiểu cách sử dụng cài đặt quyền riêng tư và cơ chế báo cáo. Nói về cách chúng có thể giữ an toàn trên MXH, bao gồm cả việc nói chuyện với một người đáng tin cậy khi con thấy lo lắng và nhận thức được điều gì có biểu hiện bị bắt nạt trên môi trường trực tuyến với cả với tư cách là thủ phạm và nạn nhân.

Nếu con bạn sử dụng MXH, hãy chắc chắn rằng chúng biết một số kỹ năng như: Báo cáo các bài đăng không phù hợp và/hoặc xúc phạm; Chặn ai đó; Bảo mật thông tin.

10. Làm gương

Làm gương và luôn làm gương cho hành vi trực tuyến tích cực mà bạn muốn con mình áp dụng. Nếu con thấy bạn thận trọng và tôn trọng trên môi trường trực tuyến thì chúng học theo bạn. Điều này bao gồm cả việc giới hạn thời gian sử dụng thiết bị của chính bạn. 

 Cuối cùng, bạn không muốn gieo rắc nỗi sợ hãi cho con mình hoặc ngăn cản chúng trải nghiệm nhiều lợi ích về giáo dục, giải trí, xã hội và các lợi ích khác của Internet, mà nên cung cấp cho chúng những kỹ năng và kiến thức cần thiết để biết cách tận dụng tối đa nó và tránh những nguy hiểm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
10 điều cha mẹ có thể làm để giữ an toàn cho con trẻ trên môi trường số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO