Ban Tổ chức cuộc thi đã công bố 10 đội lọt vào vòng Chung khảo Cuộc thi ngày 28/11, gồm: (1) HMCUS.Twice - ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh; (2). NotEfiens - ĐH Bách Khoa, ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh; (3). Pawsitive - ĐH Công nghệ, ĐH quốc gia Hà Nội; (4). PTIT.AmongUs - Học viện công nghệ BCVT cơ sở TP. Hồ Chí Minh; (5). PTIT.1nfern0 - Học viện công nghệ BCVT cơ sở Hà Nội; (6). ISIT-DTU1 - ĐH Duy Tân; (7). MSEC_ADC - Học viện kỹ thuật quân sự; (8). AmongUs - ĐH FPT Hà Nội; (9). Nupakachi - ĐH Bách Khoa Hà Nội; (10). MSEC_SUPPORT - Học viện kỹ thuật quân sự.
Theo Ban Tổ chức cuộc thi, đề thi năm nay gồm 14 bài, 4 bài về tấn công web, 3 bài về kỹ năng dịch ngược, 3 bài về tấn công thuật toán mật mã, 3 bài khai thác lỗi phần mềm (pwnable) và 1 bài tổng hợp MISC.
Theo đó, số bài dự thi tăng so với 2019 là 11 bài. Mảng bài về khai thác lỗi phần mềm có độ khó khá cao. Trước khi kết thúc giờ thi, ban làm đề đã đưa ra nhiều gợi ý nhưng vẫn chưa có đội nào ghi điểm được. Phần bài về mật mã có khoảng 1/3 số đội giải được 1/3 bài.
Về đội thi, với tổng số 92 đội, với 19 đội quốc tế. Đặc biệt, năm nay số nữ sinh viên tham gia nhiều hơn hẳn so với năm trước, với 15 sinh viên nữ Việt Nam và 08 sinh viên nữ ASEAN. Trường lần đầu tiên tham gia là Đại học Kinh Bắc với 01 đội thi.
Về điểm thi, sau thời gian thi đấu, sự khác biệt về số điểm các đội là không lớn. Đội nào cũng ghi được điểm. Trong tốp đầu khác biệt đội dẫn đầu và các đội còn lại không nhiều, khoảng 1000 điểm. Trong khi đó ở nhóm sau, nhiều đội (khoảng 45 đội) mới đạt 100 điểm, tức là mới giải được bài đầu tiên và khoảng 15 đội chỉ giải được 02 bài, đạt 634 điểm. Đội giành được điểm sớm nhất trong vòng thi là đội HCMUS Twice – ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP. HCM.
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội ATTT (VNISA), Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đã đánh giá cao các đội thi đã thi đấu tích cực và hoan nghênh các cuộc thi quốc tế đã tham gia thi trực tuyến hết sức tập trung. Đề thi năm nay thú vị và khó hơn.
Cuộc thi sinh viên với ATTT ASEAN do VNISA chủ trì, phối hợp với Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) và Cục ATTT (Bộ TT&TT) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ GDĐT, Bộ TT&TT.
Cuộc thi nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT)ở các cơ sở giáo dục và đào tạo bậc đại học; đồng thời đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ATTT, góp phần thực hiện đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực về an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020" (Đề án 99) và đề án "Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ATTT đến năm 2020" (Đề án 893, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/6/2015).
Bên cạnh đó, cuộc thi hàng nămnày cũng hướng tới phát hiện những tài năng trong lĩnh vực ATTT, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về ATTT và tạo sân chơi để tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi kiến thức của sinh viên các trường ĐH, học viện kỹ thuật trong các nước ASEAN.