Ví MoMo: Hơn 100 triệu USD
Đầu năm 2021, Ví MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D), với sự tham gia của các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu bao gồm Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này cũng xuất hiện các quỹ đầu tư mới như Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital. Số tiền cụ thể không được MoMo tiết lộ tuy nhiên theo thông tin của Bloomberg, con số này lên đến hơn 100 triệu USD.
Theo đại diện MoMo, nguồn vốn mới sẽ được công ty sử dụng để xây dựng nền tảng Siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty cũng ra mắt "Quỹ Đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo" (MoMo Innovation Ventures) nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển và tìm được thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng lớn của MoMo.
EQuest: 100 triệu USD
Hồi đầu tháng 6, KKR, một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới, công bố đầu tư vào Tập đoàn Giáo dục Việt Nam EQuest. Con số cụ thể không được tiết lộ nhưng theo một số nguồn tin, giá trị thương vụ này lên đến 100 triệu USD. Sau Vinhomes và Masan MEATLife, EQuest là doanh nghiệp Việt Nam thứ 3 mà KKR đầu tư.
EQuest hình thành qua chuỗi sáp nhập giữa EQuest Academy (thành lập năm 2003) và các công ty giáo dục khác trong nước từ năm 2013 đến nay. Hiện có hơn 110.000 học sinh, sinh viên theo học mỗi năm tại 18 đơn vị thành viên của EQuest, bao gồm hệ thống trường phổ thông song ngữ từ lớp 1 tới lớp 12, hệ thống trường đại học và cao đẳng dạy nghề, trung tâm đào tạo tiếng Anh và các giải pháp công nghệ giáo dục. (Ảnh:Equest)
ELSA: 15 triệu USD
Ứng dụng học tiếng Anh ELSA đã huy động thành công 15 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu. Các nhà đầu tư trước đó bao gồm Gradient Ventures (quỹ chuyên dành cho AI của Google), SOSV và Monk's Hill Ventures cũng tham gia vào vòng này.
ELSA - viết tắt của English Language Speech Assistant - thành lập năm 2015 bởi cô gái Việt Văn Đinh Hồng Vũ (Văn Vũ) và Tiến sĩ người Bồ Đào Nha Xavier Anguera, chuyên gia trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói. Cùng với Anguera, Văn Vũ đã triển khai dịch vụ tại Việt Nam trước khi mở rộng sang Ấn Độ và Nhật Bản. Ứng dụng ELSA có 13 triệu người dùng và doanh thu của công ty tăng gần 300% vào năm 2020. Với nguồn vốn mới, ELSA có kế hoạch thâm nhập các nước Mỹ Latin và tăng tốc mở rộng khắp châu Á trong năm nay.
Sky Mavis: 7,5 triệu USD
Startup game blockchain Sky Mavis vừa huy động được 7,5 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A, được dẫn dắt bởi Libertus Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm Anh. Bên cạnh tỷ phú Mark Cuban, "cá mập" trong gameshow Shark Tank của Mỹ, còn có Alexis Ohanian - đồng sáng lập Reddit, John Robinson - CEO 100 Thieves và nhiều tổ chức, cá nhân khác tham gia vào vòng đầu tư này.
Được thành lập vào năm 2018 bởi 3 người Việt và 2 người nước ngoài, Sky Mavis là startup ứng dụng công nghệ blockchain vào game trong đó nổi bật nhất là Axie Infinity. Startup game này từng nhận được 1,5 triệu USD vào năm 2019 ở vòng gọi vốn đầu tiên cho tựa game blockchain mang tên Axie Infinity từ quỹ tiền điện tử Hashed (Hàn Quốc), quỹ blockchain Pangea (Thụy Sĩ), ConsenSys (Mỹ) và 500 Startups.
Got It: 6 triệu USD
Tháng 3 năm nay, VNG - công ty game lớn nhất của Việt Nam công bố thương vụ đầu tư vào Got It - doanh nghiệp cung cấp nền tảng quà tặng điện tử cao cấp, với giá trị đầu tư là 6 triệu USD. Đây cũng là khoản đầu tư triệu USD đầu tiên của VNG vào startup trong năm 2021. Trước đó, cuối năm 2020, "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam đã đầu tư 20% cổ phần vào Công ty CP Công nghệ Ecotruck.
Got It thành lập năm 2015, hiện đã phát hành hơn 20 triệu thẻ quà tặng, được sử dụng tại hơn 160 thương hiệu với 12.000 địa điểm tại Việt Nam. Startup này vừa trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc thi khởi nghiệp Startup-O's Asia All Stars dành cho các công ty khởi nghiệp châu Á. (Ảnh:Got It)
POC Pharma: 4,5 triệu USD
Pharmacy Online Concierge (POC Pharma), một nền tảng kết nối trong lĩnh vực dược phẩm có trụ sở tại Việt Nam và Hong Kong, đã gọi thành công 4,5 triệu USD trong vòng hạt giống. Picus Capital (Đức), Goat Capital, FJ Labs (Mỹ), FEBE Ventures (Singapore), 500 Startups cùng một số nhà đầu tư thiên thần khác tham gia vòng rót vốn này.
POC Pharma cho biết sẽ sử dụng số vốn để cải tiến các sản phẩm tại Việt Nam, tập trung mảng bán thuốc trực tuyến. Sau đó công ty nhắm đến mục tiêu ra mắt ở những thị trường lớn hơn. POC Pharma được thành lập bởi Thomas Miklavec, một doanh nhân chuyên sáng lập các startup trong lĩnh vực dược. (Ảnh: POC Pharma)
Nano Technologies: 3 triệu USD
Nano Technologies, công ty phát triển ứng dụng cho phép người lao động Việt Nam được trả lương hàng ngày, đã huy động được 3 triệu USD trong các vòng tiền hạt giống và hạt giống, theo nhà đồng sáng lập Đặng Việt Dũng – cựu CEO Uber Việt Nam. Dẫn đầu vòng tiền hạt giống của Nano vào năm ngoái là Golden Gate Ventures và Venturra Discovery. Vòng này cũng có sự tham gia của FEBE Ventures Pte. Vòng hạt giống có sự tham gia của những nhà đầu tư cũ, Goodwater Capital và Openspace Ventures.
Ứng dụng của Nano được đặt tên là VUI app, nhằm mục đích giúp những người lao động cần tiền không phải vay nợ lãi suất cao 300%-500% đồng thời giúp các công ty giữ chân nhân viên. VUI app ra đời năm 2020, cho phép người lao động nhận lương dựa trên số giờ làm việc đã tích lũy thay vì đợi đến cuối tháng.
Dat Bike: 2,6 triệu USD
Dat Bike - một startup Việt với tham vọng trở thành hãng xe máy điện hàng đầu Đông Nam Á – vừa huy động được 2,6 triệu USD trong vòng pre-Series A do Jungle Ventures đứng đầu. Vòng gọi vốn này còn có sự tham gia của Wavemaker Partners, Hustle Fund và iSeed Ventures.
Được sản xuất tại Việt Nam với hầu hết phụ tùng trong nước, điểm hấp dẫn của Dat Bike là khả năng cạnh tranh với xe máy xăng về giá cả và hiệu suất. Người sáng lập kiêm CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn học cách chế tạo xe đạp từ các bộ phận phế liệu khi đang làm kỹ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon. Năm 2018, Cảnh Sơn về Việt Nam và sáng lập Dat Bike. Theo Cảnh Sơn, Dat Bike cho hiệu suất cao gấp 3 lần (5 kW so với 1,5 kW) và phạm vi hoạt động gấp 2 lần (100 km so với 50 km) so với hầu hết các loại xe máy điện trên thị trường ở cùng mức giá.
Genetica: 2,5 triệu USD
Genetica là công ty công nghệ chuyên về giải mã gen, sáng lập và dẫn dắt bởi ông Cao Anh Tuấn. Startup này đã huy động được 2,5 triệu USD trong vòng pre-series A từ các nhà đầu tư tại Silicon Valley như: Dave Strohm, Craig Sherman, Guy Miasnik để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á.
Công ty đang triển khai dự án kết hợp với bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đánh giá nguy cơ nhiễm Covid-19 dựa trên các đặc điểm di truyền của người Việt Nam. Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt sẽ công bố rộng rãi góp phần vào ngân hàng dữ liệu gen lớn của thế giới.
Go2Joy: 2,3 triệu USD
Go2joy - ứng dụng đặt phòng theo giờ tiếp tục hoàn thành đợt gọi vốn mới với giá trị 2,3 triệu USD. HB Investment cùng với Platform Partners Asset Management đã trở thành những nhà đầu tư mới của startup này. Trước đó, Go2Joy cũng đã thuyết phục được STIC Ventures và nhiều nhà đầu tư khác, bao gồm KB Investment đầu tư, với giá trị lên đến 2,5 triệu USD tại vòng Series A.
Bên cạnh việc phát triển thị trường Việt Nam, Go2Joy đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội để mở rộng và thâm nhập vào các thị trường tiềm năng khác như Thái Lan và Philippines.