2021: Một năm đầy thành công với các startup công nghệ châu Phi

Ngọc Diệp| 01/01/2022 15:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch, hệ sinh thái công nghệ của châu Phi vẫn phát triển mạnh mẽ, với nhiều giao dịch đã hoàn thành và nhận được sự thúc đẩy từ quá trình số hóa của các lĩnh vực kinh tế nền tảng. Hơn 4 tỷ USD đã được các tập đoàn khổng lồ và những công ty đầu tư mạo hiểm rót (VC) vào lục địa này trong năm 2021.

Dòng tiền đầu tư toàn cầu đang đổ vào các startup châu Phi

Ricky Rapa Thomson từng làm bảo vệ và lái xe ôm trước khi trở thành một doanh nhân. Anh đã đồng sáng lập startup SafeBoda cam kết vận chuyển an toàn và đáng tin cậy tại Uganda. SafeBoda cũng đưa ra các giải pháp tài chính cho người lái xe và người sử dụng ứng dụng với hy vọng trở thành dịch vụ gọi xe lớn nhất châu Phi.

Kênh Al Jazeera đánh giá câu chuyện của SafeBoda là điều các nhà đầu tư công nghệ thường yêu thích. Thomson đã lo lắng khi SafeBoda huy động đầu tư trong năm 2019, tuy nhiên, ứng dụng này nhận được đầu tư từ ngân hàng Allianz (Đức) và "siêu ứng dụng" Gojek của Indonesia, cả hai đơn vị này trước đây chưa từng rót tiền vào công nghệ tại châu Phi.

Hai năm sau câu chuyện của Thomson, châu Phi nổi lên như vùng đất hứa cho đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Từ các tập đoàn khổng lồ đến những công ty đầu tư mạo hiểm đều không muốn trở thành kẻ chậm chân.

Hồi tháng 10/2020, startup Stripe có trụ sở tại Mỹ đã thông báo sẽ mua lại Paystack, một nền tảng thanh toán của Nigeria. Nhìn bên ngoài, đây chỉ là một trong vô số những giao dịch mua bán - sáp nhập khác trong thế giới công nghệ tài chính (fintech). Nhưng giới quan sát chỉ ra rằng thương vụ Stripe - Paystack cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của các thị trường mới nổi, đặc biệt là các thị trường ở châu Phi trong mảng fintech.

Châu Phi từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư chính phủ và tư nhân. Tuy nhiên, những biến động và bất ổn chính trị, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển che mờ sự hấp dẫn của khu vực này.

Các chuyên gia nhận định làn sóng đầu tư vào thị trường châu Phi mới chỉ bắt đầu. Paystack không phải là startup châu Phi duy nhất lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư nước ngoài. WorldRemit, một nền tảng thanh toán xuyên biên giới có trụ sở tại Vương quốc Anh, cũng công bố thương vụ mua lại Sendwave trị giá 500 triệu USD, một nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số tập trung ở Đông Phi vào tháng 8/2020.

Vào tháng 10/2021, Google thông báo quỹ 50 triệu USD để hỗ trợ các DN khởi nghiệp châu Phi. Cùng tháng, công ty trụ sở tại New York (Mỹ) Tiger Global đầu tư tới 15 triệu USD vào công ty khởi nghiệp fintech Mono của Nigeria và 3 triệu USD vào Union54 của Zambia.

Không chỉ có phương Tây để mắt đến các startup fintech châu Phi. Vào tháng 8/2021, tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) dẫn đầu vòng đầu tư 400 triệu USD vào dịch vụ thanh toán qua điện thoại OPay của Nigeria.

2021: Một năm đầy thành công với các startup công nghệ châu Phi - Ảnh 1.

Báo cáo hằng năm mới nhất của Quỹ đầu tư mạo hiểm Partech Africa thuộc Tập đoàn Partech (Mỹ) cho thấy bất chấp sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, số lượng nhà đầu tư khởi nghiệp quan tâm đến châu Phi tăng 24%, đồng thời các startup ở châu Phi đã thực hiện 359 giao dịch, nhiều hơn bất cứ năm nào trước đó. Đây là bằng chứng cho thấy sự quan tâm lâu dài của các nhà đầu tư tư nhân đối với các startup, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.

Theo Digest Africa, cách đây 3 năm, startup nhân duy nhất tại châu Phi đạt giá trị trên 1 tỷ USD là công ty thương mại điện tử Jumia của Nigeria. Tuy nhiên, hiện nay có đến 7 startup châu Phi gia nhập câu lạc bộ kỳ lân, trong số này có 5 công ty công nghệ tài chính.

Bước sang năm 2021, các hoạt động đầu tư lĩnh vực công nghệ ở châu Phi được dự báo khá lạc quan. Khi các doanh nghiệp (DN) mở cửa trở lại trên toàn cầu và đại dịch thúc đẩy sự thay đổi về hành vi của người dùng thương mại điện tử, làm việc, chi tiêu, giao hàng trực tuyến và học tập, vốn đầu tư mạo hiểm vào các lĩnh vực khác nhau dự kiến sẽ tăng lên đáng kể và châu Phi cũng là ngoại lệ.

Thêm 5 kỳ lân công nghệ mới tại châu Phi trong năm 2021

Đạt được vị thế kỳ lân - một DN tư nhân được định giá 1 tỷ USD - chắc chắn là một trong những thành tựu to lớn nhất đối với bất kỳ DN khởi nghiệp nào.

Tại châu Phi, hai kỳ lân đầu tiên là Jumia (vào năm 2016) và gã khổng lồ fintech Interswitch (vào năm 2019). Năm 2019, Jumia trở thành công ty công nghệ tài trợ đầu tiên của VC ở châu Phi niêm yết trên một sàn giao dịch lớn là sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Tuy nhiên, một năm sau đó, Jumia đã đóng cửa tại 3 nước châu Phi, vất vả kiếm lợi nhuận và bị các chủ sở hữu ban đầu bỏ rơi.

Interswitch là kỳ lân duy nhất của lục địa này duy trì được đà tăng trưởng cho đến khi có thêm 5 kỳ lân mới trong năm nay. Bốn trong số đó là các công ty fintech - Flutterwave, OPay, Wave và Chipper Cash và một là công ty công nghệ Andela.

Vào tháng 3/2021, Tiger Global đã dẫn đầu một vòng tài trợ trị giá 170 triệu USD cho Flutterwave của Nigeria, giúp công ty trở thành một kỳ lân.

OPay được thành lập cách đây 3 năm và từng là một ứng dụng gọi xe, hiện cung cấp tín dụng không lãi suất, dễ dàng hơn cho người lao động trong các công việc phi chính thức so với các khoản vay ngân hàng. OPay đã huy động được 400 triệu USD trong khoản tài trợ mới do SoftBank Imaginative và prescient Fund 2 dẫn đầu, đưa mức định giá của công ty lên mức 2 tỷ USD vào hồi tháng 8/2021.

Sau đó lần lượt tới Wave và Andela với mức định giá là 1,7 tỷ USD và 1,5 tỷ USD. Còn Chipper Cash, một công ty thanh toán xuyên biên giới châu Phi, đã huy động được 150 triệu USD trong vòng mở rộng Series C do nền tảng trao đổi tiền điện tử FTX của Sam Bankman-Fried dẫn đầu vào tháng 11/2021. Với khoản đầu tư này, Chipper Cash thực sự trở thành một kỳ lân với mức định giá lên tới hơn 2 tỷ USD.

Gia tăng các startup huy động được hơn 100 triệu USD trong năm nay

OPay chính là một trong những startup đầu tiên huy động được hơn 100 triệu USD khi đã huy động được 120 triệu USD vào năm 2019. Trong năm này còn có các giao dịch trị giá 100 triệu USD của Andela và 200 triệu USD của Interswitch.

Đến năm 2021, châu Phi không chỉ có thêm 5 kỳ lân mới mà còn ghi nhận nhiều thương vụ trị giá 9 con số, bao gồm vòng gọi vốn Series C trị giá 170 triệu USD của Flutterwave; OPay huy động được 400 triệu USD trong vòng Series C; Wave và Andela mỗi công ty huy động được 200 triệu USD. Trong khi đó, startup fintech Chipper Cash đã lập cú đúp: hoàn thành vòng Series C trị giá 100 triệu USD và 150 triệu USD trong vòng mở rộng Series C do nền tảng trao đổi tiền điện tử FTX của Sam Bankman-Fried dẫn đầu.

Ngoài ra còn có TymeBank gọi vốn thành công với 180 triệu USD cho Series B, Jumo huy động được 120 triệu USD trong vòng tài trợ do Fidelity dẫn đầu, TradeDepot là 110 triệu USD,... Trong đó, các giao dịch không thuộc lĩnh vực fintech chỉ có của Andela và TradeDepot..

Xuất hiện các thương vụ mua lại và sáp nhập nội địa

Cổng thanh toán số MFS của châu Phi là một trong số ít các nhà đầu tư và mua lại tại lục địa này. Trong 5 năm qua, công ty đã đặt cược chiến lược vào các lĩnh vực khởi nghiệp bị bỏ qua ở châu Phi, bao gồm việc đầu tư vào Julaya, Maviance và Numida. MFS cũng mua lại công ty tài chính số Beyonic và gần đây nhất là Baxi.

Năm ngoái, châu Phi đã chứng kiến một số thương vụ mua lại của các công ty địa phương và việc này tiếp tục kéo dài sang năm 2021. Một số thương vụ thú vị bao gồm nền tảng trải nghiệm người tiêu dùng Kenya do TLcom hậu thuẫn đã mua lại WayaWaya; Flutterwave thực hiện một bước đột phá vào không gian nền kinh tế sáng tạo với việc mua lại Disha.

Ngoài ra, còn có thương vụ Jiji mua lại Cars45, nền tảng thương mại điện tử B2B của Ai Cập MaxAB mua Waystocap và Cheki bán các cơ sở kinh doanh của mình ở Kenya và Uganda cho Autochek của Nigeria.

Thêm nhiều startup do nữ giới lãnh đạo huy động thành công các vòng gọi vốn triệu đô

Funke Opeke là một trong số rất ít người sáng lập nữ giới tại lục địa đen đã huy động được khoản vốn đầu tư lên tới 9 con số. Tại châu Phi nói riêng và trên thế giới nói chung, việc huy động vốn không hề dễ dàng đối với các công ty do nữ giới lãnh đạo.

Một báo cáo của Briter Bridges vào giữa năm 2021 cho thấy chỉ có hơn 1.100 công ty đã nhận tiền từ các quỹ đầu tư từ năm 2013 đến tháng 5/2021 với mức dưới 20 triệu USD. Chỉ 3% trong số 1,7 tỷ USD huy động được trong giai đoạn này thuộc về những nhà sáng lập là nữ giới so với con số 76% của nam giới.

Vì vậy, câu chuyện của Funke Opeke thật sự thú vị đối với các startup do nữ giới lãnh đạo. Bên cạnh đó, các startup do nữ giới lãnh đạo đã huy động được 1 triệu USD trở lên trong năm nay bao gồm Shuttlers, Bankly, Lami, Okra, Klasha, Akiba Digital, Ejara, Kwara, Edukoya, Reelfruit và Jetstream.

Có thể thấy, 2021 là một năm thành công đối với các startup châu Phi khi đã huy động được hơn 4 tỷ USD trong năm nay và tạo ra 5 kỳ lân mới. Đây được coi là một thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Có đến 40% người dân tại vùng Hạ Sahara dưới 15 tuổi và nhóm này là khách hàng tiềm năng trong tương lai bởi điện thoại thông minh đang tăng mạnh mẽ tại đây./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
2021: Một năm đầy thành công với các startup công nghệ châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO