Chuyển đổi số (CĐS) hoạt động nhân sự để nâng cao hiệu quả kinh doanh
Những gián đoạn toàn cầu trong vài năm trở lại đây đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta làm việc, nơi chúng ta làm việc và cách chúng ta tương tác trong công việc. Rất nhiều nhân viên đang có cùng chung một suy nghĩ: làm thế nào để công việc trở nên phù hợp với cuộc sống của họ, thay vì ngược lại. Ngoài ra, những thách thức kinh tế vĩ mô như lạm phát đình trệ (stagflation), suy thoái kinh tế toàn cầu và những rắc rối trong chuỗi cung ứng luôn tạo ra những thách thức mới cho công tác nhân sự trong mỗi doanh nghiệp.
Trong bối cánh các khái niệm công việc tiếp tục thay đổi, trải nghiệm nhân viên đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với các nhà tuyển dụng muốn xây dựng đội ngũ nhân sự gắn kết và tăng trưởng bền vững. Để làm được điều này, các doanh nghiệp (DN) cần tập trung vào trải nghiệm của nhân viên, mà không chỉ coi đây là một trào lưu sáng nở tối tàn và cho nó vào quên lãng.
Đây là những thông tin được các chuyên gia nhân sự chia sẻ tại chuỗi sự kiện về quản lý nhân sự vừa được SAP tổ chức với tiêu đề "Nguồn nhân lực bền vững - Những xu hướng ảnh hưởng đến yếu tố con người của DN". Sự kiện đã quy tụ các nhà lãnh đạo nhân sự trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng và tài chính, hàng tiêu dùng, bất động sản và xây dựng - bao gồm Vietcombank, Techcombank, Novaland, Coca-Cola và Daikin Vietnam.
Ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng giám đốc SAP Việt Nam, chia sẻ: "Môi trường và cách thức làm việc đang thay đổi ngay trước mắt chúng ta. Để trở thành một DN thông minh và phát triển bền vững, các DN cần đặt nhân viên vào trọng tâm của mọi hoạt động kinh doanh. Việc kết nối 3 trụ cột chính: dữ liệu, công nghệ và chiến lược kinh doanh sẽ cho phép các DN xây dựng đội ngũ nhân sự bền vững".
Theo ông Việt, chỉ khi nào nhân viên thấy rõ lộ trình phát triển sự nghiệp của chính họ và cảm nhận được những đóng góp của họ được trân trọng, khi đó doanh nghiệp mới có thể đạt được những mục tiêu kinh doanh của mình. Các công ty bắt tay vào chuyển đổi số công tác nhân sự sẽ đổi mới nhanh hơn, gia tăng thị phần và ghi nhận hiệu quả hoạt động cao hơn so với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Các chuyên gia nhân sự hàng đầu Việt Nam chia sẻ về trải nghiệm nhân viên tại sự kiện "Nguồn nhân lực bền vững - Những xu hướng ảnh hưởng đến yếu tố con người của DN"
Một nghiên cứu mới từ Forrester do SAP, Qualtrics và EY ủy quyền thực hiện, các DN đang tìm mọi cách để thích nghi và hỗ trợ các nhân viên làm việc từ xa trong khi vẫn đảm bảo năng suất, tính linh hoạt và văn hóa DN. Nghiên cứu cũng xác nhận rằng các sáng kiến về trải nghiệm nhân viên có thể mang lại lợi ích to lớn cho DN.
Kết quả khảo sát từ các nhà lãnh đạo DN cho thấy các sáng kiến về trải nghiệm nhân viên có tác động tích cực đến khả năng thích nghi của nhân viên (59%) và khả năng thích nghi của DN (67%). Ở chiều ngược lại, có tới gần 80% nhân viên cho rằng sáng kiến về trải nghiệm nhân viên giúp cải thiện năng suất và chất lượng công việc của họ. Điều này đồng nghĩa với việc tăng doanh thu - có tới 77% các lãnh đạo nhân sự cho rằng các sáng kiến về trải nghiệm nhân viên đã góp phần tăng doanh thu và 61% nhận thấy lợi nhuận được cải thiện.
Bộ máy tinh gọn với hiệu suất cao
Dù kinh doanh trong bất kỳ lĩnh vực nào thì quản lý nhân sự luôn quan trọng đối với sự phát triển của một DN. Quản lý tốt không chỉ thể hiện trong các khâu như tuyển dụng, đào tạo, phát triển đội ngũ nhân viên, mà còn cần có sự chính xác, rõ ràng trong việc tính lương, thưởng, chấm công và các chính sách bảo hiểm,…
Thực tế cho thấy các công đoạn này đang chiếm quá nhiều thời gian và nhân lực của DN. Việc tối ưu hóa công việc quản lý nhân sự nhờ CĐS giúp các khâu này được tự động hóa gần như toàn bộ. Qua đó cắt giảm được một số nhân sự không cần thiết, tinh gọn được bộ máy và giải tỏa được áp lực quá tải cho phòng nhân sự.
Tại Daikin Việt Nam - DN hàng đầu về điều hòa không khí - coi việc CĐS nhân sự là một phần không thể thiếu để biến bộ phận nhân sự trở thành "Đối tác kinh doanh chiến lược" của công ty. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao trải nghiệm của nhân viên (từ khi tuyển dụng đến lúc nghỉ việc), đồng thời tái khẳng định vị thế của Daikin Việt Nam là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Với quan điểm này, công ty đã bắt tay vào hành trình CĐS nhân sự với SAP SuccessFactors, và là một trong những DN đầu tiên triển khai số hóa công tác nhân sự trong lĩnh vực điều hòa không khí tại Việt Nam.
"Chúng tôi đã lựa chọn giải pháp SAP SuccessFactors để chuyển đổi các hoạt động nhân sự lên điện toán đám mây. Mục đích chính là hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh của Daikin, cũng như mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới cho nhân viên", bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc nhân sự Daikin Việt Nam cho biết.
"Việc triển khai này đã cho phép các nhân viên Daikin Việt Nam tiếp cận các dịch vụ nhân sự mọi nơi, mọi lúc, dưới hình thức tự phục vụ 100%. Không chỉ vậy, CĐS đã giúp công ty loại bỏ tới 75% các quyết định nhân sự bằng giấy, trong khi thời gian hoàn thành một quy trình nhân sự được rút ngắn từ 3-10 ngày làm việc. Việc triển khai SAP SuccessFactors là một phần không thể thiếu nhằm giúp Daikin Việt Nam xây dựng mô hình nhân sự linh hoạt, nhạy bén và là minh chứng cho chiến lược chú trọng vào trải nghiệm nhân viên của công ty".
CĐS trong quản trị nhân lực là ứng dụng số hóa vào việc vận hành và quản lý nhân sự tại DN. Đây không phải là quá trình thay người thật bằng máy móc. Không phải là cắt bỏ hoàn toàn nhân sự mà chính là tinh gọn và tối ưu hóa nguồn nhân lực hiện có. Bằng việc tự động hóa một số quy trình bằng công nghệ, DN sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự và tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.
Tại ngân hàng Vietcombank, việc cung cấp cho nhân viên những công cụ phù hợp để chuẩn hóa quy trình kinh doanh, tích hợp liền mạch với các hệ thống CNTT khác và hỗ trợ quá trình ra quyết định của lãnh đạo là yếu tố then chốt trong việc giải quyết các thách thức về nhân sự của ngân hàng - nơi mà công nghệ và CĐS đóng vai trò quan trọng.
Ông Hồng Quang, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc khối nhân sự Vietcombank, cho biết: "Trước khi triển khai SAP SuccessFactors, những thách thức nhân sự chính mà Vietcombank phải đối mặt là tính chính xác của báo cáo, nhiều loại giấy tờ chồng chéo và quy trình phê duyệt tương đối chậm".
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2 hệ thống quản lý nhân sự SAP SuccessFactors, Vietcombank đã cải tiến hoàn toàn quy trình nhân sự theo hướng tự động hóa và tự phục vụ, nâng cao năng suất của nhân viên bằng cách gắn mục tiêu cá nhân với mục tiêu tổ chức và tăng tỷ lệ hài lòng của nhân viên nói chung.
Mặt khác, muốn CĐS bền vững cần phải lấy nhân viên làm trọng tâm. Bà Nguyễn Thạch Uyên Vy, Giám đốc Nhân sự NovaGroup, chia sẻ: "Mục đích của việc CĐS nhân sự là để tạo ra môi trường hoạt động dựa trên số liệu và quan trọng hơn là đặt nhân viên ở vị trí trung tâm. Để làm được điều này, Novaland đã thúc đẩy các quy trình nhân sự số, nâng cao trải nghiệm nhân viên, ứng dụng công nghệ để phân tích các chỉ số con người và trao quyền cho cấp quản lý. Chúng tôi coi công nghệ là yếu tố quan trọng để minh bạch và đơn giản hóa các quy trình nhân sự, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nói chung".
Tuy nhiên, quá trình CĐS công tác nhân sự không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bà Uyên Vy nhấn mạnh: "Quản trị thay đổi luôn là công việc khó khăn. Đây là lý do tại sao Novagroup luôn lấy nhân viên làm trong tâm, cởi mở đón nhận thay đổi và thích ứng với những xu hướng mới để kết nối tốt hơn với thế hệ nhân sự trẻ".
Theo bà Uyên Vy, Novagroup đạt được điều này bằng cách: (1) lãnh đạo công ty cần phải làm gương cho nhân viên; (2) tăng thời thời gian làm quen với hệ thống mới, đặc biệt tại các công ty con hoặc các phòng ban mới thành lập; và (3) làm mới công tác đào tạo, biến nó thành một hoạt động sôi động, hào hứng.
Hành trình CĐS bền vững sẽ giúp nhân viên phát huy tối đa năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng tầm bộ phận nhân sự thành đối tác kinh doanh chiến lược. Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh của DN được nâng cao./.