Quyết tâm đến năm 2030 Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao
Trên tinh thần đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, Sở TT&TT Bắc Ninh, với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin; quản lý các dịch vụ công về bưu chính, viễn thông và CNTT trên địa bàn, quyết tâm, nỗ lực để hiện thực hóa định hướng phát triển đến năm 2030 Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh....
Vừa qua, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về cơ chế, chính sách đầu tư cho ngành TT&TT, lĩnh vực CNTT và truyền thông trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện qua các chỉ số đánh giá về xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), thành phố thông minh tỉnh Bắc Ninh. Nhiều chỉ tiêu trong xây dựng CQĐT của tỉnh đều vượt cả về thời gian và số lượng so với nhiệm vụ được Chính phủ giao. Chỉ số xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển CNTT và truyền thông của tỉnh liên tục tăng từ năm 2016 tới nay. Riêng năm 2019 xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố.
Không những vậy, Bắc Ninh còn là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh. Trung tâm điều hành, trung tâm dữ liệu, hệ thống camera và các ứng dụng thông minh triển khai bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành của các cấp, các ngành.
Những quyết tâm, nỗ lực của tỉnh đã minh chứng cho sự chuyển mình của Bắc Ninh trong dòng chảy "thông minh, sáng tạo" thời gian qua.
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Theo Sở TT&TT Bắc Ninh, để nhiệm vụ chuyển đổi số tại Bắc Ninh đạt được kết quả tích cực, Sở đã đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần sớm triển khai, bao gồm:
Một là, thực hiện nhóm giải pháp về chuyển đổi nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội bằng việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số trong đó gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và DN về sự cần thiết của đổi số.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, công nghiệp, CNTT sẽ tiên phong nhằm mang lại giá trị cho người dân, DN và xã hội.
Hai là, phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu. Cụ thể, xây dựng và phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu CNTT tập trung, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện...,
Đồng thời, phát triển hạ tầng kết nối mạng IoT, triển khai nền tảng tích hợp, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số.
Ba là, xây dựng nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, phát triển thương mại điện tử thông qua việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị Nhà nước sẽ tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ công về thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội...
Bốn là, kiến tạo và xây dựng môi trường kinh tế số nhằm thu hút sự vào cuộc của các DN, cộng đồng xã hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Có cơ chế ưu tiên, khuyến khích những sản phẩm, dịch vụ tạo ra các giá trị, dịch vụ mới trên môi trường số, phát động phong trào cán bộ, đảng viên và người lao động trong các cơ quan nhà nước tiên phong sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ mua sắm trực tuyến,... nhằm tạo ra một môi trường kinh tế số tiềm năng, tạo sự lan tỏa tới toàn xã hội.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số, trong đó tập trung chuẩn bị tốt về nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút tối đa nguồn lực chất lượng cao, các tập đoàn kinh tế toàn cầu, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo...., đồng thời, tổ chức triển khai các khu thử nghiệm dành cho DN công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới nhằm chuyển giao, triển khai các công nghệ mới.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 -2025 vừa diễn ra cũng xác định rõ: Nắm bắt cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc, nâng cao chất lượng quản lý điều hành phù hợp với quá trình chuyển đổi số, quản trị điện tử, đô thị thông minh. Đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm quyết tâm, nỗ lực để hiện thực hóa định hướng phát triển đến năm 2030 Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh...., đặc biệt là tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.