7 đề xuất cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam

03/11/2021 13:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Xây dựng chính sách, chiến lược chuyển đổi số (CĐS) hiện là vấn đề cấp bách, đặt ra cho các quốc gia trên thế giới để bắt kịp với tốc độ thay đổi nhanh chóng và sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội... Ở châu Âu, Thụy Điển và Vương quốc Anh nằm trong số những quốc gia đi đầu trong CĐS.

Bài viết phân tích nội dung cơ bản trong chiến lược CĐS của Thụy Điển và Vương quốc Anh, phân tích những kết quả tích cực và hạn chế trong thực hiện CĐS ở hai quốc gia này. Từ đó, đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy quá trình CĐS tại Việt Nam.

Nhận diện về CĐS

Hiện nay, chuyển đổi số là một từ thông dụng trong nhiều lĩnh vực và hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đang được “CĐS” và nó cũng sẽ là xu hướng quan trọng trên toàn thế giới đến năm 2030. Có rất nhiều định nghĩa được đưa ra. Deloitte (2018): “CĐS là việc sử dụng công nghệ để cải thiện triệt để hiệu suất hoặc phạm vi tiếp cận của một tổ chức. Trong một doanh nghiệp (DNN) CĐS, công nghệ số cho phép cải tiến quy trình, thu hút nhân tài và các mô hình kinh doanh mới”. OECD (2018): “CĐS đề cập đến các tác động kinh tế và xã hội của quá trình số hóa và số hóa. Số hóa là việc chuyển đổi dữ liệu và các quy trình tương tự sang định dạng máy có thể đọc được. Số hóa là việc sử dụng các công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số cũng như sự kết nối giữa chúng với nhau dẫn đến các hoạt động mới hoặc thay đổi đối với các hoạt động hiện có”. 

Theo Ủy ban châu Âu (2019), “CĐS được đặc trưng bởi sự kết hợp của các công nghệ tiên tiến và sự tích hợp của các hệ thống vật lý và kỹ thuật số, ưu thế của các mô hình kinh doanh sáng tạo và quy trình mới cũng như việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông minh”. [1]

Tại Việt Nam, khái niệm “CĐS” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi mô hình DN truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ số mới trong lĩnh vực như: Big data, Internet vạn vật, ...[2]

Tóm lại, có nhiều định nghĩa khác nhau về CĐS nhưng CĐS (Digital Transformation) được hiểu một cách tổng quát nhất là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau [3].

Nội dung cơ bản trong chiến lược CĐS của Thụy Điển, Vương quốc Anh

Chiến lược số hóa của Thụy Điển

Với mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc khai thác các cơ hội của số hóa. Chính phủ Thụy Điển đã ban hành Chiến lược số hóa (Digital Strategy, 2017). Chiến lược đặt ra các mục tiêu: kỹ năng số, an ninh số, đổi mới số, quản trị số và cơ sở hạ tầng số. Dưới đây là tóm tắt các nội dung cụ thể:

Kỹ năng số: Hướng tới tất cả mọi người đều có thể phát triển và sử dụng kỹ năng số. Các lĩnh vực quan trọng cần tập trung là khả năng đóng góp và tham gia vào xã hội số, hiện đại hóa hệ thống giáo dục, xây dựng kỹ năng số phù hợp, kỹ năng số trong khu vực công, tư.

An ninh số: Tạo những điều kiện tốt nhất để mọi người dân có thể tham gia vào xã hội số một cách an toàn, tin tưởng và có trách nhiệm. Tập trung vào lĩnh vực quan trọng là nhận dạng kỹ thuật số, yêu cầu bảo mật cao, quyền riêng tư trong xã hội số, các biện pháp bảo vệ dân chủ, thị trường lao động an toàn và di động, vận hành thị trường kỹ thuật số và tiêu dùng an toàn.

Đổi mới số: Tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển, phổ biến và sử dụng các kỹ thuật số mới, tập trung vào các lĩnh vực: Tăng cường vào nghiên cứu và đổi mới theo hướng dữ liệu và kỹ thuật số; Xây dựng Luật sở hữu trí tuệ hiệu quả; tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế; Xây dựng xã hội hiện đại.

Quản trị số: Đòi hỏi các hoạt động số được cải tiến, phát triển và nâng cao thông qua quản trị, đo lường và theo dõi. Không chỉ tập trung vào thúc đẩy chuyển đổi số mà quan trọng là tập trung vào cách thức có thể khai thác các cơ hội do chuyển đổi số mang lại, giảm thiểu rủi ro và sử dụng các nguồn lực tự nhiên có sẵn để tận dụng tốt nhất các cơ hội mà chuyển đổi số mang lại. Trong đó, các doanh nghiệp, tổ chức và người dân có thể tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ số của khu vực công.

Các hoạt động quan trọng của quản trị số tập trung vào: Sự lãnh đạo rõ ràng hơn của Chính quyền trung ương trong chuyển đổi số; Đơn giản hóa dịch vụ công thông qua chuyển đổi số; Phân tích thường xuyên về sự phát triển và các biện pháp cần thiết của quá trình chuyển đổi số; Quản trị hướng tới một xã hội sử dụng hiệu quả tài nguyên nhờ chuyển đổi số; Tăng cường sự tham gia của địa phương và vùng.

Hạ tầng số: Mục tiêu cải tiến và tái thiết lập hạ tầng để truyền dữ liệu là rất quan trọng. Hạ tầng băng thông rộng mang lại nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ, dịch vụ xã hội, điều hành công việc kinh doanh và đóng góp vào sự gắn kết xã hội. Các lĩnh vực quan trọng tập trung vào: Cải thiện quyền truy cập vào hạ tầng “cứng”; Phát triển hạ tầng “mềm”. [4]

Thực hiện chiến lược số hóa trên, Chính phủ Thụy Điển đã thành lập Hội đồng số hóa quốc gia (Swedish National Digitalization Council) vào năm 2017, bao gồm các chuyên gia hàng đầu từ các trường đại học, khu vực công và tư dưới sự điều phối của Bộ Phát triển số (Ministry of Digital Development), để tổ chức, thúc đẩy, điều phối chính sách số hóa chung. Ngoài ra có một số tổ chức khác (Hội đồng đổi mới quốc gia, Diễn đàn băng thông rộng...) có chức năng tư vấn chiến lược để thúc đẩy, thực hiện hoặc phát triển các lĩnh vực số hóa. Bên cạnh đó, còn có sự hợp tác và hỗ trợ của các DN, xã hội dân sự trong việc thực hiện chính sách số hóa.

Chiến lược số của Vương quốc Anh

Với mục tiêu tạo dựng một nước Anh mạnh hơn, công bằng hơn cho mọi người, Chính phủ Anh đã ban hành Chiến lược số quốc gia (UK Digital Strategy 2017). Chiến lược số của Anh tập trung vào mục tiêu phát triển nền kinh tế số hàng đầu thế giới với một số giải pháp chính để thực hiện các mục tiêu của chiến lược như sau:

Xây dựng hạ tầng số hàng đầu thế giới: Thiết lập khuôn khổ cho đầu tư cơ sở hạ tầng số phổ biến và hiện đại. Thực hiện kết nối số nhằm thúc đẩy năng suất, sự sáng tạo, đổi mới, và là nền tảng cơ bản của một quốc gia kỹ thuật số. Hướng tới kết nối cho doanh nghiệp, kết nối tốt hơn cho mọi người với việc áp dụng Nghĩa vụ Dịch vụ Phổ cập (Universal Service Obligation - USO) năm 2020. Tập trung vào một số giải pháp điển hình: Quy định về truy cập hạ tầng; Lập Quỹ đầu tư hạ tầng số mới, làm xúc tác cho thị trường, đảm bảo các nhà cung cấp có thể tiếp cận tài chính để mở rộng thị trường băng rộng. Quan trọng nhất đối với người dân là chất lượng đường truyền, không phải là công cụ nào, vì thế tập trung vào đáp ứng nhu cầu của người dân sống, làm việc và đi lại.

Trao cho tất cả mọi người kỹ năng số cần thiết: Đảm bảo và hỗ trợ mọi người phát triển các kỹ năng số cần thiết để tham gia vào nền kinh tế số, giúp các doanh nghiệp tận dụng các lợi ích của đổi mới trong nền kinh tế số. Tập trung vào một số giải pháp sau: Tạo khung đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật số; Thành lập Hội đồng số bao trùm (Council for Digital Inclusion); Nâng cao vai trò của các Thư viện công trong hỗ trợ mạng lưới và kỹ năng số (14000 nhân viên huấn luyện của hệ thống thư viện công; trong hai năm 2014 - 2015 có 192000 người đã được đào tạo trong các mạng lưới thư viện).

Xây dựng Vương quốc Anh thành nơi tốt nhất để khởi nghiệp và phát triển kinh doanh số: Do đó, cần đổi mới, xây dựng, cung cấp nội dung và dịch vụ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để Vương quốc Anh là nơi tốt nhất để khởi nghiệp và phát triển kinh doanh số. 

Giải pháp của Chính phủ là: Tạo ra các hệ sinh thái và các lĩnh vực công nghệ mạnh mẽ, các trung tâm kỹ thuật số được xây dựng phát triển trên khắp nước Anh; Đầu tư cho lĩnh vực Nghiên cứu và phát triển (4,7 tỷ bảng trong giai đoạn 2020-2021); Chương trình Kinh doanh Challenger (rà soát các thủ tục kìm hãm kinh doanh), Ưu tiên cho Quỹ Thách thức chiến lược công nghiệp mới (Industrial Strategy Challenge Fund). Cơ cấu thuế hiệu quả; thuế Thu nhập DN thấp chỉ 10% đối với việc kinh doanh từ ứng dụng các Paten - Paten Box; Chương trình Đầu tư Doanh nghiệp hạt giống (Seed Enterprise Investment Scheme - SEIS), cung cấp các biện pháp ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư cá nhân mua cổ phần tại các công ty này.

Giúp các DN Anh trở thành DN số:

Xác định khả năng cạnh tranh toàn cầu của các DN không chỉ giới hạn vào lĩnh vực kỹ thuật số đang trên đà phát triển, mà còn phụ thuộc vào việc tất cả các DN sử dụng công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số tốt nhất để tăng năng suất và đổi mới. Áp dụng các công nghệ kỹ thuật số là rất quan trọng nhằm giúp tất cả các DN nâng cao năng suất và tính cạnh tranh.

Giải pháp hỗ trợ các DN số là thành lập Hội đồng năng suất (Productivity Council - năm 2016 Chính phủ cam kết tài trợ 13 triệu bảng Anh để thành lập Hội đồng), nhằm thúc đẩy sự tham gia để cải thiện năng suất trên toàn nền kinh tế, bao gồm cả việc sử dụng các công nghệ số phù hợp.

Làm cho Vương quốc Anh trở thành nơi an toàn nhất thế giới để sống và làm việc trực tuyến: An toàn và bảo mật trên mạng là một yêu cầu thiết yếu cho một nền kinh tế kỹ thuật số bao trùm, thịnh vượng. Điều này sẽ mang lại cho mọi người sự tự tin là một phần của thế giới số, cũng như đem lại cho Vương quốc Anh một lợi thế cạnh tranh đáng kể. Một số giải pháp điển hình như: Xây dựng Chiến lược an ninh mạng quốc gia (National Cyber Security Strategy) năm 2016 với 3 mục tiêu Bảo vệ, Răn đe, và phát triển (Defend, Deter, Develop); phát triển ngành công nghiệp an ninh số; Thành lập hai Trung tâm Đổi mới ở London và Cheltenham; Triển khai các bộ lọc, hướng dẫn các nhà cung cấp xây dựng nội dung an toàn hơn cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Duy trì vị trí dẫn đầu của Chính quyền số của Anh trong việc phục vụ công dân trên mạng: Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Anh là một cường quốc hàng đầu trên thế giới về Chính quyền số. Khai thác tiềm năng của kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả các dịch vụ công từ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc an toàn cho người già ở nhà, dịch vụ giáo dục và các dịch vụ văn hóa. Một số giải pháp chính như: Thực hiện các dịch vụ số của Chính phủ (Dịch vụ xác minh danh tính trực tuyến GOV.UK Verify; Dịch vụ thanh toán trực tuyến GOV.UK Pay; Dịch vụ thông báo GOV.UK Notify).

Khai thác, tận dụng sức mạnh của dữ liệu trong nền kinh tế Anh và nâng cao niềm tin của công chúng trong việc sử dụng: Xác định dữ liệu là một yếu tố mang tính toàn cầu để đảm bảo cho các DN có thể cạnh tranh và giao tiếp hiệu quả trên toàn thế giới. Anh hiện nay đi đầu trên thế giới về Đổi mới dữ liệu. Luật Bảo vệ dữ liệu 1998 (The Data Protection Act 1998) đưa ra khung khổ pháp lý về sử dụng dữ liệu cá nhân, thường được tham khảo như một tiêu chuẩn vàng toàn cầu (global gold standard). Trong khuôn khổ của EU trước đây, Anh cũng cam kết thực hiện quy định bảo vệ dữ liệu chung (the General Data Protection Regulation) từ tháng 5-2018, đảm bảo một tiêu chuẩn chung, bảo vệ cao hơn cho người tiêu dùng và dữ liệu của họ. [5]

Một số kết quả đạt được trong chuyển đổi số của Thụy Điển, Vương quốc Anh

Một số kết quả tích cực

Theo Báo cáo xếp hạng mức độ cạnh tranh về CĐS của các nước trên thế giới năm 2020 của Statista, Thụy Điển xếp thứ 4 và Vương quốc Anh xếp thứ 13 [6]. 

7 đề xuất cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam - Ảnh 1.

Hình 1: Xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số năm 2020 (xếp hạng từ 1-30) (Xếp hạng năm 2019 nằm trong ngoặc đơn)

Theo đánh giá của DESI (Chỉ số Kinh tế số và Xã hội số của Ủy ban châu Âu năm 2020, Thụy Điển và Vương quốc Anh đều nằm trong top 10. Trong đó, Thụy Điển xếp thứ 2 và Vương quốc Anh xếp thứ 8 [7]. 

7 đề xuất cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam - Ảnh 2.

Hình 2:Chỉ số kinh tế số và xã hội số năm2020 Nguồn: DESI 2020, Ủy ban châu Âu

(1) Kết nối - kết nối băng thông rộng

Việc truy cập vào một kết nối băng thông rộng tin cậy và tốc độ nhanh (bao gồm cả kết nối cố định và di động) là rất quan trọng, đặc biệt là đối với việc cung cấp trực tuyến các dịch vụ kinh tế và xã hội quan trọng. Do đó, không chỉ Thụy Điển, Vương quốc Anh mà nhiều quốc gia trên thế giới đều cần phải có cơ sở hạ tầng số hiện đại, mạnh mẽ cung cấp mức độ phủ sóng cần thiết cho các dịch vụ này. Trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, các nhà cung cấp dịch vụ mạng đang phải đối mặt với nhu cầu gia tăng đáng kể, đồng thời phải cung cấp các dịch vụ hỗ trợ băng thông rộng. 

Tuy nhiên, kết nối tổng thể đã được cải thiện, cả về cung và cầu ở các quốc gia châu Âu. Theo chỉ số DESI (2020), về khả năng kết nối, Thụy Điển đạt 64,4 điểm (đứng thứ 2) [8], Anh đạt 48.8 điểm (đứng thứ 20) [9]. Tỷ lệ sử dụng băng thông rộng cố định tổng thể ở Thụy Điển tăng từ 78% (2017) lên 86% (2019) [10]; Anh tăng từ 88 % (2017) lên 94 % (2019) [11].

Tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao băng rộng cố định của Vương quốc Anh và Thụy Điển đều nằm trong top 10 của các nước đánh giá theo chỉ số DESI. 

7 đề xuất cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam - Ảnh 3.

Hình 3: Hộ gia đình có đăng ký băng thông rộng cố định (% hộ gia đình), 2019 Nguồn: Eurostat, Khảo sát cộng đồng về việc sử dụng CNTT trong Hộ gia đình và Cá nhân

Phạm vi phủ sóng của Truy cập thế hệ mới (Next Generation Access - NGA) Thụy Điển tăng từ 78% (2017) lên 85% (2019)12; Anh tăng từ 94% (2017) lên 96% (2019) [13]. Tuy nhiên, ở Thụy Điển, ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ băng rộng cố định ít nhất 100 Mbps (tỷ lệ truy cập đạt 66%)14, ngược lại tỷ lệ này ở Anh chỉ đạt 19% [15]. Cũng như vậy, mức độ phủ sóng của các mạng công suất rất cao (very high capacity networks - VHCN) ở Anh có sự gia tăng, đạt 10% (4% năm 2018) [16]. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp so với Thụy Điển, đạt 77% (72% năm 2018), hoàn toàn nhờ vào mạng FTTP [17]. 

Về chỉ số giá băng thông rộng, năm 2019, Thụy Điển đạt 66 điểm, Anh đạt 63 điểm. Tỷ lệ sử dụng băng thông rộng di động ở Thụy Điển nhiều hơn so với Anh, đạt 124 đăng ký trên 100 người và là một trong những mức cao nhất ở châu Âu, trong khi Anh đạt 101 đăng ký/100 người. Tỷ lệ bao phủ 4G trung bình ở Thụy Điển và Anh đều cao lần lượt là 97% và 99% (2019), trong khi mức trung bình của châu Âu là 96%. Thụy Điển đứng thứ 13 về chỉ số sẵn sàng cho 5G và có 60 giấy phép cho các thử nghiệm 5G đã được cấp kể phép từ tháng 3-201718. Chỉ số sẵn sàng cho 5G ở Anh cũng tăng mạnh từ 0% (2019) lên 23% (2020) [19].

Việc sử dụng dữ liệu di động ngày càng tăng của Thụy Điển dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong những năm tới. Theo Cisco VNI, lưu lượng dữ liệu di động ở Thụy Điển năm 2021 tăng gấp đôi và dự kiến sẽ đạt bình quân một tháng là 132,8 PB trong năm 2021 (tương đương 33 triệu DVD một tháng). Ngoài ra, lưu lượng truy cập di động trên mỗi người dùng cuối có kết nối di động ở Thụy Điển sẽ đạt 7,6 GB mỗi tháng vào năm 2021 [20]. Theo hầu hết các thước đo về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ viễn thông, Thụy Điển luôn nằm trong nhóm các nước dẫn đầu của OECD [21].

(2) Nguồn nhân lực - Kỹ năng số

Nguồn nhân lực hay kỹ năng số được coi là xương sống của xã hội số. Kỹ năng số cho phép mọi người sử dụng các dịch vụ số và tham gia vào các dịch vụ trực tuyến cơ bản, đặc biệt là khi con người bị hạn chế khả năng di chuyển. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chỉ ra rằng việc trang bị các kỹ năng số đầy đủ cho người dân là rất quan trọng để giúp họ tiếp cận thông tin và dịch vụ một cách dễ dàng, đặc biệt là các đối tượng như nhân viên trong hệ thống y tế, các nhân viên chính phủ, giáo viên/giảng viên và học sinh/sinh viên. Do đó, các kỹ năng số cơ bản và nâng cao cần phải được cung cấp trong các chương trình giảng dạy của nhà trường và các chương trình học ở các nước châu Âu [22]. 

Thụy Điển và Vương quốc Anh đã có sự cải thiện cả về kỹ năng sử dụng Internet (ít nhất là kỹ năng số cơ bản) và kỹ năng nâng cao (sinh viên tốt nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và chuyên gia CNTT-TT). Trong đó, Thụy Điển là một trong những nước tiên tiến nhất về nguồn nhân lực. 46% dân số trưởng thành của quốc gia này có kỹ năng số cơ bản. 52% nhân viên, lao động tự làm chủ và giúp việc gia đình có kỹ năng số cơ bản, thuộc nhóm cao nhất ở EU. Thụy Điển cũng có số lượng chuyên gia ICT (CNTT-TT) cao, chiếm 6,8% trong tổng số lao động.

Hệ thống giáo dục của Thụy Điển là một trong những hệ thống được số hóa nhiều nhất ở EU. Một số chương trình giảng dạy được áp dụng: Sửa đổi cho việc học ở giáo dục tiểu học (2018), lứa tuổi mầm non (2019), và các bài thi quốc gia đang được số hóa. Chiến lược số trường học (áp dụng 2017), kế hoạch hành động (trình chính phủ 3-2019) và Cơ quan Giáo dục Quốc gia sẽ điều phối việc số hóa trường học [23].

Vương quốc Anh và Thụy Điển đều nằm trong top 10 của các nước đánh giá theo DESI 2020 về nguồn nhân lực. Trong đó, Thụy Điển đứng thứ 2 và Anh đứng thứ 5, Anh có74% dân số có ít nhất kỹ năng số cơ bản, 46% kỹ năng số nâng cao (2019), chuyên gia ICT chiếm 5,1 % (2018) trong tổng số lao động [24]. 

7 đề xuất cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam - Ảnh 4.

Hình 4: Nguồn nhân lực (0- 100 điểm), 2019 Nguồn: DESI2020,Ủy ban châu Âu

(3) Sử dụng Internet

Không chỉ đối với Thụy Điển, Vương quốc Anh mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc sử dụng Internet của các cá nhân đang có xu hướng gia tăng, nhất là hiện nay trong thời kỳ đại dịch, xu hướng sử dụng Internet của các cá nhân đang có sự tăng vọt. Các nền tảng giải trí và truyền thông xã hội cũng như các dịch vụ từ xa, thương mại điện tử (TMĐT) và CPĐT thường xuyên được truy cập thay thế cho sự hạn chế di chuyển (gặp mặt) của người dân. Trong đó, tỷ lệ sử dụng Internet hàng ngày hoặc gần như hàng ngày ở Thụy Điển là 95%, tập trung vào các dịch vụ trực tuyến như xem phim, nghe nhạc, mạng xã hội..., 47% sử dụng nghe nhạc trực tuyến. Ở Anh, số người sử dụng Internet chiếm 95% (2019), tập trung vào các dịch vụ: xem tin tức 74%; nghe nhạc, xem video, chơi game 88% (2018); sử dụng mạng xã hội 77% (2019). Phần lớn người Thụy Điển và Anh đều sử dụng ngân hàng trực tuyến, mua sắm trực tuyến là phổ biến hơn. Tuy nhiên, tham gia các khóa đào tạo trực tuyến lại chiếm tỷ lệ nhỏ chỉ có 19% ở Thụy Điển và 20% ở Anh (2019).

Theo DESI (2020), Thụy Điển và Anh thuộc trong top 10 về sử dụng dịch vụ Internet. 

7 đề xuất cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam - Ảnh 5.

Hình 5: Sử dụng dịch vụ Internet (Điểm 0-100), 2020 Nguồn: DESI2020, Ủy ban Châu Âu

(4) Tích hợp các công nghệ số - DN số

Khi các chính phủ hành động để giảm tương tác trực tiếp của xã hội, các DN phải thích ứng bằng cách đưa ra các cơ chế làm việc thay thế. Các DN vừa và nhỏ (bao gồm cả các DN siêu nhỏ) với mức độ số hóa thấp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp khả năng làm việc tại nhà cho nhân viên. Một trong những trở ngại chính đối với việc số hóa các DN vừa và nhỏ là khoảng cách kiến thức số, nguyên nhân là do trình độ hiểu biết kỹ thuật số của các chủ sở hữu, người quản lý và nhân viên còn thấp. Giải quyết những thiếu sót này sẽ rất quan trọng để đảm bảo khả năng phục hồi mạnh mẽ [25].

Việc tích hợp các công nghệ số của các doanh nghiệp đã cho thấy sự khác biệt lớn theo quy mô công ty, lĩnh vực và cả quốc gia thành viên. Các DN ngày càng trở nên số hóa hơn, đặc biệt các công ty lớn vẫn dẫn đầu về mức độ số hóa. Thụy Điển và Anh hiện đang tích hợp công nghệ số tương đối tốt. 50% DN Thụy Điển đạt mức số hóa cao hoặc rất cao, 18% DN vừa và nhỏ (SME) có mức độ số hóa rất thấp so với 1% các công ty lớn và chỉ 31% SME đào tạo về kỹ năng nâng cao cho nhân viên, so với 80% ở các công ty lớn, doanh thu TMĐT 18% (EU 11% -2019). 

Các công ty của Thụy Điển, Vương quốc Anh đều sử dụng các dịch vụ đám mây và bán hàng trực tuyến ở mức độ tương đối cao so với các đối tác châu Âu. Trong đó, sử dụng dịch vụ đám mây và bán hàng trực tuyến ở Anh lần lượt là 30% (2018) và 24% (2019), ở Thụy Điển các tỷ lệ này là 43% (2018) và 30% (2019). Doanh thu thương mại điện tử của Thụy Điển đạt 18%, Anh đạt 13% đều cao hơn mức trung bình của EU (11% năm 2019). 

7 đề xuất cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam - Ảnh 6.

Hình 6: DESI (2020), Tích hợp các công nghệ số Nguồn: DESI 2020, Ủy ban châu Âu

(5) Dịch vụ số của khu vực công - CPĐT

Dịch vụ số của khu vực công đang có xu hướng đi lên trong những năm gần đây ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sự gia tăng diễn ra ở cả chất lượng và mức độ sử dụng các dịch vụ số của khu vực công. 

Những điểm tương đồng trong chiến lược số của hai nước

Nghiên cứu chiến lược số của Thụy Điển và Vương quốc Anh có thể thấy những điểm tương đồng quan trọng sau đây:

Thứ nhất, khi xây dựng mô hình chiến lược chuyển đổi số, Anh và Thụy Điển đều có điểm tương đồng về khung cấu trúc cơ bản gồm tầm nhìn, các mục tiêu cụ thể để thực hiện chiến lược.

Thứ hai, chiến lược số của Anh và Thụy Điển đều xoay quanh ba chủ thể cơ bản: Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, với 6 yếu tố chính làm nền tảng thúc đẩy: Thể chế, chính sách; Cơ sở hạ tầng số; Chính phủ số và dịch vụ công trực tuyến; Nguồn nhân lực số; Nền kinh tế số; An toàn an ninh mạng.

Trong đó, thể chế, chính sách là yếu tố quan trọng đầu tiên; Cơ sở hạ tầng số là yếu tố nền móng, vật liệu để xây dựng nên CPĐT và nền kinh tế số; Chính phủ số và dịch vụ công trực tuyến đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhiều chính phủ và quốc gia trên thế giới; Nguồn nhân lực số là nhân tố tiên quyết trong quá trình CĐS. Chiến lược số của Anh và Thụy Điển đều chú trọng vào phát triển đối với nguồn nhân lực số; Nền kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột tất yếu và có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho mỗi quốc gia; Xây dựng Chiến lược an toàn thông tin mạng quốc gia là yếu tố quan trọng mà các nước đều phải xét đến khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bởi dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những nguy cơ mới về an ninh mạng luôn hiện hữu trong bối cảnh tấn công mạng ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp.

Một số đề xuất cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm xây dựng, triển khai chiến lược CĐS ở một số quốc gia châu Âu là Thụy Điển, Vương quốc Anh, và bối cảnh, hiện trạng CĐS của Việt Nam, bài viết có một số đề xuất chính sách cho Việt Nam trong thúc đẩy quá trình CĐS như sau:

Một là, Nhà nước cần kiến tạo thể chế cho phát triển công nghệ số. Công nghệ số cốt lõi vẫn là công nghệ thông tin cùng với các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi bản chất và hình thành các mô hình kinh doanh, mô hình hoạt động mới chưa có quy tắc chung điều chỉnh. Do vậy, để đảm bảo cho phát triển, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các sản phẩm công nghệ số phát triển, bảo vệ thông tin cá nhân, quy định dữ liệu mở, chia sẻ dữ liệu; bảo vệ tài sản số; quy định về áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI); khung pháp lý về định danh (digital identity) và xác thực điện tử; cho thử nghiệm công nghệ mới trong một thời gian ngắn để có chính sách phù hợp. 

Hai là, Nhà nước cần có các chính sách, chương trình, dự án để thúc đẩy đầu tư cho phát triển hạ tầng số trên toàn quốc. Hạ tầng số chính là nền tảng quan trọng để chuyển đổi số nên cần phải tập trung thực hiện trước: phấn đấu mỗi người dân một smartphone, mỗi hộ gia đình một đường truy cập Internet băng thông rộng, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số, triển khai 5G và thương mại hóa sản phẩm 5G trong nước, phát triển hạ tầng IoT, điện toán đám mây, CSDL quốc gia nền tảng (dân cư, doanh nghiệp, đất đai...), các nền tảng số, mobilemoney, nền tảng y tế cộng đồng,...Có thể áp dụng mô hình Quỹ dịch vụ phổ cập đã được triển khai đối với dịch vụ viễn thông để mở rộng hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa, những địa phương có điều kiện địa lý khó khăn. Bên cạnh hạ tầng cứng như trên, cũng đồng thời phải tập trung nguồn lực tương xứng để phát triển hạ tầng mềm để đảm bảo môi trường vận hành thông suốt cho hạ tầng cứng.

Ba là, dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện và phấn đấu đạt mức độ 4. Đồng thời, các hoạt động của cơ quan nhà nước giao tiếp với người dân, doanh nghiệp cần chuyển lên môi trường số. Việc phát triển chính phủ số và hoàn thiện dịch vụ công mức độ 4 sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, gián tiếp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện được mục tiêu này phải quan tâm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan dưới sự chỉ đạo thống nhất của một Bộ chuyên ngành về chuyển đổi số quốc gia.

Bốn là, quan tâm đào tạo và phát triển kỹ năng số cho người Việt Nam. Muốn chuyển đổi số thành công thì con người là yếu tố then chốt. Đại dịch COVID-19 có thể nói cũng là một cơ hội tốt cho CĐS. Nhà nước cần quan tâm trang bị cho người Việt kỹ năng số cơ bản, kỹ năng số chuyên biệt (ngân hàng, logistics,...) thông qua việc: chuẩn hóa giáo dục khung kỹ năng số, đưa kiến thức, kỹ năng số vào hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học, thúc đẩy giảng dạy qua môi trường số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong giáo dục phổ thông, tiếp cận lập trình cho học sinh tiểu học, đào tạo các việc làm mới như trí tuệ nhân tạo - AI, Internet kết nối vạn vật - IoT, phân tích dữ liệu lớn - bigdata, công nghệ chuỗi khối (blockchain),... Cần tham khảo kinh nghiệm của Anh về triển khai hệ thống đào tạo kỹ năng số thông quan hệ thống các thư viện công rộng khắp trên cả nước.

Năm là, thúc đẩy phát triển các nền tảng số Make in Vietnam. Đảng và Nhà nước đã định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số và chủ trương Make in Vietnam - sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam nhằm khơi dậy ý chí tự cường, tự chủ của Việt Nam. Với lợi thế của người Việt Nam, các DN công nghệ số Việt Nam sẽ giải quyết các bài toán của Việt Nam tốt nhất. Lực lượng doanh nghiệp công nghệ số với giải pháp công nghệ số Make in Vietnam sẽ là động lực quan trọng để CĐS Việt Nam thành công. Phần lớn các DN Việt Nam là DNNVV, vì thế cần xây dựng cơ chế ưu đãi (tài chính và phi tài chính) nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh số của các DN Việt Nam. 

Sáu là, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Khi tất cả các hoạt động của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp đều thực hiện trên không gian mạng, vấn đề an toàn thông tin sẽ là điều kiện tiên quyết để CĐS. Đây có thể là một dư địa lớn cho các doanh nghiệp Việt phát triển lĩnh vực an ninh mạng bên cạnh việc hợp tác với những tập đoàn lớn của nước ngoài.

Bảy là, đề xuất Chính phủ thành lập Bộ Kinh tế số để quản lý, tổ chức, thúc đẩy, điều phối, thực hiện hoặc phát triển các lĩnh vực số tiến tới hình thành nền kinh tế số của Việt Nam. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nòng cốt là CĐS sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội, quản trị quốc gia. Bộ Kinh tế số này đảm nhận việc xây dựng hạ tầng số, các nền tảng số cho kinh tế số, cho các ngành kinh tế, xã hội.

1. Biên soạn của các tác giả -Natalja VERINA, Jelena TITKO (2019), Digital Transformation: Conceptual Framework, http://cibmee.vgtu.lt/index.php/verslas/2019/paper/ viewFile/191/197, truy cập ngày 2-5-2021.

2. Sự khác biệt giữa số hóa và CĐS, https://engma.com.vn/su-khac-biet-giua-so- hoa-va-chuyen-doi-so-454.html.

3. Dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia, https://aita.gov. vn/0C5A6A3C94D14963A3EE7AB06DC81D07.pdf, truy cập ngày 2-5-2021.

4. Ministry of Enterprise and Innovation (2017), For sustainable digital transformation in Sweden - a Digital Strategy, https://www.government.se/49c292/ contentassets/117aec2b9bf44d758564506c2d99e825/2017_digitaliseringsstrategin_ faktablad_eng_webb-2.pdf, truy cập ngày 29-7-2021.

5. UK Digital Strategy (2017), https://www.gov.uk/government/publications/uk-digital- strategy, truy cập ngày 1-8-2021.

6. IMD WORLD DIGITAL COMPETITIVENESS RANKING 2020, https://digitalswitzerland.com/ wp-content/uploads/2020/10/digital_2020.pdf, truy cập ngày 2-9-2021.

7. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Thematic chapters, https://innogrowth.org/wp-content/uploads/2020/07/DESI-2020.pdf, truy cập ngày 2-8-2021
8. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Sweden, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/digital-economy-and-society-index- desi-2020, truy cập ngày 2-8-2021.

9. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 United Kingdom, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/digital-economy-and-society-index- desi-2020, truy cập ngày 2-8-2021.

10. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Sweden, Tlđd.

11. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 United Kingdom, Tlđd.

12. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Sweden, Tlđd. 13. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 United Kingdom, Tlđd.
14. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Sweden, Tlđd. 15. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 United Kingdom, Tlđd.

16. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 United Kingdom, Tlđd .

17. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Sweden, Tlđd. 18. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Sweden, Tlđd. 19. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 United Kingdom, Tlđd.

20. Cisco VNI (2017), “VNI mobile forecast highlights for Sweden, 2016-2021”, Cisco, https:// www.cisco.com/assets/sol/sp/vni/forecast_highlights_mobile/#~Country, truy cập ngày 20-7- 2021.
21. OECD Reviews of Digital Transformation Going Digital in Sweden,

https://www.oecd-ilibrary.org/docserver/9789264302259-enpdf?expires=1628868491&id= id&accname=guest&checksum=7D453725BE6FF993F51838E225F6CD4C, truy cập ngày 20- 7-2021.
22. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Thematic chapters, https://innogrowth.org/wp-content/uploads/2020/07/DESI-2020.pdf, truy cập ngày 2-8-2021.

23. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Sweden, Tlđd.

24. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 United Kingdom, Tlđd.

25. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Thematic chapters, TLđd.

26. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Sweden, Tlđd.

27. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Thematic chapters, Tlđd.

28. AI in 4 Nordic countries, https://www.nhh.no/contentassets/2ab1d13fcc13453291a8f0fca 1793712/ai-in-the-nordic-countries.pdf, truy cập ngày 5-8-2021.

29. https://www.skolahemma.se/.

30. Hack for Sweden, https://www.digg.se/utveckling-av-digital-forvaltning/hack-for-sweden, truy cập ngày 10-8-2021.

31. Utökade digitala kontaktvägar för att värna psykisk hälsa (2020),

https://www.regeringen.se/pressmeddelanden/2020/04/utokade-digitala-kontaktvagar- for-att-varna-psykisk-halsa/, truy cập ngày 10-8-2021.


Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định 749/QĐ - TTg năm 2020 về Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe- thongtin/Quyet-dinh-749-QD-TTg-2020-phe-duyet-Chuong-trinh-Chuyen-doi-so-quoc- gia-444136.aspx, truy cập 2-8-2021.
2. https://aita.gov.vn/0C5A6A3C94D14963A3EE7AB06DC81D07.pdf,
3. Digital Transformation: Conceptual Framework, http://cibmee.vgtu.lt/index.php/verslas/2019/paper/viewFile/191/197,
4. Ministry of Enterprise and Innovation (2017), For sustainable digital transformation in https://innogrowth.org/wp-content/uploads/2020/07/DESI-2020.pdf
Sweden – a Digital Strategy, https://www.government.se/49c292/
contentassets/117aec2b9bf44d758564506c2d99e825/2017_digitaliseringsstrategin_
faktablad_eng_webb-2.pdf,
5. UK Digital Strategy (2017), https://www.gov.uk/government/publications/uk-digital-strategy, European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Sweden,
https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/digital-economy-and-society-index- desi-2020,
6. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 United Kingdom, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/library/digital-economy-and-society- index-desi-2020,

7. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Thematic chapters,

8. European commission (2020), Digital Economy and Society Index (DESI) 2020 Thematic chapters, https://innogrowth.org/wp-content/uploads/2020/07/DESI-2020.pdf

9.AIin4Nordiccountries, https://www.nhh.no/contentassets/2ab1d13fcc13453291a8f0fca 1793712/ai-in-the-nordic-countries.pdf,
10. Cisco VNI (2017), “VNI mobile forecast highlights for Sweden, 2016-2021”, https://www. cisco.com/assets/sol/sp/vni/forecast_highlights_mobile/#~Country,
11. OECDReviewsofDigitalTransformationGoingDigitalinSweden, https://www.oecd-ilibrary.org/docserver/9789264302259-en. pdf?expires=1628868491&id=id&accname=guest&checksum=7D453725BE6FF993F518
38E225F6CD4C,

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 - Tháng 10/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
7 đề xuất cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO