70 năm Ngành Bưu điện Việt Nam: Thông tin liên lạc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp

03/11/2015 20:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Kỳ 2: 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp - Để phục vụ cho nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích rộng khắp, phá kế hoạch bình định của địch, sau khi rút khỏi các đô thị, trở về vùng căn cứ, Ngành đã nhanh chóng xây dựng và phát triển các đường thư, đường điện báo, điện thoại, các đài vô tuyến điện


Lù, gùi, thuổng và ống đựng nước giao thông viên dùng trong 9 năm
kháng chiến chống thực dân Pháp được lưu giữ tại Phòng Truyền thống
Bưu Điện Sơn La.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến, mở ra Kỷ nguyên mới độc lập tự do với sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.

Ngành Giao thông Bưu điện với một đội ngũ kiên trung, kế thừa công tác giao thông thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, tiếp nhận mạng thông tin hiện có, đảm nhiệm thông tin liên lạc phục vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, phục vụ  nhân dân.

Ngày 17/1/1946, Hồ Chủ Tịch đã đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ. Bác đã đi thăm mọi phòng làm việc, căn dặn cán bộ, viên chức đi làm đúng giờ, cố gắng vượt qua khó khăn để vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Quán triệt đường lối chỉ đạo của Đảng và lời kêu gọi của Bác Hồ, ngành Giao thông Bưu điện nhanh chóng chuyển hướng để đáp ứng yêu cầu thông tin thời chiến. Bước vào cuộc kháng chiến, ngành Giao thông Bưu điện gặp nhiều khó khăn. Ngoài Ban giao thông của Đảng còn có Ban giao thông quân sự, Ban phân phối tài liệu của Mặt trận Việt Minh, Ban giao thông Công An, Ban giao thông Tổng Liên Đoàn Lao Động, Tổ chức Vô tuyến điện thuộc Bộ Quốc Phòng, ngành Bưu Điện,…

Chiến tranh càng mở rộng, tổ chức như trên càng “bộc lộ nhược điểm phân tán, thiếu phối hợp hiệp đồng, nhất là về người và phương tiện”. Đáng chú ý là ngành Bưu điện (từ chính quyền cũ chuyển sang) chưa kịp củng cố, rèn luyện, đã phải bước vào kháng chiến nên còn gặp khó khăn. Về cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động thì hầu như trắng tay (như ở Hà Nội, khi rút khỏi thành phố chỉ có 20 km đôi dây, 17 máy điện thoại và một vài máy vô tuyến điện cũ…). Phương thức hoạt động chủ yếu là “đôi chân” và “đôi vai” của người chiến sỹ giao thông.

Trước tình hình mới, hội nghị cán bộ trung ương (từ 3-6/4/1947) đã quyết nghị “Giao thông liên lạc họp ngay một cuộc hội nghị của ba hệ thống giao thông (quốc phòng, hành chính và đoàn thể) để nghiên cứu việc thống nhất và chấn chỉnh hệ thống giao thông liên lạc toàn quốc. Về vô tuyến điện sắm thêm máy móc, dùng người tin cẩn, đào tạo thêm người chuyên môn, năng thay đổi mật mã. Hết sức tận dụng vô tuyến điện làm phương tiện liên lạc để chỉ đạo’’ [5].

Chấp hành sự chỉ đạo của Đảng, ngày 28/6/1947, Bộ Giao thông Công chính ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện thành 3 Nha Bưu điện. Ở Trung ương có Nha Tổng Giám đốc, dưới Nha Tổng giám đốc có 3 Nha giám đốc ở 3 miền.

Chày giã gạo và ống đựng công văn, tài liệu được dùng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp được lưu giữ tại Phòng Truyền thống Bưu Điện Sơn La.

Ngày 15/10/1947, Trung ương lại có chỉ thị phải cắt đứt giao thông liên lạc của địch “Củng cố giao thông liên lạc theo một hệ thống linh động và bán công khai hay bí mật; thay mật mã và giờ liên lạc của các điện đài, quân sự hóa các cơ quan điện đài có mật mã…” [6].

Từ năm 1948, việc kiện toàn các tổ chức thông tin liên lạc được tiến hành khẩn trương hơn. Ngày 2/4/1948, Chính phủ ra Nghị định số 33 về Tổ chức Bưu điện trong thời kỳ kháng chiến. Tháng 5/1948, Bộ Giao thông Công chính ra quyết định sáp nhập Bưu điện với Ban giao thông kháng khiến lấy Ban Giao thông làm nòng cốt lấy tên là Nha Bưu Điện Việt Nam.

Tiếp tục hợp lý về mặt tổ chức, ngày 12/6/1951, Chính phủ quyết định sáp nhập vô tuyến điện hành chính vào ngành Bưu điện. Nha Bưu điện đổi thành Nha Bưu điện – Vô tuyến điện Việt Nam. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 32/SL, bổ nhiệm đồng chí Trần Quang Bình, Nguyên giám đốc Nha Bưu điện Việt Nam giữ chức Giám đốc Nha Bưu Điện – Vô tuyến điện Việt Nam.

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến trong giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công, cuối tháng 6 đầu tháng 7/1951, hội nghị cán bộ Bưu Điện – Vô tuyến điện toàn quốc họp đề ra “Nhiệm vụ tích cực kiện toàn và chấn chỉnh tổ chức, củng cố các hệ thống thông tin liên lạc…”. Sau Hội nghị này, trên cơ sở Ban Hỏa Tốc, hệ thống Bưu điện đặc biệt được thành lập từ trung ương đến tỉnh, huyện, nhằm tăng cường phục vụ cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.

Trên cơ sở hệ thống tổ chức không ngừng được kiện toàn, các mặt hoạt động của Ngành trên mọi miền của đất nước có thêm nhiều thuận lợi và thu được những thành tích đáng phấn khởi.

Ở vùng địch hậu, từ vùng bị địch chiếm sâu, kiểm soát hết sức ngặt nghèo, vây ráp, tuần tiễu thường xuyên, đến vùng du kích nơi ta và địch giằng co, tranh chấp nhau quyết liệt và vùng căn cứ du kích nơi địch thực hiện chính sách “Tam quang” (giết sạch, đốt sạch, phá sạch), hoạt động giao thông liên lạc bao gồm: tổ chức cơ sở, tổ chức trạm, đường thư khắp các nẻo đường địch hậu. Từ vùng địch hậu ra vùng tự do và ngược lại hoạt động ngày đêm chuyển phát công văn, thư từ, tài liệu, báo chí đưa đón cán bộ (kể cả bộ đội, dân công), thậm chí cả tù, hàng binh. Ngoài ra, anh chị em hoạt động vùng tạm bị chiếm sâu còn phải kiêm nhiệm xây dựng cơ sở, trình báo, binh vận.

Trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc, nhiều tên đường, tên địa phương còn ghi mãi chiến công của những chiến sỹ giao thông liên lạc như: Đường I, đường 5, đường 6,… đường khu IV, Bình Trị Thiên, Dốc Bụt, Dốc Ken, Đường Trường Sơn, Liên khu V, Quảng Nam, Đà Nẵng, dốc Mỏ Cao, dốc Lệch Cực Nam Trung Bộ, Sông Tiều, sông Hậu, miền Tây Nam Bộ. Đường Trường Sơn mãi mãi nổi bật hình ảnh liệt sỹ Huỳnh Cương (Quảng Nam), người giao liên lạc lập công đầu mở đường giao liên vượt Trường Sơn, nối thông đường liên lạc Bắc – Nam trong những ngày đầu kháng chiến.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ngày càng phát triển nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do địch gây ra. Để phục vụ cho nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích rộng khắp, phá kế hoạch bình định của địch, sau khi rút khỏi các đô thị, trở về vùng căn cứ, Ngành đã nhanh chóng xây dựng và phát triển các đường thư, đường điện báo, điện thoại, các đài vô tuyến điện. Về đường thư nội huyện, nội tỉnh chạy dây chuyển liên tục ngày đêm, tốc độ tăng từ 30 km lên 60 km một ngày. Mỗi giao thông viên mang nặng trung bình từ 20 đến 30 kg công văn tài liệu. Đường vào Khu V trước đi 3 tháng, sau chỉ mất 15 đến 20 ngày. Đường vào Nam Bộ trước đi 6 tháng sau rút xuống 3 tháng. Đến năm 1950 – 1951 đã có trên 3.000 km đường thư xe đạp, góp phần tăng tốc độ hành trình thư báo nhanh gấp 2 – 3 lần. Về thông tin điện báo, điện thoại, ngoài các mạng nội bộ ở các khu Việt Bắc, Khu 3, Khu 4, Khu 5, mạng đường trục liên tỉnh dài trên 300 km liên lạc từ Trung ương đến Khu 3, Khu 4. Theo số liệu ban đầu, đường dây điện báo, điện thoại lên tới 9.144 km. Hệ thống đài thu phát vô tuyến điện phát triển, nhất là ở miền Nam đã có tới 40 đài. Nhờ sự phát triển hệ thống thông tin điện báo và điện thoại nên trong các chiến dịch ta đã đưa hàng trăm km đường dây điện báo, điện thoại vào vùng căn cứ du kích, phục vụ chiến đấu. Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ trong 10 ngày, Ngành đã xây dựng xong một đường dây thông tin trên 200 km vào trận địa.

Hệ thống đài vô tuyến điện được đặt từ Trung ương đến các khu, các tỉnh

Về mặt tự trang, tự chế thiết bị, phương tiện thông tin trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, nghèo nàn, cơ xưởng Bưu Điện Trung ương được thành lập năm 1950, vượt qua mọi khó khăn đã sửa chữa được máy điện thoại, điện báo, tự lắp được tổng đài điện thoại. Cơ xưởng Khu 5 ngoài việc tự chế được tổng đài điện thoại đã có sáng kiến kéo dây kim loại từ cỡ to thành cỡ nhỏ, phục vụ cho việc xây dựng đường dây. Cơ xưởng Nam Bộ tự lắp được đài vô tuyến điện, cơ xưởng khu 4 tự lắp thành công máy điện thoại từ thạch.

Qua 9 năm phục vụ công cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, ngành Bưu Điện đã có: hàng trăm đơn vị xuất sắc, hàng ngàn chiến sỹ thi đua, cá nhân xuất sắc. Rất nhiều Ty, Sở Bưu điện được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Tính đến năm 1954, toàn Ngành có:

- 698 chiến sỹ thi đua trong đó có 109 được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Lao động, Huân chương chiến sỹ

- 128 chiến sỹ thi đua toàn quốc (1952), chiếm 16% tổng số chiến sỹ thi đua các ngành. Nổi bật là nữ đồng chí Nguyễn Thị Điều được Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1952 lựa chọn là chiến sỹ thi đua số 1 vùng địch hậu của tất cả các ngành công nghiệp, được Bác Hồ viết một bài thơ ca ngợi đăng ở báo Nhân Dân với câu kết:

“Mấy phen chìm nổi lênh đênh

Một lòng một dạ trung trinh không sờn”.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
70 năm Ngành Bưu điện Việt Nam: Thông tin liên lạc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO