Trong những ngày tháng 8 lịch sử và kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) (28/8/1945 - 28/8/2022), ngày 19/8/2022, Bộ TT&TT đã tổ chức gặp mặt cán bộ hưu trí khu vực phía Bắc nhân kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành TT&TT, 20 năm Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT), 15 năm Bộ TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng đã tham dự buổi gặp mặt.
Tham dự buổi gặp mặt còn có nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Nguyễn Huy Luận, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Đỗ Trung Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Đặng Đình Lâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Phan Khắc Hải, các nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Nguyễn Minh Hồng, Phạm Hồng Hải, Nguyễn Thành Hưng.
CĐS quốc gia là một chủ trương đúng
Tại buổi gặp mặt, nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá đã xúc động chia sẻ về các cột mốc, các kỷ niệm về việc ngành TT&TT đã được xây dựng và phát triển qua các thời kỳ từ Tổng cục Bưu điện đến Bộ Bưu chính Viễn thông và nay là Bộ TT&TT, trong đó công nghệ thông tin (CNTT) là một lĩnh vực quan trọng đã được giao cho ngành quản lý.
Nguyên Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cũng cho biết doanh thu của Ngành năm 1998 đạt 1 tỷ USD. Đến năm 2021 doanh thu của Ngành đã đạt khoảng 20 tỷ USD và ngành đặt mục tiêu đến năm 2025 hơn 100 tỷ USD. "Đây là bước tiến và phấn đấu cực lớn của Ngành".
Theo nguyên Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, ngành TT&TT hiện nay cũng tham gia thúc đẩy kinh tế số, một lĩnh vực được đẩy mạnh sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Ngành vẫn duy trì và phát huy truyền thống 10 chữ vàng "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Nghĩa tình".
"Việc khởi động chuyển đổi số (CĐS) quốc gia mà Ngành dẫn dắt là một chủ trương đúng và cả nước đang cùng CĐS. Chúc Bộ TT&TT tiến xa hơn nữa và phát triển. Thế hệ cán bộ đi sau kế tiếp thế hệ trước, tạo động lực phát triển của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0", nguyên Bộ trưởng Đỗ Trung Tá nhấn mạnh.
Cũng tại buổi gặp mặt, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Phan Khắc Hải chia sẻ sự phát triển mạnh mẽ của báo chí và những người làm báo nhờ sự phát triển của CNTT. Đội ngũ báo chí tâm huyết, theo cùng với sự thật. Nhân dân tin tưởng báo chí, theo đó, Ngành cần cần nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức người làm báo nhất là quan tâm đến thế hệ trẻ.
Với những tâm huyết đối với sự phát triển ngành, ông Nguyễn Tăng Liên, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Bưu điện Việt Nam và bà Đoàn Thị Đấu, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn ngành Bưu điện đã chia sẻ ngành Bưu điện là ngành có các cán bộ có trình độ, làm việc với con tim, khối óc đầy nhiệt huyết vì sự phát triển của Ngành.
Tiếp bước truyền thống đầy tự hào
Xúc động trước những chia sẻ của các cán bộ trong Ngành, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các trao đổi hôm nay của các cán bộ hưu trí có rất nhiều nội dung quý báu cần nghiên cứu, học hỏi để áp dụng cho công việc ngày hôm nay của Bộ.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Bất kỳ một tổ chức nào nếu không giữ được cội nguồn thì khó đi xa. Ngành TT&TT luôn giữ gốc truyền thống và từ đó đi tiếp, đi xa".
Theo Bộ trưởng, Bộ TT&TT là bộ đa ngành, quản lý báo chí, xuất bản, bưu điện, CNTT, CĐS, kinh tế số. Ngôi nhà của ngành đang mở rộng. CNTT là đại diện của CMCN 3.0, CĐS đại diện cho CMCN 4.0. "Có thể nói rất tự hào các CMCN gần đây, đại diện cao nhất cho sự phát triển của nhân loại, đều có lĩnh vực của ngành".
Bộ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định mới về chức năng nhiệm vụ của Bộ TT&TT, theo đó, có nhiều đơn vị mới như: Cục CĐS quốc gia, phụ trách lĩnh vực CĐS quốc gia; Vụ Kinh tế số quản lý lĩnh vực mới hoàn toàn của Bộ TT&TT. Kinh tế số đặt mục tiêu chiếm khoảng 60 - 65% về tăng trưởng GDP, chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế; Cục Công nghiệp CNTT-TT phụ trách ngành công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Nếu thuận lợi, lĩnh vực này sẽ đạt 152 tỷ USD trong năm nay.
Bộ trưởng cũng khẳng định Bộ TT&TT có vai trò và vị trí quan trọng trong sự phát triển đất nước khi các lĩnh vực do Ngành quản lý đều có định hướng, chiến lược phát triển mới.
Về lĩnh vực Bưu chính, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chiến lược quốc gia về phát triển bưu chính quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và trở thành hạ tầng vững chắc, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Lĩnh vực bưu chính phát triển lớn hơn viễn thông, tăng trưởng 30 - 35% và chuyển sang TMĐT.
Lĩnh vực Viễn thông chuyển thành hạ tầng số, phục vụ phát triển nền kinh tế. Lĩnh vực ứng dụng CNTT chuyển thành CĐS, dẫn dắt tiến trình CĐS quốc gia. Về lĩnh vực an toàn thông tin, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc về an toàn thông tin mạng. Về kinh tế số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược về phát triển kinh tế số - xã hội số. Lĩnh vực công nghiệp CNTT - truyền thông sẽ phấn đấu trở thành ngành công nghiệp lớn nhất của đất nước.
Trong khi đó, báo chí có chiến lược CĐS, có sứ mệnh mới là khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, biến thành sức mạnh tinh thần để Việt Nam bay lên. Lĩnh vực xuất bản có chiến lược xuất bản sách điện tử.
Bộ trưởng khẳng định: "77 năm qua các thế hệ ngành TT&TT đã liên tục kế thừa quá khứ và mở ra tương lai để trở thành một dòng chảy liên tục. Từ năm 1945, lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, bưu chính, viễn thông nằm trong nhiều Bộ ngành, nhưng từ năm 2007, do sự phát triển mạnh mẽ của Internet, của công nghệ số, của truyền thông số, các lĩnh vực báo chí, xuất bản, bưu chính viễn thông đã về chung một ngôi nhà là Bộ TT&TT".
Nối tiếp truyền thống của Ngành, 10 chữ vàng của Ngành là "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" được bổ sung thêm nội hàm. Theo đó, "Trung thành" là với sự nghiệp đổi mới của Đảng, trung thành với sự nghiệp sánh vai với cường quốc 5 châu; "Dũng cảm" là dấn thân, tiên phong, đi đầu vào những vùng đất mới, phát triển xanh, chuyển đổi số; "Tận tuỵ" là làm việc có trách nhiệm, làm đến nơi, ra kết quả; "Sáng tạo" là CĐS, đổi mới sáng tạo và đổi mới lần hai (đổi mới lần đầu của Ngành là vào năm 1986); "Nghĩa tình" là tri ân quá khứ và không quên các cán bộ đã làm việc trong Ngành.
Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Các thế hệ những người làm báo chí, xuất bản, bưu điện đã đi cùng với đất nước trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc xây dựng đất nước, trong sự nghiệp đổi mới, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, hàng vạn cán bộ chiến sỹ, giao bưu thông tin, hàng ngàn nhà báo, phóng viên đã hy sinh, để lại một phần cơ thể mình trên các chiến trường. Truyền thống, văn hóa của Ngành như bộ gen được di truyền, để từ đó mỗi thế hệ đều viết nên câu chuyện của mình, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp của Ngành, của cách mạng.
Ngành TT&TT tiên phong đi đầu
Bộ trưởng cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21. Đây là khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng sánh vai cường quốc 5 châu của dân tộc ta. Ngành TT&TT một bên là sách, là báo, thổi lên khát vọng hùng cường Việt Nam, để trở thành sức mạnh tinh thần cho dân tộc và một bên là công nghệ số, hạ tầng số, tạo thành cơ sở vật chất để CĐS Việt Nam, góp phần quan trọng cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
"Ngành TT&TT có thể đi nhanh hơn, đi trước, sáng vai với cường quốc 5 châu và Ngành đã đặt ra mục tiêu sẽ sánh vai cường quốc 5 châu vào năm 2030, tức là đi trước đất nước 15 năm".
Cũng theo Bộ trưởng: "Lý tưởng lớn, khát vọng lớn, niềm tin lớn sẽ tạo ra sức mạnh của đất nước, đây là niềm tin của thế hệ trẻ ngày hôm nay. Báo chí cách mạng luôn tiên phong đi đầu, giao bưu thông tin, bưu điện, CNTT, và nay là CĐS cũng luôn tiên phong đi đầu.
Báo chí, xuất bản và bưu điện đã đi đầu trong công cuộc đổi mới của đất nước và đổi mới thành công. Phổ cập điện thoại, phổ cập Internet, phổ cập sách, báo đến mọi người dân Việt Nam là một trong số rất nhiều đóng góp của ngành TT&TT. Lực lượng báo chí cách mạng và lực lượng bưu điện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương cao quý nhất - Huân chương Sao Vàng. Lực lượng xuất bản được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Phát huy truyền thống quý báu đó, ngành TT&TT tiếp tục tiên phong đi đầu trong cuộc CMCN lần thứ 4, tiếp tục đổi mới và sẽ đổi mới thành công.
Bộ trưởng khẳng định: "Tiên phong đi đầu và 10 chữ vàng Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình là những giá trị cốt lõi của ngành TT&TT. Càng muốn đi xa càng phải giữ cái gốc nhà mình. Trong chặng đường phát triển của mình, từ cả những thành công và thất bại, chúng ta đã rút ra được những bài học sâu sắc để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của Ngành, sự bứt phá vươn lên của Ngành TT&TT những năm gần đây đã minh chứng cho khả năng phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, vấp ngã để cùng viết lên trang sử mới vẻ vang hơn"./.