95,54% người dùng bị làm phiền bởi cuộc gọi rác
Đó là con số được đưa ra trong Báo cáo tổng kết An ninh mạng năm 2024 vừa được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) công bố. Báo cáo đã thực hiện khảo sát ở khu vực người dùng cá nhân, theo hình thức trực tuyến, từ ngày 28/11 - 14/12, thu hút trên 59.000 người tham gia.
Cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn là vấn nạn nhức nhối
Trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng đài phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo (Tổng đài 156/5656) của Bộ TT&TT đã ghi nhận gần 850.000 lượt phản ánh của người sử dụng. Trong đó, có khoảng 185.000 lượt phản ánh liên quan đến tin nhắn rác, chiếm 22%; 441.000 lượt phản ánh về cuộc gọi rác chiếm tỷ lệ 52% và 222.000 phản ánh về các cuộc gọi lừa đảo, chiếm tỷ lệ 26%.
Qua kiểm tra, Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT đã đưa ra thống kê, 25% trong số này là các cuộc gọi nháy máy làm phiền, 20% liên quan đến đòi nợ, tín dụng, 20% là các quảng cáo dịch vụ du lịch, bất động sản,... Đáng chú ý, khoảng 15% số phản ánh đến từ các vụ lừa đảo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ làm việc trực tuyến (online), điểm danh nhận quà, đầu tư chứng khoán, mạo danh cơ quan nhà nước như công an, tòa án, ngân hàng, điện lực,...
Theo các cơ quan chức năng, hiện nay, các đối tượng lừa đảo ngày càng gia tăng hoạt động với nhiều chiêu trò tinh vi nhằm lừa gạt người dân, đặc biệt là thủ đoạn giả danh công an, nhân viên công ty điện lực, ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các đối tượng gọi điện thoại tự xưng là công an yêu cầu công dân chụp ảnh, cung cấp thông tin cá nhân như căn cước cá nhân,…hoặc các giấy tờ khác… Lấy lý do để kích hoạt giúp tài khoản định danh điện tử, không cần đến cơ quan công an, các đối tượng xấu yêu cầu người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VneID (thực tế là ứng dụng độc hại do kẻ xấu tạo ra).
Do không nắm được thông tin, một số người đã cung cấp các thông tin cá nhân quan trọng liên quan đến số điện thoại, số tài khoản và bị các đối tượng lợi dụng, chiếm quyền sử dụng điện thoại, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Hay một mánh khóe khác phổ biến là gọi điện tự xưng là cán bộ điện lực, thông báo rằng người dân chưa thanh toán tiền điện và đe dọa sẽ cắt điện nếu không thực hiện ngay lập tức. Lợi dụng tính cấp bách của thông báo và tâm lý lo sợ, hoang mang của người dân, những kẻ lừa đảo yêu cầu chuyển khoản qua một mã QR lạ hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để thanh toán tiền điện.
Khi người dân làm theo, không chỉ tiền trong tài khoản bị chiếm đoạt, mà các thông tin nhạy cảm khác cũng có nguy cơ bị lộ lọt. Thậm chí, việc truy cập vào đường link hoặc mã QR lạ có thể khiến thiết bị của người dân bị kiểm soát từ xa, mở đường cho những hành vi xâm phạm nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, các đối tượng này còn giả mạo là nhân viên ngân hàng gọi điện/nhắn tin mời chào mở thẻ tín dụng, thẻ phi vật lý online và hướng dẫn khách hàng nộp tiền vào tài khoản, sử dụng các dịch vụ thẻ. Sau khi click vào link giả mạo sẽ được tiếp tục yêu cầu nhập thông tin cá nhân như: Họ và tên, CMT/CCCD, chụp ảnh CMT/CCCD 2 mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ và OTP gửi về số điện thoại, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng…. Ngay sau khi nhập/cung cấp mã OTP, kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Cuộc chiến chưa hồi kết
Theo báo cáo tổng kết An ninh mạng năm 2024 do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) công bố ngày 16/12, chỉ có 4,46% người dùng tham gia khảo sát cho biết không bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác (spam) trong năm 2024. Có tới 95,54% người dùng đã bị làm phiền bởi các cuộc gọi không mong muốn, trong đó 52,96% thỉnh thoảng bị làm phiền với tần suất trung bình vài cuộc gọi mỗi tháng, 42,58% thường xuyên nhận được cuộc gọi spam hàng tuần.
Thống kê từ hệ thống nTrust, giải pháp phòng chống lừa đảo của Hiệp hội, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2024 đã ghi nhận 134.000 báo cáo liên quan đến các số điện thoại lừa đảo. Hệ thống nTrust cũng liên tục phải cập nhật mới các số điện thoại lừa đảo, làm phiền, danh sách cập nhật trong năm 2024 lên tới 296.000 số điện thoại spam, lừa đảo.
Trong thời gian quan, Bộ TT&TT đã tăng cường thanh tra, kiểm tra về chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác; về hoạt động đăng ký, lưu trữ, sử dụng thông tin thuê bao di động, đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường, mục đích sử dụng không rõ ràng, không phù hợp với nhu cầu thực tế để xử lý mạnh tay các số điện thoại rác, ngăn chặn tình trạng spam. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng các đối tượng thuê người dân đăng ký số điện thoại bằng thông tin chính chủ, sau đó mua lại chúng để sử dụng. Các đối tượng sau đó cắm sim vào thiết bị chuyên dụng, sử dụng phần mềm trên máy tính để thực hiện hàng chục cuộc gọi cùng lúc.
NCA khuyến cáo, người dùng cần cẩn trọng, không bắt chuyện với các cuộc gọi không có số định danh (brand name) hoặc không có trong danh bạ (số lạ). Lưu ý rằng các cơ quan quản lý nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại. Kết thúc ngay cuộc gọi nếu thấy nội dung không liên quan tới nhu cầu của mình để tránh bị lừa đảo. Có thể sử dụng các tính năng chặn cuộc gọi có trên điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng chặn cuộc gọi spam như nTrust để bảo vệ tự động.
Trong khi đó, theo Trung tâm VNCERT/CC, người dân cần cẩn trọng trước mọi thông tin khi chưa được xác thực để tránh những rủi ro không đáng có. Trước thực trạng các tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo diễn ra, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) thực hiện phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý nếu có hiện tượng trên. Ngoài ra, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời./.