Ấn Độ đề xuất các quy định thương mại điện tử mới tập trung vào bảo vệ dữ liệu

Hoàng Linh| 26/02/2019 09:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Ấn Độ đã xây dựng một dự thảo chính sách mới cho lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nóng ở nước này, tập trung vào nội địa hóa dữ liệu, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và chống lại việc bán hàng giả.

Dự thảo chính sách mang tính tổng thể này, có khả năng làm tăng các chi phí vận hành cho lĩnh vực này, diễn ra hai tháng sau khi nước này điều chỉnh các quy định quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TMĐT.

Điều này buộc các “đại gia” bán lẻ như Amazon và Flipkart thuộc sở hữu của Walmart phải cơ cấu lại các hoạt động của họ tại Ấn Độ và những sửa đổi quy định mới sẽ làm thay đổi lĩnh vực này căn bản.

Trong tương lai, hoạt động kinh tế có thể sẽ dựa vào dữ liệu. Do đó, điều quan trọng là chúng tôi giữ quyền kiểm soát dữ liệu để đảm bảo tạo việc làm trong Ấn Độ”, tài liệu dự thảo chính sách cho biết.

Các quy định mới yêu cầu việc đặt nhiều trung tâm dữ liệu và máy chủ tại địa phương, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này là một trong những thị trường trực tuyến phát triển nhanh nhất thế giới.

Ngân hàng trung ương Ấn Độ năm 2018 đã buộc các nhà cung cấp thanh toán như Mastercard và Visa lưu trữ dữ liệu của người dùng Ấn Độ ở trong nước.

Dự thảo chính sách cũng cho biết: “Sẽ phải thực hiện các bước để phát triển khả năng lưu trữ dữ liệu ở Ấn Độ. Lĩnh vực TMĐT sẽ có 3 năm để thực hiện điều chỉnh yêu cầu lưu trữ dữ liệu”.

Các quy định được đề xuất cũng tìm cách tạo ra một khung pháp lý và công nghệ, nhằm áp đặt các hạn chế đối với luồng dữ liệu xuyên biên giới do người dùng tạo ra. Các động thái này có thể ảnh hưởng không chỉ đến các nền tảng TMĐT mà cả các công ty truyền thông xã hội như Google và Facebook.

Dự thảo quy định mới cũng buộc tất cả các công ty TMĐT cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu của họ được lưu trữ ở nước ngoài bất cứ khi nào có yêu cầu chính thức. Dự thảo này được đưa ra vào thời điểm Ấn Độ đang thực hiện luật bảo mật dữ liệu rộng hơn, đồng thời cấm các công ty chia sẻ dữ liệu được lưu trữ ở nước ngoài với các doanh nghiệp khác ngay cả khi có sự đồng ý của người dùng.

Các đề xuất khác bao gồm bắt buộc tất cả các trang web hoặc các ứng dụng TMĐT hoạt động ở Ấn Độ phải có một thực thể kinh doanh được đăng ký tại địa phương và tăng trách nhiệm của người tham gia vào TMĐT nhằm đảm bảo các sản phẩm được bán trên nền tảng của họ không bị làm giả hoặc vi phạm bản quyền.

Dự kiến dự thảo sẽ được lấy ý kiến từ ngày 9/3, sau đó các quy định có thể được chính thức hóa.

Bài liên quan
  • Hệ thống Aadhaar của Ấn Độ: Chuẩn mực về nhận dạng và quản trị số
    Aadhaar là hệ thống nhận dạng sinh trắc học tại Ấn Độ, cung cấp mã số nhận dạng gồm 12 chữ số duy nhất cho người dân dựa trên dữ liệu sinh trắc học và nhân khẩu học của họ. Mã số này do Cơ quan Nhận dạng thống nhất của Ấn Độ (UIDAI) cấp và được sử dụng để xác minh danh tính trong nhiều dịch vụ khác nhau.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ấn Độ đề xuất các quy định thương mại điện tử mới tập trung vào bảo vệ dữ liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO