An toàn, an ninh mạng không để cảm xúc, sự nể nang chi phối
Nếu người dùng mạng không tỉnh táo, hay động lòng, xúc động trước những câu chuyện được thêu dệt gắn tên “từ thiện”, “việc tốt” trên môi trường mạng... thì có thể, chúng ta có thể trở thành những nạn nhân của những kịch bản, trò lừa đảo “khéo léo” trên mạng.
Do đó để sử dụng mạng an toàn, chúng ta cần không để cảm xúc, sự nể nang chi phối. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc phát triển đối tác, Công ty CP công nghệ an ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) chia sẻ khi nói về tình trạng sử dụng mạng và những rủi ro về bảo mật của người dùng hiện nay.
An toàn, an ninh mạng không để cảm xúc, sự nể nang chi phối
Hiện nay, trong xu hướng số hoá, đa số người dùng mạng coi việc thanh toán số là công cụ văn minh, hữu ích giúp tăng tiện lợi, giảm thời gian giao dịch của các khách hàng. Vì những giá trị, lợi ích thuận này nên trách nhiệm giờ đây thuộc về lĩnh vực, ngành an toàn thông tin (ATTT) là rất lớn, nhất là vấn đề về bảo mật thông tin của người dùng mạng.
Ở quan điểm bao quát đánh giá trên, ông Nguyễn Thanh Bình còn cho biết, báo cáo từ một số công ty bảo mật uy tín trong nước và thế giới, việc bị lộ lọt thông tin của người dùng, khách hàng có tới 95% lỗi là do sự chủ quan của con người và lỗi kỹ thuật, các lý do bị lộ thông tin mạng còn lại là 5%.
Hơn nữa, các cuộc tấn công hệ thống bảo mật trên thế giới luôn có dấu hiệu tăng và gây thiệt hại to lớn về kinh tế, mất ổn định an ninh mạng và sự phát triển. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, bởi các cuộc tấn công mạng, lừa đảo thông qua tin nhắn, website, cuộc thoại... trong năm 2022 đã cho thấy dấu hiệu gia tăng 25%, gây thiệt hại về tài chính đến 90%, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực tài chính, tín dụng, ngân hàng.
Chỉ ra những nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trong vòng tròn khép kín giữa ba yếu tố (con người, công nghệ, quy trình) thì ở cả ba vẫn chưa đồng bộ, chặt chẽ vẫn còn đứt đoạn. “Đặc biệt còn điểm yếu, hạn chế là yếu tố con người”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Giải thích cụ thể về điều này, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng là phần nào do yếu tố nằm sâu trong con người bao gồm những bản chất, thói quen luôn cả tin vào những lời nói tốt đẹp, động lòng, xúc động trước những câu chuyện được thêu dệt gắn tên “từ thiện”, “việc tốt”....
Rủi ro còn từ thói quen liều khám phá, mày mò, ngại thay đổi, thiên về cảm xúc, dễ hoang mang, sợ sệt... và vẫn mang nặng tư tưởng, văn hoá “tứ đại đồng đường” thiên về nể nang, đặt tình cảm, cảm xúc lên trên hết.
“Điều này chỉ tốt trong cuộc sống, ứng xử đời thường, thực tế là không phù hợp, dễ bị lợi dụng ở môi trường mạng, ảo, số”, ông Nguyễn Thanh Bình nêu quan điểm.
Chưa dừng lại, ở những quan điểm hạn chế trên, ông Nguyễn Thanh Bình còn cho rằng, hiện nay Việt Nam đang chiếm số lượng người sử dụng mạng Internet lớn. Hầu hết người dùng có điểm chung là dễ dự đoán, có kết nối, tương tác qua môi trường mạng lớn. Trung bình mỗi người sử dụng 2-3 thiết bị kết nối mạng. Trong khi đó, một bộ phận người dùng vẫn có thói quen sử dụng WiFi công cộng. Những điều này dễ gây tình trạng bị mất cắp các thông tin cá nhân khi đăng nhập.
Còn ở một khía cạnh khác, người dùng cá nhân hay các tổ chức sử dụng mạng, hệ thống thông tin khi cài đặt phần mềm đều không sử dụng các sản phẩm chính thống, uy tín hoặc thiếu cập nhật các bản vá bổ sung... Chính điều này khiến cho các tin tặc (hacker) dễ xâm nhập đánh cắp thông tin cá nhân và có cơ hội tấn công triệt để cho các mục tiêu xấu gia tăng.
Đưa ra con số cảnh báo đáng sợ về khả năng tấn công của các hacker đối với các tài khoản của khách hàng, người dùng, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, đối với các mật khẩu gồm 8 ký tự, số, chữ cái sẽ được bẻ khoá trong 39 phút và đối với mật khẩu gồm 11 ký tự bằng số sẽ bị mất chỉ trong vài phút mà thôi.
“Như vậy, đa số người dùng bình thường chỉ sử dụng mật khẩu ngắn, đơn giản nên các hacker luôn dễ dàng thực hiện việc đánh cắp thông tin dữ liệu, theo đó, mất ATTT mạng trở thành phổ biến, gia tăng”, ông Nguyễn Thanh Bình nêu nhận định.
Kết luận chung cho những rủi ro nêu trên, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng yếu tố con người là rất quan trọng, đặc biệt, ý thức và sự cảnh giác khi dùng mạng phải luôn đề cao.
“Khi nào chúng ta thực sự coi trọng quyền riêng tư của chính bản thân mình và người khác, nhất là ở trong những tình huống, môi trường mạng, số thì đây sẽ là “cánh cửa” khép đóng, ngăn cản các mưu đồ xấu của các hacker không thể tấn công”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Cần thúc đẩy, xây dựng mạnh mẽ các hoạt động “tường lửa”
Đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng mất ATTT trên môi trường mạng hiện nay, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng chúng ta cần: Tăng cường, trang bị, đào tạo những kiến thức cho người dùng mạng; phổ biến các kiến thức an toàn mạng ở phạm vi rộng toàn xã hội, mọi đối tượng; phải xem như là một thành tố chính trong chiến lược đảm bảo an toàn an ninh mạng quốc gia.
Mặt khác cần tăng cường hoạt động giáo dục và các chương trình học tập ATTT cộng đồng ngay trong các cấp, khối học nhà trường. Đặc biệt, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ, nhà cung cấp phần mềm... phải thường xuyên phối, kết hợp, hỗ trợ nhau để thúc đẩy, xây dựng hoạt động “tường lửa” cho môi trường an ninh, an toàn mạng ổn định, bền vững.
Đối với các tổ chức ngân hàng, tín dụng cần thúc đẩy mạnh mẽ việc gửi các tin nhắn, thông báo về các nội dung lừa đảo để người dùng, khách hàng được cảnh báo, nắm bắt thông tin, từ đó hình thành thói quen chủ động, đề phòng trước các phương thức lừa đảo mới xuất hiện.
“Các cơ quan quản lý, hiệp hội, Sở &TT các tỉnh, thành, địa phương... cần tăng cường công tác truyền thông để tăng điểm nhấn, xây dựng mốc thời gian để triển khai cụ thể các hoạt động, chương trình thường niên, thường xuyên về nội dung an toàn thông tin, đồng thời, cần phải gắn với nhiều nội dung, chủ đề trong kết nối, bảo vệ thiết bị mạng cho người dùng”, ông Nguyễn Thanh Bình nêu đề xuất./.