Diễn đàn

APEC 2023 bàn thảo trụ cột kỹ thuật số Thái Bình Dương mở rộng tiếp cận kết nối số

Hoàng Linh 13/11/2023 14:01

Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (TBD) (APEC) 2023 do Hoa Kỳ đăng cai và Tổng thống Joe Biden chủ trì sẽ diễn ra tại San Francisco từ 14 - 17/11/2023.

Với chủ đề “Tạo dựng một tương lai vững vàng và bền vững cho tất cả mọi người”, các nhà lãnh đạo, bộ trưởng và quan chức các nước APEC sẽ tiếp tục thúc đẩy công việc của APEC trên nhiều lĩnh vực chính sách trong năm nay bao gồm thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế số, năng lượng sạch và khí hậu, y tế, bình đẳng giới cũng như chống tham nhũng và an ninh lương thực.

apec-2023.jpeg
Ảnh: AFP

Được định hướng bởi ba ưu tiên của năm nay là kết nối, đổi mới và toàn diện, các quan chức cấp cao đã bắt đầu các cuộc thảo luận kéo dài 1 tuần theo 3 trụ cột: 1) Kỹ thuật số TBD (Digital Pacific pillar) để mở rộng khả năng tiếp cận kết nối số; 2) Bền vững để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và toàn diện; và 3) Tăng trưởng bao trùm và phục hồi để làm sâu sắc các quan hệ giữa các nền kinh tế và cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Đại sứ Matt Murray, Quan chức cấp cao của Hoa Kỳ tại APEC cho biết: “Việc đăng cai tổ chức APEC năm nay mang đến cho Hoa Kỳ cơ hội định hình các chính sách thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở một khu vực châu Á - TBD sôi động, nơi chiếm gần 40% dân số thế giới, gần một nửa thương mại toàn cầu và hơn 60% giá trị của nền kinh tế toàn cầu.

7 trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ là thành viên APEC. Đại sứ Murray cho biết các doanh nghiệp (DN) từ các nền kinh tế thành viên APEC đã đầu tư hơn 1,7 nghìn tỷ USD vào Hoa Kỳ, sử dụng 2,3 triệu người lao động Mỹ.

Đại sứ Murray cho biết thêm: “Sự tham gia thương mại và đầu tư này nhấn mạnh vai trò chiến lược của APEC trong quan hệ đối tác kinh tế của APEC vì diễn đàn này vẫn là nền tảng hàng đầu để thúc đẩy các chính sách kinh tế và thương mại, thúc đẩy các ý tưởng đổi mới và hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (SME)”.

“Bằng cách tích cực tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, các SME vượt qua các rào cản thương mại, mở rộng sự hiện diện, thúc đẩy đổi mới và tiếp cận các thị trường mới".

Sự kiện kéo dài 1 tuần này mà đỉnh cao là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC vào ngày 16 - 17/11, trong đó, các nhà lãnh đạo châu Á - TBD sẽ thiết lập chương trình nghị sự chiến lược và các mục tiêu khu vực cho năm tới do Tổng thống Biden chủ trì.

Trước Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vào ngày 13/11. Tại cuộc họp, các Bộ trưởng Tài chính tập trung vào các chính sách nhằm tăng sản lượng kinh tế dài hạn, đồng thời giải quyết những tiến bộ trong các mục tiêu xã hội như giảm bất bình đẳng và huỷ hoại về môi trường.

Vào ngày 14 - 15/11, Ngoại trưởng Anthony Blinken và Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai sẽ chủ trì các đối tác nước ngoài và thương mại tham dự Hội nghị Bộ trưởng APEC.

Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC cũng sẽ được tổ chức từ ngày 14 - 16/11, thu hút các lãnh đạo DN và doanh nhân từ khắp khu vực thảo luận về cách xây dựng tương lai được thúc đẩy bởi tính bền vững, hòa nhập, khả năng phục hồi và đổi mới.

TS. Rebecca Sta Maria, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC cho biết: “Về cốt lõi, APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên rất khác nhau về phát triển kinh tế và cơ cấu chính trị có thể trao đổi với những thách thức kinh tế cấp bách nhất, cân nhắc các vấn đề khó khăn và tìm ra điểm chung - tất cả để tới các sáng kiến hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn”.

Điều cần thiết trong tuần lễ APEC lần này là phải gắn kết các nền kinh tế thành viên lại với nhau, không tập trung vào những khác biệt, chia rẽ mà tập trung vào những gì đã làm trong vài năm qua để hội nhập kinh tế khu vực, cho giới trẻ, cho phụ nữ, cho người dân bản địa và cho các DN nhỏ của chúng tôi, và quan trọng nhất là cải thiện cuộc sống của người dân”, TS. Sta Maria trao đổi thêm.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm kể từ lần đầu tiên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC gặp nhau tại đảo Blake, Washington vào ngày 20/11/1993 khi Tổng thống Bill Clinton triệu tập nhóm các quốc gia đầu tiên của APEC để xây dựng nền tảng kinh tế mới cho khu vực châu Á - TBD nhằm khai thác khả năng của các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác và thúc đẩy thịnh vượng.

Việt Nam đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 14 - 17/11/2023.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng trả lời báo chí cho biết: Nhìn lại chặng đường 25 năm tham gia APEC, chúng ta có thể khẳng định, quyết định gia nhập APEC năm 1998 là một quyết định chiến lược trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đặt nền tảng cho hội nhập toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam cũng như của khu vực.

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình APEC. Có thể nhấn mạnh ba dấu ấn nổi bật, đó là:

Thứ nhất, Việt Nam là một trong số không nhiều các nền kinh tế hai lần được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đảm nhiệm vai trò chủ nhà các Năm APEC vào các năm 2006 và 2017. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, hai Hội nghị Cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017 đều được đánh giá hết sức thành công, đạt những kết quả quan trọng, có ý nghĩa mang tính chiến lược đối với Diễn đàn APEC cũng như hợp tác, liên kết kinh tế tại khu vực châu Á - TBD.

Tại năm APEC 2006, chúng ta đã ghi dấu ấn với Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; lần đầu tiên APEC thông qua ý tưởng hình thành Khu vực thương mại tự do khu vực châu Á - TBD, định hướng tổng thể về cải cách APEC.

Năm 2017, chúng đã đề xuất sáng kiến xây dựng tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020 và thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC. Đây là kết quả thể hiện cách tiếp cận dài hạn, tổng thể của Việt Nam, được các thành viên ủng hộ và đánh giá cao, từ đó làm nền tảng để APEC thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn Putrajaya đến năm 2040, xác định các định hướng, mục tiêu chiến lược và ưu tiên hợp tác của APEC trong giai đoạn mới.

Thứ hai, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác, với gần 150 dự án, trên các lĩnh vực từ phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại điện tử, an ninh lương thực, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đến phát triển nông thôn và đô thị, rác thải đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu… Các sáng kiến, dự án này một mặt thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của các thành viên, đồng thời phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ ba, chúng ta đã khẳng định vai trò điều hành, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác của APEC thông qua đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế của Diễn đàn. Nổi bật là vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Chủ tịch nhóm ASEAN trong APEC, Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban, nhóm công tác quan trọng của Diễn đàn. Các DN Việt Nam cũng đóng góp và tham gia tích cực tại Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC.

Nhìn lại chặng đường 25 năm qua, bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, triển khai chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh chúng ta đã tham gia APEC một cách chủ động, tích cực, trách nhiệm và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Diễn đàn APEC.

apec-danang-2017.jpeg
Các nhà lãnh đạo các nước APEC tham dự APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam (Ảnh: qdnd)

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng khẳng định: "Thành công của các Năm APEC 2006 và APEC 2017, cùng những đóng góp quan trọng khác của Việt Nam tại Diễn đàn đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, tranh thủ tối đa các cơ hội, nguồn lực từ hợp tác APEC và các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế khu vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước".

Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC: sự đổ dồn của giới công nghệ

Các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ cùng các tỷ phú công nghệ khổng lồ tại San Francisco tham dự Hội nghị Thượng đỉnh CEO APEC trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2023.

apec-2023-sf.png
Ảnh: APEC 2023

San Francisco được biết đến với mối quan hệ sâu sắc với ngành công nghệ. Dự kiến các “ông trùm” công nghệ sẽ xuất hiện tại hội nghị, trong đó có các CEO Google Sundar Pichai, CEO Uber Dara Khosrowshahi và CEO Microsoft Satya Nadella.

CEO OpenAI Sam Altman cũng dự kiến ​​sẽ xuất hiện trong một hội thảo với các CEO của Google và Meta. Thị trưởng San Francisco London Breed sẽ giới thiệu San Francisco như là trung tâm của cuộc cách mạng AI.

Tại một trong những diễn đàn được mong đợi nhất, ít nhất là từ góc độ giải trí, CEO Salesforce Marc Benioff sẽ có cuộc trò chuyện trực tiếp với CEO Tesla Elon Musk về chủ đề mơ hồ về “tương lai”.

Bên cạnh đó, còn có nhiều CEO của các DN lớn khác như FedEx, Visa và Pfizer tham dự. Cũng với đó là một loạt các công ty nhỏ hơn và các công ty khởi nghiệp đang cố gắng tham gia vào hoạt động này để có cơ hội khẳng định vị thế của mình, khám phá việc mở rộng ra nước ngoài và thu hút đầu tư trong nước.

Sự kiện cũng có triển lãm trưng bày những đồ vật và công nghệ mới lạ mắt của các công ty Hoa Kỳ. Một trong những ví dụ thú vị là taxi bay tự hành thế hệ thứ 6 của Wisk Aero, công ty con của Boeing, có trụ sở tại Mountain View, đang trình diễn công nghệ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện nhằm mục đích vận chuyển hành khách.

Các demo khác có thể kể đến của FedEx trình diễn các phương tiện giao hàng chạy điện như BrightDrop và Meta, công ty đã tạo ra một gian hàng thực tế tăng cường sống động dành cho khách tham quan./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
APEC 2023 bàn thảo trụ cột kỹ thuật số Thái Bình Dương mở rộng tiếp cận kết nối số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO