Ngày 21/11, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 đã thông qua Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 - văn kiện chính sách quan trọng được thiết lập để thay thế các Mục tiêu Bogor sẽ đến hạn vào cuối năm nay.
Các Mục tiêu Bogor, một trong những sáng kiến hàng đầu của APEC, được đưa ra vào năm 1994 nhằm hướng tới mục tiêu dài hạn về thương mại và đầu tư tự do và cởi mở ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo tuyên bố chính thức của Hội nghị, Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 là xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040 vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.
Tầm nhìn APEC 2040 sẽ được hiện thực hóa thông qua đẩy mạnh các trụ cột hợp tác nền tảng của APEC về thương mại và đầu tư mở và tự do, liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, hợp tác kinh tế kỹ thuật,… cùng với các động lực mới về đổi mới, sáng tạo, quá trình số hóa và chuyển đổi số, tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.
"Chúng tôi sẽ thúc đẩy hơn nữa các Mục tiêu Bogor và hội nhập kinh tế trong khu vực theo cách thức định hướng thị trường, bao gồm thông qua các hoạt động trong chương trình nghị sự về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), đóng góp vào một tiêu chuẩn cao và toàn diện các chủ trương của khu vực", tuyên bố cho hay.
Về đổi mới và số hóa, Tầm nhìn APEC 2040 sẽ xây dựng một môi trường thuận lợi được thúc đẩy bởi sự phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo, bao gồm tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số và thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. Ngoài ra, cải cách cơ cấu và các chính sách kinh tế đúng đắn để thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao năng suất và tính năng động cũng được chú trọng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng bao trùm vẫn là mục tiêu cao trong chương trình nghị sự, bao gồm các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp thân thiện với môi trường và tăng trưởng chất lượng nhằm mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Cuối cùng, tầm nhìn mới cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho quản trị và sự tham gia của các bên liên quan để duy trì vị thế duy nhất của APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.