Ngay cả khi chúng ta đang ở phía sau những ngày tồi tệ nhất của những ngày giãn cách xã hội và giới hạn đi lại, các sáng kiến "chính phủ điện tử" (CPĐT) sẽ vẫn là một yếu tố quan trọng trong hành trình số hóa của một nền kinh tế.
Khuyến nghị thúc đẩy CPĐT, số hoá
Nhóm thúc đẩy Kinh tế số của khu vực APEC (DESG) gần đây đã làm sáng tỏ vai trò của CPĐT, số hoá thông qua một báo cáo APEC mới có tên gọi "Khuyến nghị chính sách: Giấy phép số và các biện pháp CPĐT để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau COVID-19 (Policy Recommendations: Digital Permitting and E-Government Measures to Advance the Post-COVID-19 Economic Recovery) được đăng tải trên trang web của tổ chức này (apec.org), trong đó nêu bật một điểm mấu chốt yếu tố cho chương trình nghị sự của chính phủ số.
Báo cáo đưa ra các đề xuất hữu ích cho các nền kinh tế APEC để thực hiện một cách thực tiễn nhất về thúc đẩy số hóa các quy trình cấp phép và cho phép (licensing and permiting - L&P) - một phần quan trọng trong môi trường đầu tư và kinh doanh của một nền kinh tế.
Như một hướng dẫn, báo cáo bao gồm các khuyến nghị chính sách cũng như các nghiên cứu điển hình từ các nền kinh tế APEC ở các giai đoạn phát triển khác nhau, cung cấp các quan điểm khác nhau từ các thành phố và chính phủ trong nước đang triển khai các sáng kiến L&P kỹ thuật số.
Báo cáo đưa ra các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách của APEC, cụ thể: (1) xác định và xây dựng các tiêu chí để cấp phép số "toàn diện"; (2) thể hiện ý chí chính trị và khả năng lãnh đạo để số hóa các quy trình L&P; (3) thúc đẩy một môi trường pháp lý và chính sách thuận lợi; (4) đào tạo cán bộ công chức và nâng cao năng lực giữa các bên liên quan; (5) xây dựng mô hình chứng nhận khu vực để hỗ trợ triển khai.
Các khuyến nghị chính sách này được đưa ra vào thời điểm thích hợp khi các nền kinh tế dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng sau COVID-19. Các thủ tục nộp đơn dựa trên giấy tờ kiểu cũ vốn đã không hiệu quả và góp phần gây ra sự chậm trễ trong việc thực hiện các dự án quan trọng và phát triển.
Sự chậm trễ như vậy làm tăng chi phí đầu tư, nhưng cũng có thể góp phần làm mất việc làm, tăng trưởng kinh tế chậm hơn và khả năng cạnh tranh kinh tế bị suy yếu. Các khoản thanh toán ngoại tuyến cho các dịch vụ L&P và cơ sở dữ liệu không được liên kết của chính phủ có xu hướng bị rò rỉ trong hệ thống vì phí được các cơ quan khác nhau thu ở các giai đoạn khác nhau. Điều này làm tăng cơ hội cho tham nhũng.
COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tồn tại như vậy với các quy trình L&P truyền thống. L&P còn chậm lại hơn nữa, do các nền kinh tế vốn đã quá phụ thuộc vào các quy trình trực tiếp và dựa trên giấy tờ, thì nay do phải phải đưa ra các chính sách giãn cách xã hội và quản trị bằng lực lượng lao động bị giới hạn đã làm cho vấn đề trở nên phổ biến. Theo Ngân hàng thế giới (WB), 61% trong số 190 nền kinh tế mà cơ quan này theo dõi, các hồ sơ xin cấp phép bị đình chỉ tạm thời kể từ tháng 5/2020, do COVID-19.
Những thách thức này đã giúp thúc đẩy các xu hướng rộng lớn hơn hướng tới số hóa các dịch vụ của chính phủ liên quan đến y tế, đầu tư, giáo dục và xây dựng và một số lĩnh vực khác. Điều này bắt nguồn từ sự đánh giá cao rằng việc số hóa các dịch vụ L&P dẫn đến các quy trình nhanh hơn, minh bạch hơn và ít tốn kém hơn. Ở cấp độ vĩ mô, những cải cách như vậy có thể cải thiện tỷ lệ việc làm, giảm cơ hội tham nhũng, tăng nguồn thu của chính phủ từ các khoản thu thuế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng.
Khi các nền kinh tế vượt ra khỏi sự bế tắc toàn cầu COVID-19, số hóa các dịch vụ của chính phủ đã mang lại một khía cạnh bổ sung hiệu quả và tính minh bạch. Số hoá đã trở thành thước đo khả năng phục hồi của nền kinh tế. Số hoá cũng đảm bảo liên tục trong kinh doanh trong thời đại làm việc từ xa, ngăn chặn sự tê liệt của các quy trình quản lý quan trọng do COVID-19 và bảo vệ các cá nhân.
Các chính phủ nhận thấy số hóa có thể cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của công dân, duy trì công việc từ xa và cho phép các doanh nghiệp hoạt động và quản lý tốt hơn trong bối cảnh đại dịch.
Các nền kinh tế APEC cần hành động bằng cách thực hiện các khuyến nghị chính sách nền tảng này cho một chiến lược CPĐT bao gồm số hóa các dịch vụ công, trong đó có dịch vụ L&P. Điều này sẽ tạo sự cân bằng giữa việc bảo vệ dữ liệu của nhà đầu tư và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu giữa các khu vực tài phán, thiết lập cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế để tăng cường khả năng và nguồn lực hiện có.
Một số điển hình triển khai L&P
Báo cáo đã đề cập một số nghiên cứu điển hình về sáng kiến L&P kỹ thuật số. Một trong số đó là dự án quản lý xây dựng thành phố thông minh (SCCMP) của Đài Loan. SCCMP, được khởi xướng vào năm 2009, nhằm mục đích tự thiết lập quy trình cấp phép xây dựng tích hợp (số hóa) với các quy định về mã xây dựng logic và đơn giản hóa vào năm 2025.
Đài Loan đã xây dựng thủ tục giấy phép xây dựng (BP) thành ba giai đoạn, hay còn gọi là "Các tuyến mô hình thông tin xây dựng (BIM)", tùy theo chất lượng, thời gian, chi phí và mức độ số hóa. Mỗi tuyến thiết lập các tham số để xây dựng các kịch bản khác nhau và tối ưu hóa các tuyến cấp phép xây dựng cho những người dùng khác nhau. Chính quyền thành phố Đài Bắc hiện đang ở "Lộ trình B", tập trung vào việc áp dụng phương thức nộp hồ sơ điện tử cho các thủ tục giấy phép.
Mục tiêu cuối cùng là quy trình cấp giấy phép xây dựng được tích hợp và số hóa với các quy định về mã xây dựng được đơn giản hóa và logic cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, gửi tài liệu điện tử, công nhận chữ ký điện tử và xem xét hồ sơ điện tử.
Kể từ khi thực hiện, việc in giấy phép xây dựng đã giảm 80%, và thời gian xét duyệt giấy phép xây dựng đã giảm 51,4%. Ngoài ra, việc số hóa đã cho phép công bố cấp các quy trình và nộp hồ sơ điện tử trong 24 giờ có thể nhận giấy phép xây dựng điện tử.
Một điển hình khác được báo cáo đề cập là nền tảng quản lý các dự án đầu tư SUPER của Chi Lê, ra mắt vào năm 2019, nơi các nhà đầu tư có thể đăng ký công ty và dự án của họ, đồng thời đăng ký và theo dõi, nộp hồ sơ trực tuyến.
Mục tiêu của nền tảng SUPER là hiện đại hóa bộ máy chính quyền vì lợi ích của công dân bằng cách: cung cấp thông tin về các dịch vụ của chính phủ; minh bạch hóa tiến độ xin giấy phép cho các nhà đầu tư; và hợp nhất các sáng kiến số hóa khác nhau vào một nền tảng. Trong vòng hai năm đầu tiên triển khai, 74 giấy phép từ 18 tổ chức đã được tích hợp với SUPER và 663 dự án từ 501 công ty đã được đăng ký thông qua nền tảng này./.