Đây là bước tiến quan trọng đối với ngành sản xuất bán dẫn trong nước. "Giờ đây, nhờ vào sự làm việc chăm chỉ của rất nhiều người, những con chip này có thể tự hào được đóng dấu Made in America", Cook nói. "Đây là một khoảnh khắc vô cùng quan trọng."
Các nhà máy sản xuất chip sẽ được kiểm soát và vận hành bởi Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), công ty sản xuất chip hàng đầu với hơn một nửa thị phần toàn cầu. TSMC sản xuất các bộ vi xử lý tiên tiến nhất, bao gồm cả chip trong iPhone, iPad và máy Mac mới nhất.
Các nhà máy sẽ có khả năng sản xuất chip 4 nanomet và 3 nanomet được sử dụng cho các bộ vi xử lý tiên tiến như A-series và M-series của Apple và các bộ xử lý đồ họa của Nvidia.
"Hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Hôm nay chúng ta đang kết hợp chuyên môn của TSMC với sự khéo léo vô song của những người lao động Mỹ. Chúng ta đang đầu tư vào một tương lai tươi sáng hơn, gieo hạt giống trên sa mạc Arizona. Và tại Apple, chúng tôi tự hào góp phần nuôi dưỡng sự phát triển của nó", Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook cho biết.
Tống thống Biden cho rằng Apple đã phải mua mọi con chip hiện đại từ nước ngoài và nay họ sẽ đưa nhiều phần của chuỗi cung ứng hơn về quê hương.
Hiện tại, TSMC thực hiện hoạt động sản xuất của mình chủ yếu tại Đài Loan. Các công ty chip như Nvidia và Apple tự thiết kế chip riêng của mình sau đó thuê cho các công ty như TSMC và Samsung Foundry sản xuất. Điều này đặt ra những quan ngại về việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường Mỹ.
Các nhà máy TSMC ở Arizona sẽ được chính phủ Hoa Kỳ tài trợ một phần. Đầu năm nay, Tổng thống Biden đã ký ban hành Đạo luật Chip và khoa học, khởi động sáng kiến công nghiệp lớn của liên bang nhằm cạnh tranh chip trên toàn cầu. Đạo luật được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn lớn ở Mỹ, nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn cung cấp an toàn hơn cho các linh kiện nhỏ bé nhưng rất quan trọng đối với thiết bị điện tử hiện đại được coi là thiết yếu đối với an ninh quốc gia.
Đạo luật bao gồm khoản trợ cấp hàng tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của liên bang và các công ty khởi nghiệp công nghệ trong khu vực, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp muốn sản xuất bán dẫn tại Mỹ.
TSMC cho biết họ sẽ chi 40 tỷ USD cho hai nhà máy ở Arizona. Nhà máy đầu tiên ở Phoenix dự kiến sẽ sản xuất chip vào năm 2024. Nhà máy thứ hai sẽ mở cửa vào năm 2026.
Theo Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, các nhà máy của TSMC sẽ sản xuất 600.000 tấm wafer (vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp) mỗi năm khi hoạt động hết công suất, đủ để đáp ứng nhu cầu hàng năm của Hoa Kỳ. Các nhà máy ở Mỹ sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng công suất của TSMC, công ty này đã xuất xưởng 12 triệu tấm wafer vào năm 2020./.