ASEAN bàn thảo 10 tiêu chí thúc đẩy dịch vụ số

Hoàng Linh| 16/12/2022 14:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN đã trao đổi nhiều nội dung về chuyển đổi số (CĐS), thúc đẩy dịch vụ số, phát triển kinh tế số trong khu vực.

Trong khuôn khổ dự án hợp tác ASEAN, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo nghiên cứu xây dựng Hướng dẫn thúc đẩy phát triển dịch vụ số tại ASEAN ngày 16/12, tại Hà Nội

Tham dự hội thảo này có các chuyên gia cao cấp, các nhà hoạch định chính sách và các đại biểu đến từ ASEAN bao gồm: Brunei Darussalam, Malaysia, CHDCND Lào, Singapore, Thái Lan… và Việt Nam; các chuyên gia từ Liên minh châu Âu (tham dự trực tuyến) và các doanh nghiệp (DN) trong ngành CNTT-TT từ nhiều lĩnh vực khác nhau như: Công ty CP Công nghệ Truy xuất Thông tin (InfoRe); TikTok Việt Nam; Viettel, VNPT, MobiFone, FPT…

Thúc đẩy phát triển dịch vụ số ở các quốc gia thành viên ASEAN

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thành Phúc, Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết hội thảo này là một phần của Dự án Hợp tác ASEAN, với mục đích cung cấp một nền tảng chung cho các chuyên gia CNTT-TT và các nhà hoạch định chính sách từ các quốc gia thành viên ASEAN để cân nhắc các vấn đề liên quan và các nguyên tắc thực hành tốt nhất trong phát triển dịch vụ trong kỷ nguyên số và thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác chung về phát triển và quản lý dịch vụ số trong ASEAN.

ASEAN bàn thảo 10 tiêu chí thúc đẩy dịch vụ số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phúc: Hội thảo đề xuất một hướng dẫn khu vực để thúc đẩy phát triển dịch vụ số ở các quốc gia thành viên ASEAN

Kết quả của dự án sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn cho Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 (ADM2025) thông qua các kết quả mong muốn chính gồm: (i) Có được hiểu biết chung về các dịch vụ số cũng như làm rõ phạm vi của các dịch vụ số; (ii) Nhận diện những thách thức, trở ngại trong quá trình quản lý và thúc đẩy các dịch vụ số mới nổi trong nền kinh tế số; (iii) Xây dựng các chính sách chuyên sâu và hướng dẫn quy định để thúc đẩy phát triển dịch vụ số tại các quốc gia thành viên ASEAN.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển các dịch vụ số ở cả khu vực công và tư, thể hiện rõ qua Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển dịch vụ số, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, đối với các dịch vụ số, đặc biệt là các dịch vụ được cung cấp xuyên biên giới, Chính phủ Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với bối cảnh trong nước và chuẩn mực quốc tế, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước, như: Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; hay Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Trong khuôn khổ của dự án này, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết: một trong những kết quả mong muốn quan trọng nhất là đề xuất một hướng dẫn khu vực để thúc đẩy phát triển dịch vụ số ở các quốc gia thành viên ASEAN. Hướng dẫn nhằm cung cấp hiểu biết chung về bản chất của dịch vụ số, phân loại và tiêu chuẩn dịch vụ số (DSS) cũng như các vấn đề ưu tiên cần tập trung trong ASEAN.

Tập trung 10 tiêu chí DSS

Hội thảo đã thảo luận tích cực và hiệu quả về các vấn đề nêu trên, đặc biệt tập trung vào 10 tiêu chí DSS đã nêu trong hướng dẫn đề xuất, bao gồm:

Hiểu nhu cầu của người dùng: Thiết kế và cung cấp các dịch vụ số dựa trên nhu cầu của cộng đồng và các sự kiện trong cuộc sống.

Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm: Thiết kế và cung cấp các dịch vụ số tập trung vào người dùng và nhu cầu của họ để giúp họ duy trì kênh kỹ thuật số.

Làm cho các dịch vụ số trở nên dễ dàng và đơn giản: Thiết kế và cung cấp các dịch vụ số dễ sử dụng và thuận tiện cho những người cần sử dụng chúng.

Đảm bảo an toàn cho các dịch vụ số: Thiết kế và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số áp dụng các biện pháp pháp lý, quyền riêng tư và bảo mật thích hợp để bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân khỏi bị tấn công hoặc mất mát.

Làm cho các dịch vụ số có thể truy cập được: Đảm bảo tất cả mọi người sẽ sử dụng các dịch vụ số và bao gồm tất cả người dùng bất kể khả năng và môi trường của họ.

Làm cho các dịch vụ số có thể đo lường được: SMART (Specific, Measurable, Achievable, Relevant and Time-Bound) có thể được sử dụng để đo lường hiệu suất của dịch vụ của bạn và nhận ra kết quả nào sẽ mang lại.

Khuyến khích mọi người sử dụng dịch vụ số: Khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ số trong cuộc sống.

Vận hành các dịch vụ số đáng tin cậy: Đảm bảo các dịch vụ số sẽ duy trì các tiêu chuẩn hoạt động trong một khoảng thời gian cụ thể.

Giải quyết toàn bộ vấn đề cho người dùng: Hướng tới việc thiết kế các dịch vụ số có thể giải quyết toàn bộ vấn đề cho người dùng khi cần thiết.

Làm cho các dịch vụ số có giá cả phải chăng: Đảm bảo các dịch vụ số sẽ có giá cả phải chăng cho tất cả mọi người.

Trong quá trình tổ chức Hội thảo này, Viện Chiến lược Quốc gia về TT&TT đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và phối hợp chặt chẽ của Ban Thư ký ASEAN, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN.

Kinh tế số Việt Nam phát triển bùng nổ

Chia sẻ với các đại biểu đến từ ASEAN, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho biết chúng ta đang chứng kiến nền kinh tế số bùng nổ không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực ASEAN.

ASEAN bàn thảo 10 tiêu chí thúc đẩy dịch vụ số - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Đồng:

Việt Nam có 70% dân số sử dụng Internet, tương đương với Indonesia, thấp hơn Thái Lan là 77,8%, cao hơn Ấn Độ (47%) nhưng quy mô kinh tế số của Việt Nam mới đạt (21 tỷ USD), thấp hơn so với Indonesia (70 tỷ USD), Thái Lan (30 tỷ USD), Ấn Độ (65 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam có khoảng 8 triệu người dùng Internet mới mỗi năm nên có thể khẳng định kinh tế Internet sẽ phát triển rất mạnh mẽ.

Trong khi đó, hạ tầng số Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng đáp ứng nền kinh tế số bùng nổ. Hiện đã có hơn 70% dân số kết nối Internet băng thông rộng, 99,8% dân số được phủ sóng 4G, 100% các cộng đồng đã được phủ cáp. Dịch vụ 4G đã phổ biến ở Việt Nam và dịch vụ 5G đang được một số nhà mạng Việt Nam thử nghiệm ở các thành phố lớn.

Việt Nam cũng đang chứng kiến sự bùng nổ của đám mây theo từng năm, gần 20% vào năm 2016. Quy mô dịch vụ thị trường đám mây từ 2021 - 2026 sẽ tăng trưởng 18,8%, đạt hơn 600 triệu USD vào năm 2026. Điều này cho thấy tầm quan trọng của dịch vụ đám mây bởi đây là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất cho nền kinh tế số và rất tiềm năng.

Theo đó, ông Đồng bày tỏ tin tưởng "Với hạ tầng số được Việt Nam được phát triển mạnh mẽ, đáp ứng sự phát triển bùng nổ của kinh tế số Việt Nam".

Về dịch vụ số, ông Đồng cho biết có thể định nghĩa: "Dịch vụ số là công việc mà nhà cung cấp triển khai theo nhu cầu của người dùng cuối nhằm hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa người dùng cuối với người dùng cuối trên Internet".

Để dịch vụ số phát triển bùng nổ, ông Đồng đưa ra những đề xuất như: hoàn thiện Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; xây dựng luật đồng bộ điều chỉnh hoạt động của các tổ chức/trung gian cung cấp dịch vụ số trên Internet thay cho việc sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ số tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013 và Nghị định 27/2018, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, nhất là cơ quan thuế, cơ quan cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thúc đẩy CĐS, dịch vụ số quốc gia

Tại Hội thảo, các đại biểu từ các nước ASEAN đã giới thiệu các chương trình, kế hoạch CĐS, các chính sách liên quan và phát triển các dịch vụ số ở các nước.

ASEAN bàn thảo 10 tiêu chí thúc đẩy dịch vụ số - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Theo đại biểu đến từ Lào, CĐS ở Lào có sự tham gia tất cả các bên liên quan ở tất cả các cấp. Lào nhận thức được việc sử dụng công nghệ số như một công cụ để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như trong nâng cao chất lượng phục vụ và điều hành của chính phủ. Lào mở cửa công nghiệp số để thúc đẩy hợp tác và đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng của khu vực.

Đại biểu từ Brunei cho biết quốc gia này có tầm nhìn quốc gia thông minh thông qua CĐS. Theo đó, Brunei hình thành xã hội sẵn sàng số, nền kinh tế năng động và bền vững, hệ sinh thái số.

Trong khi đó, bà Mah Yi Xin, Giám đốc quốc tế cơ quan phát triển truyền thông Singapore (IMDA) đã giới thiệu TradeTrust, một khuôn khổ bao gồm các tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu, kết nối các chính phủ và doanh nghiệp với một chuỗi khối (blockchain) công khai để cho phép khả năng tương tác đáng tin cậy của các tài liệu thương mại điện tử trên các nền tảng số và được cung cấp như một tiện ích số. Ba chức năng chính của TradeTrust gồm: tính xác thực, nguồn và quyền sở hữu trí tuệ cho các tài liệu thương mại.

Khai thác dữ liệu sẽ sớm trở thành nghề phổ biến

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Công Thành, Công ty CP công nghệ InfoRe cho biết các hoạt động hàng ngày ở Việt Nam trên không gian mạng đang tạo ra nhiều dữ liệu. "Dữ liệu là nguồn dầu mới" là tài nguyên mới của Việt Nam. Việc khai thác hữu ích nguồn tài nguyên mới này có thể giúp Việt Nam sớm thoát bẫy thu nhập trung bình. Công việc khai thác dữ liệu sẽ sớm trở thành một nghề phổ biến ở Việt Nam.

ASEAN bàn thảo 10 tiêu chí thúc đẩy dịch vụ số - Ảnh 4.

Ông Lê Công Thành: Công việc khai thác dữ liệu sẽ sớm trở thành một nghề phổ biến ở Việt Nam

Theo đó, ông Thành cho biết: "Chúng tôi lập dự án DATALAC đào tạo người lao động khai thác dữ liệu cho nhu cầu của xã hội Việt Nam theo kiểu vừa học vừa làm. Người được đào tạo tại Datalac được đào tạo để trở thành nhân viên dữ liệu ở 5 khía cạnh: lấy mẫu dữ liệu; ghi nhãn dữ liệu; nghiên cứu giải pháp ứng dụng dữ liệu; phân tích và xử lý dữ liệu; kinh doanh giải pháp ứng dụng dữ liệu"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ASEAN bàn thảo 10 tiêu chí thúc đẩy dịch vụ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO