ASEAN đề xuất giải pháp hài hoà tần số 5G, thúc đẩy chuyển đổi số

Hoàng Linh| 27/11/2021 11:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Các nước ASEAN đang đẩy nhanh triển khai 5G và cùng tìm kiếm những giải pháp hài hoà phổ tần cho 5G.

Ngày 26/11/2021, Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) - Bộ TT&TT tổ chức hội thảo trực tuyến về hài hòa phổ tần cho 5G trong các nước ASEAN. Hội thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu thế giới về thông tin di động đến từ GSMA, Ericsson, Huawei, NSN, Nokia, Axiata, Công ty tư vấn Windsor Place, cơ quan quản lý tần số các nước ASEAN và các cơ quan đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

5G thúc đẩy chuyển đổi số

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết 5G có thể đẩy nhanh sự phát triển của cơ sở hạ tầng số hiện đại và đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Hiện tại, Việt Nam và các nước ASEAN đã tiến hành thử nghiệm 5G hoặc triển khai các dịch vụ 5G thương mại.

ASEAN bàn thảo giải pháp hài hòa tần số 5G, thúc đẩy chuyển đổi số - Ảnh 1.

Cục trưởng Nguyễn Đức Trung: 5G có thể đẩy nhanh sự phát triển của cơ sở hạ tầng số hiện đại và đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số

Các nước ASEAN đang có những hoạt động triển khai cung cấp phổ tần cho các dịch vụ 5G. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ nhận định các nước ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức trong việc lập kế hoạch phân bổ phổ tần cho 5G. Các băng tần được sử dụng cho 5G có thể khác nhau giữa các quốc gia. Do đó, việc triển khai 5G đòi hỏi việc hài hòa phổ tần với các dịch vụ vệ tinh và các mạng lân cận. Có những thách thức về khoảng cách tách biệt giữa các trạm gốc 5G và các trạm mặt đất vệ tinh, băng tần bảo vệ giữa dịch vụ di động và vệ tinh, sự tồn tại song song giữa công nghệ TDD và FDD ở quy mô quốc gia và xuyên biên giới.

Cục trưởng Nguyễn Đức Trung cũng cho biết Việt Nam và các quốc gia khác đã tiến hành các cuộc thử nghiệm rộng rãi về sự chung sống giữa các dịch vụ di động và vệ tinh ở băng tần 3,5 GHz, chuẩn bị cho các băng tần khác cho 5G.

Theo thông tin chia sẻ của ông Hakan Ohlsen, Giám đốc chiến lược công nghệ di động và phổ tần của Ericsson, đến cuối năm 2021 dự kiến có 580 triệu thuê bao 5G. Dự báo vào năm 2026 sẽ có 3,5 tỷ thuê bao 5G, thuê bao 4G LTE sẽ đạt 4,8 tỷ thuê bao và công nghệ 4G LTE vẫn là công nghệ chủ đạo.

Theo Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), đến cuối tháng 10/2021 đã có 172 nhà mạng ở 68 quốc gia/vùng lãnh thổ đã cung cấp dịch vụ 5G di động. Số thiết bị di động 5G theo catalog khoảng 1115 thiết bị.

Theo nghiên cứu của Ericsson, 5G đang làm thay đổi hành vi của người dùng và bắt đầu thay thế WiFi. Dự báo 1/10 người dùng 5G sẽ dừng sử dụng WiFi.

ASEAN đề xuất giải pháp hài hoà tần số 5G, thúc đẩy chuyển đổi số - Ảnh 2.

Các đại biểu từ các nước tham gia Hội thảo

Thách thức hài hòa phổ tần và giải pháp đề xuất

Hiện nay, các nước khu vực ASEAN đang triển khai việc cấp phép băng tần cho 5G, việc hài hòa phổ tần dành cho IMT nói chung và 5G nói riêng của các nước trong khu vực là vấn đề cấp thiết đặt ra để giảm thiểu can nhiễu giữa các nước và đạt được hiệu quả sử dụng phổ tần tốt nhất.

ASEAN đề xuất giải pháp hài hòa tần số 5G, thúc đẩy chuyển đổi số - Ảnh 2.

Băng tần 3,5 GHz đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển 5G, nhiều quốc gia trên thế giới đã cấp phép cho doanh nghiệp triển khai 5G trong khi hệ sinh thái thiết bị 5G đã tương đối phát triển. Tuy nhiên, đa số các nước ASEAN đều đang gặp thách thức chung về vấn đề quy hoạch tần số cho 5G ở băng tần 3,5 GHz do đang sử dụng cho hệ thống cố định qua vệ tinh. Việc xem xét sử dụng rộng rãi mạng 5G trên băng tần này cần có các giải pháp kỹ thuật để tránh nhiễu có hại cho các đài trái đất trên cơ sở đánh giá, thử nghiệm 5G... 

Để giải quyết vấn đề băng tần cho 5G khi chưa thể sử dụng băng tần 3,5 GHz, hiện nay nhiều quốc gia xem xét quy hoạch băng tần 2,6 GHz để sử dụng cho 5G theo phương án TDD khi mà hệ sinh thái thiết bị 5G hỗ trợ băng tần này cũng đã sẵn sàng cao. Tuy nhiên, sự không hài hòa về mặt quy hoạch băng tần trong khu vực khi mà một số quốc gia đang sử dụng cho 4G với quy hoạch FDD dẫn đến yêu cầu phối hợp, xử lý nhiễu đường biên giới.

Tại hội thảo này, cơ quan quản lý tần số Malaysia sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc phối hợp sử dụng tần số biên giới băng tần 2,6 GHz với các nước láng giềng.

Cụ thể, Malaysia cho biết Malaysia và Thái Lan đã điều phối phổ tần trong việc triển khai TDD và FDD ở các mạng lân cận trên băng tần 2,6 GHz để tránh can nhiễu ở các khu vực biên giới chung giữa hai nước như các vùng Kelantan, Kedah và Perlis. Một số trạm gốc của nhà mạng hai nước đã gặp phải can nhiễu, suy hao tối thiểu 2dB và mức cao lên tới 6 dB. Theo đó, các nhà mạng của hai nước đã cùng hợp tác để đo và xử lý can nhiễu theo 2 giai đoạn tháng 3/2021 và tháng 10/2021 đến Quý I năm 2022.

Uỷ ban Phát thanh Truyền hình quốc gia Thái Lan chia sẻ quốc gia này đang nghiên cứu điều phối phổ tần giữa vệ tinh và 5G IMT ở băng tần C với một số trường đại học theo một dự án dự kiến kết thúc vào đầu năm 2022. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá sự song hành của dịch vụ thông tin liên lạc vệ tinh và 5G IMT trên cùng băng tần C, đánh giá sự cần thiết của việc điều chỉnh anten vệ tinh, xác định các thông số kỹ thuật phù hợp cho IMT, các yêu cầu cho triển khai trạm gốc IMT…

Cơ quan quản lý của Anh (OFCOM) đã chấp nhận mạng vô tuyến cục bộ (RLAN) ở băng tần 5925 - 6425 MHz, được xem là đáp ứng được yêu cầu phủ sóng, giảm nghẽn và độ trễ.

Đại diện cho Viettel, ông Đỗ Ngọc Long cho biết tính đến quý I năm 2021, 133 nhà mạng ở 39 quốc gia đã được cấp phổ tần 5G, trong đó gần 1/3 nhà mạng được cấp băng tần thấp, chủ yếu là băng tần 700 MHz. Băng tần 700 MHz và 2100 MHz là những băng tần phổ biến cho 5G sau băng tần C.

Phần lớn các nước ASEAN đã được quy hoạch để phân bổ phổ tần 700 MHz cho IMT2000. Tuy nhiên, các nước đã chia nhỏ băng tần thấp như băng 700 MHz và 900 MHz thành các khối nhỏ 5 MHz không đáp ứng được yêu cầu chất lượng mạng 4G/5G. Các nhà mạng nên được cấp khối 10 - 15 MHz của băng tần thấp.

Theo đó, đại diện của Viettel đề xuất giải phóng băng tần 700 MHz đang dành cho truyền hình số mặt đất cho 4G/5G và song song với đó là đàm phán điều phối phổ tần xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề can nhiễu giữa các nước trong khu vực.

Chính phủ các nước ASEAN nên có các cơ chế giám sát và quản lý nhằm ngăn chặn thiết bị gây can nhiễu với các hệ thống IMT trong băng tần 700 MHz. Bộ TT&TT nên chia băng tần 700 MHz thành các khối 15 MHz để đáp ứng triển khai 4G/5G trong tương lai và có kế hoạch đấu thầu băng tần này trong năm 2022.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, các thông tin, kinh nghiệm và nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo giúp cơ quan quản lý tần số các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế, các nhà khai thác trong và ngoài nước có cái nhìn đa chiều về việc hài hòa phổ tần cho 5G trong khu vực. Điều đó giúp cho cơ quan quản lý xây dựng được các chính sách phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới và các nhà mạng có định hướng phát triển phù hợp với khu vực giảm thiểu can nhiễu ở khu vực vùng biên./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
ASEAN đề xuất giải pháp hài hoà tần số 5G, thúc đẩy chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO