Ảnh minh họa.
ASEAN - một tổ chức khu vực thành công
Nhìn lại hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã thay đổi rất nhiều về tổ chức cũng như tính chất hoạt động. Từ 5 nước thành viên ban đầu, ASEAN đã thành một thực thể là gắn kết 10 nước Đông Nam Á, cùng hướng tới xây dựng cộng đồng và xây dựng lòng tin.
Hơn 5 thập kỷ qua, từ một Hiệp hội hợp tác với nhau dựa trên một cơ chế lỏng lẻo là Tuyên bố chính trị 1967, thì nay ASEAN hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc pháp lý, khung pháp lý và các bộ máy trong Hiến chương ASEAN. ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ, trở thành một bộ máy hoàn chỉnh và một đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, bí quyết thành công của ASEAN như ngày hôm nay bao gồm nhiều yếu tố như "Phương cách ASEAN": chính là dựa trên cơ sở đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng nhau; có các bước đi vững chắc, phù hợp với khả năng, đảm bảo sự bình đẳng cả về quyền lợi và trách nhiệm của các nước thành viên, đảm bảo tất cả các thành viên cảm thấy được tham vấn, thoải mái trong các quá trình ra quyết sách, không bỏ rơi bất kỳ ai.
Nằm ở vị trí địa - chiến lược quan trọng, là trung tâm của khu vực rộng lớn kết nối hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ASEAN luôn có một vị thế quan trọng trong quan hệ quốc tế, gắn liền với lợi ích chiến lược của nhiều cường quốc trên thế giới. Với dân số hơn 650 triệu người, ASEAN là một thị trường tiềm năng với một nền kinh tế năng động và là điểm sáng kinh tế toàn cầu. Dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Một nhân tố quan trọng nữa góp phần tạo nên một ASEAN đoàn kết, thống nhất như ngày nay đó chính là khát vọng, nỗ lực của ASEAN để xây dựng một khu vực trung lập, hòa bình, nơi những quốc gia với hệ thống chính trị, trình độ phát triển, văn hóa, tôn giáo… khác biệt vẫn có thể hợp tác, bảo đảm an ninh, ổn định và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Theo Đại sứ Noel - Trưởng phái đoàn thường trực Philippines tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau 53 năm thành lập, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực quan trọng nhất trên thế giới. Là động lực kinh tế và là bên tham gia chính trong kiến trúc chính trị, an ninh của khu vực và thế giới, ASEAN ngày càng thành công và liên tục thích nghi để vượt qua vô số thách thức.
Một khía cạnh quan trọng trong sức mạnh của ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực là "ý thức cộng đồng mạnh mẽ", được nuôi dưỡng chu đáo qua nhiều thập kỷ tại 10 quốc gia thành viên rất đa dạng, đặc biệt là ở các nhà lãnh đạo ASEAN và các nhà hoạch định chính sách.
Trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia trên thế giới, ASEAN cũng đang nỗ lực triển khai nhiều kế hoạch cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn như Quỹ ứng phó COVID-19, lập kho y tế dự phòng, Quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi toàn diện sau dịch bệnh, trong khi tiếp tục thực hiện rà soát giữa kỳ việc thực hiện các kế hoạch tổng thể của ASEAN đến 2025 và xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025...
Đồng thời, ASEAN cũng không ngừng chủ động thích ứng, đón đầu những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng việc tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ mới, phát triển mạng lưới các thành phố thông minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay...
Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ đã qua, những thành công mà ASEAN đạt được chính là minh chứng đúng đắn về con đường mà ASEAN đã kiên trì theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua. Đồng thời nó còn tạo tiền đề vững vàng để ASEAN đạt tới những bước tiến xa hơn, vì lợi ích của người dân 10 quốc gia thành viên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19
Việt Nam - thành viên tích cực của ASEAN
25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng hơn vào trong những nỗ lực chung của ASEAN, luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung để gắn bó, cùng các quốc gia thành viên khác xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh vì sự phồn vinh của các dân tộc ASEAN, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng cho ASEAN.
Là một nước tầm trung trong khu vực, với dân số đứng thứ 3, diện tích đứng thứ tư ở Đông Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp cho tổ chức này lớn mạnh về tiềm lực, phạm vi cũng như vững mạnh về tổ chức, giúp ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, chấm dứt những nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Với vị trí địa kinh tế quan trọng, là một hình mẫu của phát triển kinh tế ổn định và bền vững trong khu vực, Việt Nam luôn phát huy vai trò là một trong những thành viên tích cực trong ASEAN về thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối, ngoại khối và thu được những kết quả tích cực.
Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc triển khai thực hiện các quyết định chung của ASEAN; tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội và kinh tế cũng như chủ trì tổ chức các sự kiện có liên quan theo nghĩa vụ thành viên. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26. (Ảnh: UBQG ASEAN)
Năm nay là năm Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN. Phát huy tinh thần tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng, Việt Nam đã chủ động điều phối, phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên ứng phó linh hoạt với COVID-19, bảo đảm duy trì "dòng chảy bình thường" của ASEAN, không để việc triển khai các ưu tiên, sáng kiến bị gián đoạn.
Nhìn lại chặng đường 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, nhiều đại sứ, chuyên gia, học giả trong khu vực và quốc tế cũng đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN cũng như những đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đánh giá về cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, cũng như những công việc mà Việt Nam cần làm để tiếp tục xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhà ngoại giao Philippines Noel cho rằng Việt Nam là "thành viên quý giá" của cộng đồng ASEAN. Năm nay ASEAN có nhiệm vụ đàm phán nhiều Kế hoạch hành động cho giai đoạn tiếp theo với các nước đối tác đối thoại, cũng như với Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng, đồng thời dẫn dắt các nỗ lực tiếp tục làm phong phú thêm cho chương trình nghị sự và kinh nghiệm của ASEAN.
Cũng trong năm nay, Việt Nam đang nỗ lực tiến hành đánh giá tổng thể giữa kỳ tất cả các kế hoạch chi tiết cộng đồng nhằm tạo phương hướng cho các chính sách kinh tế, văn hóa - xã hội và chính trị. Kết quả của những đánh giá này sẽ đảm bảo ASEAN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển đúng hướng, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả các dân tộc ASEAN.
"Việt Nam đã thể hiện năng lực không chỉ trong việc lãnh đạo ASEAN mà còn thể hiện khả năng của mình trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trên thế giới và khu vực. Đây là minh chứng rõ ràng về vai trò nổi bật của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020". Đó là nhận xét của Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith về những đóng góp và vai trò của Việt Nam sau 25 năm gia nhập ASEAN.
Đánh giá về vai trò các sáng kiến của Việt Nam trong những năm qua đối với sự phát triển của ASEAN cũng như nền hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng của ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Lào nhận định, việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã đóng góp quan trọng cho lĩnh vực chính trị, kinh tế và hợp tác. Trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trên cương vị làm chủ tịch cũng như trên cương vị là thành viên của ASEAN.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực hết mình để thúc đẩy sự gắn kết, đoàn kết và thống nhất trong nội khối. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã lãnh đạo ASEAN và đưa ra nhiều sáng kiến. Mặc dù 2020 là năm đầu tiên trong lịch sử các cuộc họp của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến do đại dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại có thể nói Việt Nam đã thực hiện tốt công tác của nước Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN đã tổ chức được nhiều hội nghị cấp cao, triển khai được nhiều sáng kiến, đây là những thành tích nổi bật của Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN 2020.
Định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới rất phù hợp với chính sách của Việt Nam. ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng Cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới.