ASEAN thiếu hụt vật tư y tế trong cuộc chiến Covid-19

Ánh Dương (Theo Asean post)| 27/03/2020 09:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những ngày vừa qua, số ca mắc Covid-19 ở các quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng đột biến, một số nước ASEAN đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vật tư y tế và thậm chí cả bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19.

Mới đây, một video được đăng tải và lan truyền trên mạng xã hội về các nhân viên y tế Malaysia phải sử dụng túi ni lông để làm bộ đồ bảo hộ cá nhân (PPE). Đoạn video này đã gây ra mối lo ngại lớn trong cộng đồng nói chung về sự an toàn của những người nơi tuyến đầu trong công tác chống dịch.

Tính đến ngày 23/3, đã có gần 20 nhân viên y tế nhiễm Covid-19 tại Malaysia. Malaysia hiện là quốc gia có số lượng ca nhiễm Covid-19 được xác nhận là cao nhất Đông Nam Á. 

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố lệnh kiểm soát đi lại (MCO) tại nước này được thực hiện từ ngày 18/3. Việc phong tỏa một phần trong hai tuần đầu tiên - được công bố vào ngày 25/3 và sẽ kéo dài đến ngày 14/4. Đây là một trong những chiến lược của Malaysia kiểm soát dịch bệnh.

Bác sĩ N Ganabaskaran, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia (MMA) cho biết các bệnh viện có thể rơi vào tình trạng quá tải nếu các ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Tại Philippines, số ca mắc Covid-19 vẫn đang tiếp tục tăng. Trong khi đó, lực lượng y tế của nước này cũng đang thiếu hụt trầm trọng các thiết bị bảo hộ cần thiết. Trước tình trạng đó, các bác sĩ ở Philippines phải mặc đồ phòng vệ tự chế từ túi ni lông, túi đựng rác.

Ngày 19/3, Tes Depano, một bác sĩ làm việc tại vùng Los Banos (tỉnh Laguna, Philippines) đăng tải lên trang cá nhân lời kêu gọi giúp đỡ lực lượng y tế trong vùng.

"Số đồ bảo hộ tại bệnh viện của chúng tôi đã cạn kiệt. Các y bác sĩ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự chế đồ để phòng vệ cho bản thân. Chúng tôi kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Y tế (DOH) và nhiều cơ quan, đơn vị khác", Depano viết.

Kèm theo đó là những hình ảnh các nhân viên y tế không được trang bị đồ bảo hộ theo quy định, khiến họ buộc phải sử dụng những túi ni lông, túi đựng rác để che chắn các phần trên cơ thể. Những chiếc túi được cắt, dán lại để làm mũ trùm đầu, buộc giày.

ASEAN thiếu hụt vật tư y tế trong cuộc chiến Covid-19 - Ảnh 1.

Các bác sĩ tại một bệnh viện ở tỉnh Laguna, Philippines phải tự chế đồ bảo hộ từ túi ni lông. (Ảnh: Tes Depano)

Trong khối ASEAN, Indonesia là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, có 6 bác sĩ đã dương tính với Covid-19. Dựa trên các báo cáo cho thấy, thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế của nước này đang thiếu hụt tại hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc.

Một vấn đề khác cũng được đưa ra đó là sự thiếu minh bạch trong vấn đề công khai thông tin về bệnh nhân. Điều này dẫn đến tình trạng các nhân viên y tế không nắm được tình hình bệnh nhân và họ cũng không biết là họ có đang điều trị cho bệnh nhân dương tính Covid-19 hay không và thực trạng này có thể gây nguy hiểm cũng như làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế.

Cũng giống như Malaysia, một số nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Tây Java, Indonesia đã phải mặc áo mưa để phòng dịch vì những bộ đồ bảo hộ cá nhân PPE không có sẵn để phục vụ. 

Người đứng đầu Cơ quan Y tế của TASikmalaya, Uus Supangat cho biết, hiện tại trong thành phố chỉ có 10 bộ PPE và được phân phối cho một số bệnh viện ở TASikmalaya. Ngày 23/3, Indonesia đã bắt đầu cung cấp thêm các dụng cụ bảo vệ cho nhân viên y tế - 105.000 bộ PPE – được phân chia trên toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn cho họ.

Tại Myanmar, hai trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 24/3. Có nhiều lo ngại đặt ra về khả năng chống dịch của quốc gia này. Một bác sĩ ở thị trấn Pathein, Than Min Htut đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ vẫn chưa sẵn sàng cho dịch bệnh, bệnh viện nơi ông làm việc mới chỉ có 7 giường trong khu cách ly và 1 máy thở.

Thực tế, đã có hơn 100 bác sĩ Myanmar tình nguyện tham gia ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 ở nước này. Trong khi một số người còn hoài nghi về hệ thống chăm sóc sức khỏe của Myanmar, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đảm bảo rằng nước này hiện có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm để phát hiện các trường hợp nghi ngờ. Myanmar đã được cung cấp bộ dụng cụ thử nghiệm Covid-19, do Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore và Trung Quốc tài trợ.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đang giúp đỡ lẫn nhau bằng nhiều cách như cung cấp viện trợ và thiết bị y tế; thậm chí gửi các bác sĩ của họ đến những vùng dịch để cùng nhau chống lại đại dịch Covid-19.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ASEAN thiếu hụt vật tư y tế trong cuộc chiến Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO