Ba bộ sưu tập tem của Việt Nam đạt Giải Vàng tại Triển lãm Tem năm nước - Việt Nam 2024
Các bộ sưu tập tem được thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa đặc trưng, mang đến cho người xem sự trải nghiệm thú vị với những thước phim tem bưu chính sống động bằng hình ảnh.
Ngày 11/10/2024, Hội Tem Việt Nam phối hợp cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã tổ chức Lễ Tổng kết, trao giải Triển lãm Tem năm nước - Việt Nam 2024.
Với chủ đề "Cùng tiến bước", triển lãm Tem năm nước - Việt Nam 2024 có quy mô trưng bày 71 bộ sưu tập tương ứng 300 khung, được hội tụ từ các Hội Tem, nhà sưu tập, người yêu tem đến từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và khách mời Hồng Kông (Trung Quốc).
Triển lãm Tem năm nước - Việt Nam 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của Hội Tem Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hội Tem Việt Nam đăng cai tổ chức một triển lãm tem tầm khu vực. Đặc biệt hơn khi Triển lãm được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hòa bình”.
Trong số 65 bộ sưu tập dự thi của các tác giả đến từ 5 quốc gia với 271 khung được chấm giải, Ban Giám khảo đã khẩn trương làm việc, xem xét kỹ lưỡng, phân tích từng con tem để lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất Triển lãm lần này.
Theo đó, Giải Vàng Lớn được trao cho ông Harsono Suwito đến từ Indonesia với bộ trưng bày "Giá cước bưu chính đối với các mặt hàng trên đảo Sumatra 1945-1950”
Giải Vàng đã thuộc về 15 tác giả, trong đó có 3 tác giả đến từ Việt Nam là ông Ngô Viết Vĩnh với bộ sưu tập “Công trình đường sắt ở Việt Nam thời Pháp thuộc (1881 - 1936)”; bà Lê Tố Uyên với bộ sưu tập “Xây nhịp cầu - Nối khoảng cách”; và bà Trần Thị Cành với bộ sưu tập “Vận tải biển”.
Giải Mạ Vàng Lớn của Triển lãm Tem năm nước - Việt Nam 2024 thuộc về 17 nhà sưu tập, trong đó có 3 nhà sưu tập đến từ Việt Nam là ông Nguyễn Hoài Thanh với bộ sưu tập “Tem bưu chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1961)”; ông Nguyễn Huệ Nhương Huyên với bộ sưu tập “Bác Hồ sống mãi cùng đất nước”; và ông Nguyễn Đại Hùng Lộc với bộ sưu tập “Giá cước bưu chính Đông Dương giai đoạn 1899 -1929”.
Đánh giá về các bộ sưu tập tem, đại diện Giám khảo của Liên đoàn Tem chơi thế giới (FIP), Liên đoàn Tem chơi châu Á - Thái Bình Dương (FIAP) và các giám khảo đến từ các quốc gia, ông Đống Lương Sơn, đồng Trưởng Ban Giám khảo bày tỏ sự vui mừng khi có nhiều nhà sưu tập mới tham gia dự thi cùng các nhà sưu tập giàu kinh nghiệm tại Triển lãm lần này. Điều này cho thấy, con tem đang ngày càng được quan tâm, và niềm yêu thích, sưu tập tem đang được lan tỏa rộng khắp, không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực và trên thế giới./.