Bắc Giang đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Đỗ Thêu| 03/09/2021 15:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (CĐS) của Bộ TT&TT, Bắc Giang đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh CĐS.

Bắc Giang đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số - Ảnh 1.

UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 324/KH-UBND về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, tỉnh Bắc Giang đã xác định thực hiện CĐS là xu thế tất yếu. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 324/KH-UBND về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Một trong những nội dung được Kế hoạch số 324/KH-UBND nhấn mạnh là chương trình CĐS sẽ cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và DN, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.

CĐS phải lấy người dân và DN làm trung tâm

Chia sẻ trên Báo Bắc Giang, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, Phó trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh khẳng định quan điểm CĐS của Bắc Giang là phải lấy người dân và DN làm trung tâm. Chính vì thế, mọi hoạt động của chính quyền trong công cuộc CĐS phải hướng đến phục vụ người dân và DN. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết trước mắt Bắc Giang sẽ tập trung nguồn lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho người dân và DN.

Vừa qua, Bắc Giang đã xây dựng Cổng dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang (Open Data); duy trì, nâng cấp, mở rộng các Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung để phục vụ người dân và DN. Đồng thời xây dựng Nền tảng kết nối dịch vụ số hóa tỉnh Bắc Giang để đảm bảo việc kết nối các dịch vụ số hóa với các ứng dụng tại đơn vị và Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; Lưu trữ tài liệu được số hóa, làm hồ sơ gốc phục vụ cho việc quản lý, khai thác tài liệu điện tử.

Ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Giang, cho biết với việc ban hành Nghị quyết số 111-NQ/TU về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy xác định mục tiêu tổng quát: "Phát triển chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp ủy, chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin; phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội".

Trong xây dựng dự án ĐTTM, Bắc Giang cũng xác định sẽ cung cấp các dịch vụ công chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và DN để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, nhằm thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 26/3/2021, Bộ T&TT đã ban hành Quyết định số 377/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS. Theo đó, Bộ TT&TT đặt mục tiêu đẩy nhanh việc CĐS trong các DN nhỏ và vừa thông qua việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc do Chương trình lựa chọn. Các hoạt động của Chương trình nhằm giúp các DN nhỏ và vừa tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Các hiệp hội, hội DN cấp tỉnh sẽ là đầu mối hỗ trợ DN CĐS

Theo kế hoạch CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Bắc Giang, các hiệp hội, hội DN cấp tỉnh sẽ làm đầu mối để hỗ trợ phát triển kinh tế số, hỗ trợ DN CĐS; cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh thông qua việc tái tư duy hướng kinh doanh, tái đánh giá chuỗi giá trị, tái kết nối với khách hàng và từng bước thực hiện tái cấu trúc DN, nâng cao năng lực nội tại của DN.

Chính vì vậy, CĐS DN đã được lãnh đạo Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang nhận định là một xu hướng tất yếu, phù hợp với sự phát triển của xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Công tác tuyên truyền về CĐS được Hiệp hội DN tỉnh chú trọng, nhằm giúp DN xây dựng lộ trình từng bước CĐS, góp phần tạo ra nền kinh tế số bền vững. Với lực lượng cán bộ chủ chốt có năng lực CNTT cao, Hiệp hội DN tỉnh sẽ có đủ điều kiện hỗ trợ cho DN thực hiện hiệu quả các hoạt động CĐS theo mục tiêu đề ra.

Bắc Giang đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số - Ảnh 2.

Bắc Giang tổ chức hội thảo CĐS: Cơ hội và thách thức. Tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền đến các DN về tinh thần và sự cần thiết CĐS.

Tỉnh Bắc Giang cũng nỗ lực tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và DN về sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin và tính cấp thiết của. Mới đây, hơn 200 DN trên địa bàn tỉnh đã được tham dự hội nghị tập huấn trực tuyến chuyên đề "Nhập môn chuyển đổi số - Xây dựng và vận hành một DN online". Sự kiện do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ DN - Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang tổ chức.

Tham gia Hội nghị tập huấn, các DN sẽ nắm bắt tư duy về CĐS một cách đúng đắn nhất để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra các giá trị mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tại hội nghị, Trung tâm đã giới thiệu một số dịch vụ đơn vị đang triển khai như phổ cập website, cung cấp các nền tảng số hóa hoạt động của DN để các đơn vị lựa chọn ứng dụng.

Thí điểm hỗ trợ CĐS cho 300 DN trên địa bàn tỉnh

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 12.000 DN, chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông, Bắc Giang có khoảng 660 DN, hầu hết là kinh doanh thiết bị CNTT, điện tử viễn thông và sửa chữa máy móc, thiết bị; một bộ phận nhỏ sản xuất, đào tạo, triển khai phần mềm CNTT.

Hoạt động CĐS ở các DN thời gian qua được thực hiện khá mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh, xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính DN và hiệu ứng tác động của chủ trương, chính sách mà tỉnh đề ra.

Theo đánh giá, Bắc Giang là một trong 20 địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu CNTT, số lượng DN và lực lượng lao động CNTT. Tuy nhiên, nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, vẫn đang lúng túng, thụ động trong quá trình CĐS, chưa xác định rõ lộ trình, kế hoạch CĐS, ứng dụng CNTT, công nghệ số.

Vừa qua, 300 DN trên địa bàn tỉnh đã được trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ DN, thuộc Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang lựa chọn để hỗ trợ thực hiện thí điểm CĐS trong năm 2021. Tổng kinh phí thực hiện là 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.

Trong số 300 DN này có 200 DN là hội viên Hiệp hội và 100 DN không phải là hội viên. Ông Dương Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ DN tỉnh, cho biết các DN được lựa chọn tham gia thuộc tất cả các lĩnh vực.

Với chương trình thí điểm này, các DN sẽ được hỗ trợ, tập huấn, đào tạo ở một số nội dung chính như: Xây dựng thương hiệu DN trên online; phương pháp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ online; cách thu hút khách hàng từ môi trường online; phương pháp quản trị hoạt động DN giúp giải phóng CEO; tự động hóa DN và lộ trình tự động hóa…

Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ hướng dẫn, giúp đỡ các DN nắm được nội dung và vận hành thành thạo các ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngay sau khi kết thúc, Trung tâm sẽ đánh giá, tổng kết chương trình và nhân rộng mô hình CĐS trong DN trên địa bàn tỉnh vào năm tiếp theo.

Bắc Giang đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số - Ảnh 3.

Bắc Giang xác định sẽ cung cấp các dịch vụ công chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và DN.

Ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang cho biết Bắc Giang tập trung phát triển DN công nghệ số, bao gồm các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội; các DN khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số; thúc đẩy phát triển 3-5 DN công nghệ số điển hình, từng bước thúc đẩy CĐS trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO