Xây dựng hạ tầng kết nối toàn cầu, Viettel hỗ trợ doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới
Một hạ tầng kết nối yếu kém sẽ là "nút thắt cổ chai", kìm hãm sự phát triển và ứng dụng của các công nghệ số tiên tiến, từ đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Tập đoàn Viettel với đại diện là thành viên Viettel Solutions là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nhiều tuyến cáp quang biển nhất đã làm gì để tạo nên “hạ tầng vững biển sâu”.
Mỗi ngày, có hàng tỷ hành động số của loài người diễn ra gần như tức thời: một cuộc gọi video, một giao dịch quốc tế, một thao tác lưu trữ lên đám mây. Đằng sau sự liền mạch đó là một hệ thống hạ tầng khổng lồ, mà cốt lõi là các tuyến cáp quang biển - "xương sống" vật lý của Internet toàn cầu.
Hơn 600 tuyến cáp đang hoạt động dưới đáy đại dương với 1,3 triệu km chiều dài đang chịu trách nhiệm truyền tải hơn 98% lưu lượng dữ liệu quốc tế, biến chúng thành huyết mạch của kinh tế số.
Những xa lộ ngầm quyết định thế giới số
Các khái niệm “hot” nhất trong nền kinh tế số hiện nay như trung tâm dữ liệu lớn (hyperscale) hay nền tảng đám mây (cloud) sẽ không thể hoạt động nếu không có hạ tầng kết nối, tức mạng lưới truyền dẫn mà trái tim của nó là hệ thống cáp quang biển. Về cơ bản, đây là những sợi cáp mỏng chứa các sợi quang học, chúng như những "xa lộ cao tốc" sử dụng xung ánh sáng để truyền dữ liệu với tốc độ cực lớn qua hàng chục ngàn kilomet dưới đáy biển.
Việt Nam hiện được kết nối với thế giới thông qua nhiều con đường bao gồm cáp biển, cáp đất, vệ tinh… Tuy nhiên, cáp biển là hình thức chính chiếm trên 90% dung lượng đi quốc tế, nằm trên 6 tuyến cáp quang biển chính, bao gồm SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, ADC. Hệ thống này đóng vai trò then chốt trong mọi hoạt động, từ giao tiếp cá nhân, thương mại điện tử, đến các giao dịch tài chính quốc tế và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một sự cố trên các tuyến cáp này có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội trên diện rộng, cho thấy tầm quan trọng và tính thiết yếu của việc đảm bảo một hạ tầng kết nối ổn định và vững chắc.
Sự phát triển của các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây (cloud computing) đặt ra nhu cầu nâng cấp và mở rộng đối với hạ tầng kết nối. Hiệu suất của các công nghệ này phụ thuộc trực tiếp vào hai yếu tố: băng thông (khả năng truyền tải lượng dữ liệu lớn) và độ trễ (thời gian phản hồi).
Có thể ví băng thông là số làn đường trên xa lộ ngầm. Băng thông càng lớn, càng nhiều "xe dữ liệu" có thể di chuyển cùng lúc. Trong khi đó, độ trễ là thời gian để một chiếc xe đi từ điểm A đến điểm B. Độ trễ càng thấp, dữ liệu càng được phản hồi nhanh hơn.
Việc huấn luyện một mô hình AI tạo sinh phức tạp đòi hỏi xử lý và di chuyển các tập dữ liệu có thể lên tới hàng Petabyte (1 Petabyte = 1 triệu Gigabyte) giữa các trung tâm dữ liệu toàn cầu. Nếu không có những tuyến cáp với băng thông cực lớn, quá trình này sẽ bị tắc nghẽn, làm chậm quá trình nghiên cứu và triển khai AI.
Trong khi đó, bản chất của cloud là khả năng truy cập tài nguyên tính toán từ bất kỳ đâu. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ mạng lưới kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp giữa người dùng cuối và các trung tâm dữ liệu của những nhà cung cấp hàng đầu thế giới.
Một hạ tầng kết nối yếu kém sẽ là "nút thắt cổ chai", kìm hãm sự phát triển và ứng dụng của các công nghệ số tiên tiến, từ đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Viettel xây cầu kết nối Việt Nam với thế giới
Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trong đó nhấn mạnh "hạ tầng số phải đi trước một bước". Cụ thể hóa tầm nhìn này, Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030 đã đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể cho hệ thống cáp quang biển.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu triển khai và đưa vào hoạt động tối thiểu thêm 10 tuyến cáp quang trên biển mới, nâng tổng số tuyến cáp quang trên biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến với dung lượng tối thiểu 350 Tbps, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực.
Đến 2035, hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu của khu vực về cả số lượng, dung lượng và chất lượng, hướng tới đảm bảo 90% dung lượng kết nối tới các Digital Hub lớn tại châu Á và 10% dung lượng dự phòng tới các Digital Hub tại châu Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, Viettel là doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư vào nhiều tuyến cáp quang biển nhất.
Tuyến cáp AAG, tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương đầu tiên kết nối trực tiếp Đông Nam Á với Mỹ.
Tuyến cáp IA (Intra Asia) kết nối các nước trong khu vực châu Á, hiện tại là tuyến cáp có độ trễ kết nối thấp nhất từ Việt Nam đến Singapore. Viettel là nhà mạng duy nhất tại Việt Nam là nhà đầu tư và vận hành trạm cập bờ tại Việt Nam.
Tuyến APG (Asia Pacific Gateway) có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tbps, kết nối đến 8 quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, AAE-1 (Asia-Africa-Europe 1) là tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu. Viettel hiện đang sở hữu 1 trạm cập bờ của tuyến cáp này, đây cũng là tuyến cáp duy nhất kết nối thẳng trực tiếp đến châu Âu.
ADC (Asia Direct Cable) là tuyến cáp mới và hiện đại nhất Viettel Solutions đã công bố khánh thành vào tháng 12/2024 và chính thức khai thác thương mại tại Việt Nam từ tháng 4/2025. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến ADC lên đến 290 triệu USD với sự hợp tác của 9 tập đoàn viễn thông hàng đầu bao gồm Viettel.

ADC kết nối trực tiếp tới cả 3 trung tâm Internet của khu vực châu Á gồm Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản. Dung lượng tối đa của ADC là 50 Tbps, là tuyến cáp biển có dung lượng lớn nhất đã đi vào khai thác tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

Một hạ tầng như vậy là nền tảng để các DN Việt Nam tự tin cung cấp dịch vụ ra thị trường quốc tế, từ xuất khẩu phần mềm, dịch vụ CNTT đến thương mại điện tử. Một hạ tầng kết nối mạnh mẽ cũng là 1 yếu tố rất quan trọng để hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ các tập đoàn công nghệ lớn (BigTech) trên thế giới.
Băng thông cực lớn và độ trễ thấp từ các tuyến cáp như ADC cho phép Viettel cung cấp các dịch vụ số chất lượng cao nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về video 4K/8K, game trực tuyến, AR/VR và các ứng dụng AI.
Cam kết của Viettel Solutions không chỉ dừng lại ở hiệu suất. Các tuyến cáp quang thế hệ mới như ADC được thiết kế với công nghệ tiên tiến, giúp tăng hiệu suất sử dụng so với các thế hệ trước./.