Bắc Giang: Nâng cao giá trị nông nghiệp từ chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Đỗ Thêu| 23/07/2020 21:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là một giải pháp bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện giải pháp này, những năm trở lại đây, các Sở ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ nhiều địa phương cũng như hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) xây dựng thành công mô hình này, từng bước đưa ngành nông nghiệp của địa phương lên một tầm cao mới.

Bắc Giang: Nâng cao giá trị nông nghiệp từ chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm - Ảnh 1.

Mô hình trồng na ở huyện Lục Nam được cấp giấy chứng nhận VietGAP, giá trị đem lại cao hơn 1,2 - 1,3 lần so với sản xuất thường.

Tìm hiểu được biết, ngay từ năm 2018, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang đã chủ trì thực hiện đề án: Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đối với mỳ Chũ, nấm ăn, thịt lợn sạch và rau an toàn. Việc xây dựng 4 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm hình thành liên kết sản xuất, hợp tác kết nối tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nâng cao giá trị sản xuất.

Tham gia thực hiện đề án, các DN được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư trang thiết bị, được đi học hỏi kinh nghiệp, trao đổi với các đối tác tìm đầu ra cho sản phẩm.

Điển hình như Hợp tác xã (HTX) rau sạch Yên Dũng (thị trấn Neo, huyện Yên Dũng), được thành lập năm 2016, số vốn điều lệ hơn 2,7 tỷ đồng, với diện tích 30 ha, sản lượng 3 vụ đạt hơn 1.000 tấn. Hiện, sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại các siêu thị, bếp ăn công nghiệp và là đơn vị liên kết của Tập đoàn T&T với chuỗi siêu thị Qmart.

Theo đại diện của DN, thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, HTX được quan tâm hỗ trợ 1 container để bảo quản rau, 1 bộ sục rửa ozon, tổng giá trị hơn 50 triệu đồng. Hiện, sản phẩm của HTX không đủ cung cấp cho thị trường.

Không chỉ các DN, những năm gần đây, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, việc triển khai hình thành liên kết sản xuất, hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm cũng được đặc biệt quan tâm.

Trong đó, huyện Tân Yên là một điển hình. Trên địa bàn huyện hiện đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên những sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Điển hình như: vùng trồng lạc giống khoảng 2.700ha/năm, trồng tập trung trên 5 cánh đồng mẫu và 18 vùng có diện tích từ 5ha/vùng trở lên. Vùng rau quả thực phẩm có diện tích gần 2.700ha, sản xuất tập trung tại 45 vùng với quy mô từ 5 - 7ha trở lên; xây dựng, duy trì và mở rộng vùng sản xuất rau đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với 1.200ha, có giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế tăng 20 - 23% so với sản xuất đại trà.

Vùng rau quả chế biến, sản xuất tập trung tại 33 vùng với diện tích 631ha, sản phẩm được các DN bao tiêu sản phẩm, giá trị thu nhập bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/ha/vụ. Hay gần 1.400 ha vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: vải sớm, nhãn muộn, bưởi, ổi, vú sữa. Trong đó, nhiều diện tích trồng theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Tương tự, tại huyện Lục Ngạn, xác định vải thiều là cây trồng chủ lực, huyện có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con đồng hành phát triển trang trại, thu hút các DN đầu tư vào chế biến, sản xuất, tiêu thụ tạo chuỗi liên kết. Khuyến khích chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình tập huấn hỗ trợ giống cây ăn quả, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân.

Nhờ vậy, hiện nay, sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP, Globalgap đang được đẩy mạnh và lan rộng ra trên toàn huyện. Năm nay cũng là năm đầu tiên vải thiều được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Nhật Bản…

Hình thành HTX kiểu mới

Với việc chủ trương đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Bắc Giang, đến nay, các DN, HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang hoạt động ngày càng ổn định, hiệu quả. Tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương có liên kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra theo hợp đồng.

Các sản phẩm của HTX được tiêu thụ dưới nhiều hình thức và kênh phân phối khác nhau như: qua hệ thống chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu… Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã bước đầu gắn với sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, địa phương và theo nhu cầu của thị trường. Qua đó, có thể thấy, đây là một giải pháp cực kỳ hiệu quả và bền vững trong việc nâng cao giá trị nông sản.

Về định hướng trong thời gian tới, được biết, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ, hoàn thiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực như: Gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, chè bản Ven, rượu làng Vân, nấm Lạng Giang, na Lục Nam và cam, bưởi Lục Ngạn… 

Đồng thời, Sở tích cực xây dựng mối liên kết, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, DN, HTX với mục tiêu loại bỏ khâu trung gian, kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối, chế biến sâu, uy tín, hiệu quả… từ đó đưa nông sản vươn ra thị trường khó tính ngoài nước, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Giang: Nâng cao giá trị nông nghiệp từ chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO