Kết quả CĐS của các cơ quan, đơn vị sẽ được công bố công khai hàng năm
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 2937/QĐ-UBND ban hành Bộ chỉ số đánh giá CĐS (DTI) tỉnh Bắc Giang. Bộ chỉ số được xây dựng phù hợp với Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ TT&TT phê duyệt Đề án "Xác định Bộ chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của quốc gia" và Kế hoạch số 324/KH-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Quyết định, nội dung chỉ số được chia thành 03 nhóm gồm: Bộ chỉ số đánh giá CĐS của các sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Bộ chỉ số đánh giá CĐS của UBND huyện, thành phố; Bộ chỉ số đánh giá CĐS của UBND xã, phường, thị trấn.
Đối với các sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND huyện, thành phố, hằng năm, các đơn vị sẽ cung cấp kết quả thực hiện CĐS trên Hệ thống phần mềm chấm điểm DTI tỉnh Bắc Giang. Số liệu báo cáo được tính từ ngày 15/10 của năm trước đến ngày 15/10 của năm đánh giá. Số liệu do các sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND cấp huyện cập nhật sẽ được tự động tính toán điểm số tương ứng với các chỉ số chính và các chỉ số thành phần.
Sở TT&TT sẽ thực hiện đánh giá độc lập các tiêu chí thông qua Hệ thống phần mềm chấm điểm DTI tỉnh Bắc Giang; phối hợp các cơ quan liên quan thẩm tra, xác minh số liệu báo cáo của các cơ quan, đơn vị và yêu cầu giải trình, làm rõ nếu số liệu báo cáo chưa hợp lý; thực hiện đánh giá, xếp loại hằng năm đối với các sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố. Sau khi thực hiện đánh giá, kết quả xếp loại mức độ CĐS các sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố sẽ được công bố trước 15/12 hằng năm.
Đối với UBND xã, phường, thị trấn, kết quả xếp loại mức độ CĐS cấp xã sẽ được công bố trước ngày 15/11 hằng năm. Thời gian thực hiện đánh giá DTI cấp xã áp dụng từ năm 2023.
Bộ chỉ số này là căn cứ để các sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn xây dựng, thực hiện kế hoạch nâng hạng chỉ số CĐS hằng năm tại cơ quan, đơn vị; đồng thời làm cơ sở để kiểm tra, đánh giá, thẩm định kết quả CĐS gắn với đánh giá kết quả xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Mục đích của Bộ chỉ số đánh giá CĐS là để theo dõi, đánh giá thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện CĐS hằng năm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch CĐS. Điều này cũng góp phần thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực ứng dụng CNTT, thực hiện CĐS trong các lĩnh vực, từ đó tạo các điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh hàng ngày, đóng góp vào nâng cao đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
3 nền tảng số sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 10
Cũng nhằm công khai, minh bạch thông tin góp phần thúc đẩy CĐS, mới đây, tỉnh Bắc Giang đã công bố những kết quả bước đầu của việc thực hiện triển khai nền tảng số quốc gia trong năm 2022. Theo đó, trong tháng 10 này, dự kiến sẽ có 3 nền tảng được chính thức đưa vào sử dụng. Hiện tại, những nền tảng này đang được chạy thử nghiệm. Đó là các nền tảng Trung tâm giám sát điều hành thông minh; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu và Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân.
Ngoài ra, đã có 12 nền tảng được đưa vào triển khai, bao gồm tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Giang; họp trực tuyến; hóa đơn điện tử; định danh người dân và xác thực điện tử; học kỹ năng trực tuyến mở; dạy học trực tuyến; địa chỉ số; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử; trạm y tế xã; phát thanh số (trực tuyến); truyền hình số (trực tuyến).
Việc triển khai các nền tảng số quốc gia nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và liên thông cơ sở dữ liệu, tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng thông tin. Các nền tảng số cũng giúp đẩy mạnh CĐS trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn khẳng định CĐS là xu thế tất yếu, mở ra nhiều cơ hội, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang nhận định việc phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số là một trong những nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện công cuộc CĐS.
"Xây dựng, phát triển các nền tảng ứng dụng (app) trên thiết bị di động để người dân, DN khai thác, sử dụng tiện lợi trong giao dịch với chính quyền và tra cứu thông tin", lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nói.
Để đồng hành cùng DN, người dân, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã xác định CĐS là một trong những đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội. Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Bắc Giang đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, Sở TT&TT Bắc Giang đã phối hợp với Cục CĐS Quốc gia của Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2022. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 10 điểm cầu cấp huyện và 209 điểm cầu cấp xã, phường thị trấn với sự tham gia của gần 16.000 thành viên của Tổ CNSCĐ cấp xã, cấp thôn.
Các thành viên của Tổ CNSCĐ các cấp đã được trang bị thêm nhiều kiến thức như hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn mua bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (voso, postmart); định hướng tuyên truyền một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm về CĐS tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.