Bạc Liêu: Tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị phương tiện chữa cháy
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), chủ động phòng ngừa cháy nổ, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra nhiều biện pháp để tăng cường đảm bảo công tác PCCC.
Nhiều mô hình phòng cháy, chữa cháy
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 về tăng cuờng công tác PCCC trong tình hình mới, trong đó chỉ tiêu trong năm 2023 vận động mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký ban hành văn bản số 1790 yêu cầu ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, phấn đấu mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ cứu hộ cần thiết.
Theo đó, để đảm bảo điều kiện an toàn PCCC tại mỗi hộ gia đình theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy; kịp thời xử lý ngay các sự cố cháy bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của mỗi hộ gia đình; thể hiện tính gương mẫu, đi đầu của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tinh và góp phần thực hiện chỉ tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị địa phương tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân thuộc cơ quan, đơn vị tự trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy (dạng bột ABC từ 4 kg trở lên) tại gia đình và vận động người thân, quần chúng nhân dân nơi cu trú thực hiện.
Đồng thời, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân thuộc cơ quan, đơn vị đã trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình gửi về Công an tỉnh.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu - Đại tá Bùi Xuân Khởi cho biết: Tăng cường PCCC trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện nay, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về nguy cơ xảy ra cháy tại các cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn, sử dụng điện an toàn, nắm chắc được cách thức sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu, phương pháp, kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đầu, kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra, sử dụng điện an toàn.
Cũng theo Đại tá Bùi Xuân Khởi, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các địa phương tập trung hoàn thành các chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 01. Cụ thể, vận động hộ gia đình tự trang bị một bình chữa cháy và mỗi gia đình ít nhất có một người được tập huấn về kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Phấn đấu đến 31/12/2023 hoàn thành 100% trên toàn tỉnh.
Đẩy mạnh các điều kiện sớm hoàn thành xây dựng Tổ liên gia an toàn PCCC trước ngày 30/6/2023 và tổ chức diễn tập cho 100% Tổ liên gia an toàn PCCC trong Quý III/2023. Thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH cho Ban quản trị nhà chung cư, đơn vị quản lý nhà tập thể và vận động, hướng dẫn hộ gia đình có “chuồng cọp” mở lối ra khẩn cấp và 100% nhà từ 2 tầng trở lên có lối thoát nạn khẩn cấp thứ 2 để thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
Phòng cháy, chữa cháy từ mỗi người dân
Chia sẻ với báo chí, Trung tá Nguyễn Tấn Đạt, Phó Trưởng Công an TP Bạc Liêu cho biết: Thành phố Bạc Liêu là địa bàn có mật độ dân cư đông, do đó, để phòng ngừa nguy cơ xảy ra cháy nổ, Công an thành phố cũng chỉ đạo Công an các phường, xã tăng cường xây dựng các mô hình PCCC ở địa bàn dân cư như: Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng, Khu dân cư an toàn PCCC... nhằm xây dựng, duy trì và phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia PCCC, tạo điều kiện để mỗi hộ gia đình được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị chữa cháy ban đầu để sẵn sàng, kịp thời đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Để phát động tích cực phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn, hơn ai hết lực lượng Cảnh sát PCCC Công an Bạc Liệu xác định phải là lực lượng tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định về PCCC và CNCH để cán bộ, nhân dân hưởng ứng, tham gia.
Cùng với đó, trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cũng quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa cháy nổ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh trên địa bàn.
Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy đi liền với xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24h tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Ðể bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ, mỗi người dân, mỗi gia đình cần chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho bản thân và người thân trong gia đình. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người dân cần trang bị và biết cách sử dụng bình chữa cháy cầm tay, cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, các thiết bị sinh nhiệt cao như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện,…
Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Cùng với đó, lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh./.