Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, Áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp và đi vào đất liền tỉnh Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm Áp thấp nhiệt đới giảm xuống dưới cấp 6. Trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thêm. Từ ngày 27/10, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa 50-80mm, có nơi trên 100mm. Từ đêm 27/10 mưa lớn ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giảm. Lưu ý từ đêm 27/10 đến ngày 31/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.
Những ngày qua, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đã có mưa to đến rất to. Do vậy, một số khu vực đã và đang còn ngập ở Quảng Nam và Quảng Ngãi sẽ có nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở là rất cao. Mưa lớn cùng gió giật mạnh cũng sẽ gây nguy cơ mất an toàn cao đối với các hồ chứa, các khu công nghiệp khai thác khoáng sản lớn ở Tây Nguyên và các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên, Khánh Hòa.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai chỉ đạo, mặc dù áp thấp nhiệt đới đổ bộ đất liền với cường độ không lớn, nhưng vẫn gây ra mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, các địa phương thuộc các khu vực nêu trên không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, có biện pháp rà soát, kiểm tra việc sơ tán dân từ các khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn, tiếp tục động viên, hỗ trợ bà con ổn định tâm lý, nhất là sau nhiều lần di dời, tránh trú thiên tai. Các tỉnh cần phải quan tâm đảm bảo an toàn lao động trên các lồng bè, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra như đợt mưa bão trước. Thứ trưởng đề nghị lực lượng bộ đội biên phòng và địa phương theo dõi tàu thuyền và di chuyển tàu thuyền vòng tránh ra khỏi khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Quang – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến nay đã kiểm đếm, hướng dẫn 49.192 tàu/261.359 người, trong đó có 2.792 tàu/12.121 người đang hoạt động trong khu vực biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Về tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ những ngày qua, ông Quang chia sẻ thêm, hiện tại các tuyến đường Quốc lộ, đường Hồ Chí Minh và đường sắt đã thông tuyến. Các tỉnh lộ, huyện lộ đã khắc phục được các sự cố sạt lở. Tại tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, các hộ dân đi sơ tán đã trở về nơi cư trú. Quảng Nam hiện còn 852 nhà/2.982 người bị ngập.
Về thiệt hại do thiên tai: đã 05 người chết, tăng 04 người (03 người tại Quảng Ngãi mất tích đã tìm thấy thi thể; 01 người tại Quảng Nam mất tích từ 23/10 đã tìm thấy thi thể); 01 người mất tích tại Quảng Trị (nhảy khỏi tàu mắc cạn ở đập tràn Nam Thạch Hãn bị nước cuốn trôi).
Về nhà: 12 nhà bị hư hại (Quảng Nam: 08, Bình Định 01, Quảng Ngãi 03).
Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản: 262 ha lúa và 549 ha rau màu bị thiệt hại; 1,2 tấn cá và 11.254 con tôm, gia súc, gia cầm các loại bị chết; 153 ha thủy sản bị thiệt hại. Sạt lở 9.670m, bao gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Chia sẻ thông tin liên quan đến tình trạng xả lũ ở các tỉnh miền Trung mà các cơ quan báo chí đã đưa tin trong những ngày gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai nhấn mạnh, trong quy trình vận hành các hồ, khi lưu lượng nước lũ đổ về hồ nhỏ nhưng hồ vận hành điều tiết xả với dung lượng nước lớn hơn thì đó gọi là quy trình xả lũ. Khi lưu lượng nước về hồ lớn trong khi lưu lượng xả nhỏ hơn lượng nước về hồ thì không thể gọi là xả lũ, và đây là quy trình vận hành điều tiết, cắt lũ. Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai thường xuyên cung cấp thông tin chi tiết cho báo chí để thông tin chính xác, đúng với các thuật ngữ chuyên môn.
Nếu đợt mưa lớn này diễn ra thì các hồ gần đầy nước phải chủ động điều tiết hạ mực nước để dành dung tích cắt lũ cho hạ du. Riêng đối với các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên phải chủ động tích nước chuẩn bị cho mùa khô hạn sắp tới, nhất là nguy cơ hạn hán xảy ra ngay sau tết.
Đối với khu vực miền núi, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, khu vực Nam Tây Nguyên… cần quan tâm vấn đề sạt lở đất, nhất là khu vực đã có cảnh báo. Trong 3 ngày tới, địa phương cần bố trí người, lực lượng để ứng trực nhất là thời điểm ban đêm để báo động, thông tin kịp thời tới người dân, đảm bảo an toàn tính mạng. Các địa phương đảm bảo lực lượng ứng trực để đảm bảo "thông đường nhanh nhất có thể" nhằm khắc phục hậu quả bão lũ và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Các địa phương chủ động tổng hợp, báo cáo thiệt hại để báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thẩm quyền để điều tiết ngân sách hỗ trợ địa phương theo quy định.