Báo chí

Báo chí cách mạng hướng đến công chúng truyền thông

S.H 15/12/2023 11:24

Sự phát triển các loại hình báo chí có khả năng thích ứng trong kỷ nguyên số cần coi nội dung là thành phần cốt yếu tạo nên các sản phẩm báo chí. Các cơ quan báo chí cần trả lời các câu hỏi: Nội dung nào cần sản xuất? Công chúng mong đợi gì từ nội dung đó?

Công chúng là yếu tố quan trọng trong mô hình truyền thông truyền thống cùng với các chủ thể truyền thông, kênh, thông điệp, nhiễu và phản hồi. Với các sản phẩm báo chí, truyền thông thời công nghệ số, việc nghiên cứu công chúng cần phải được xem xét thông qua các đặc điểm của công chúng và tâm lý tiếp nhận của công chúng. Các sản phẩm báo chí, truyền thông dưới ảnh hưởng của công nghệ số là một dòng sản phẩm theo xu hướng báo chí công nghệ, dựa trên việc khai thác các thế mạnh của đa dạng dữ liệu, có nội dung chuyên sâu trên nền tảng đa phương tiện nên quá trình nhận diện công chúng của dòng sản phẩm này vừa thể hiện các đặc điểm tâm lý của công chúng báo trên không gian mạng, vừa thể hiện tâm lý tiếp nhận của các loại hình báo chí truyền thống.

Báo mạng điện tử với tính tức thời và phi định kỳ đã luôn đặt vấn đề thời sự lên hàng đầu trong cuộc chạy đua thông tin giữa các tờ báo, giữa các loại hình báo chí và với mạng xã hội. Do yêu cầu về tính thời sự, nên đặc điểm của thông tin trên báo mạng điện tử phải cô đọng, súc tích. Đồng thời, với đa số là những thông tin bề mặt, công chúng có nhu cầu được hiểu sâu các vấn đề họ quan tâm.

Công chúng truyền thông của dòng sản phẩm báo chí dựa trên công nghệ số thường không bị bó buộc về quỹ thời gian cũng như không gian truy cập, vì đây là cơ sở để quyết định thái độ đọc của độc giả có sâu hay không. Mỗi độc giả có những tiêu chí riêng của mình trong việc lựa chọn đọc cái gì. Khi công chúng có nhu cầu đọc chi tiết, đọc sâu một vấn đề họ thường không bị chi phối về mặt thời gian. Công chúng có thể lựa chọn nhiều loại sản phẩm báo chí khác nhau vì tâm lý tiếp nhận tương tự như việc họ đọc tạp chí (Đối với báo in). Khi độc giả cầm một tờ báo, quá trình dẫn đến đọc trọn vẹn một bài báo thường diễn ra theo ba giai đoạn gồm xem lướt, quyết định lựa chọn và đọc.

Những người làm báo luôn phải thừa nhận và tôn trọng tính tự do trong lựa chọn của công chúng, nhất là với những độc giả có động cơ và mục đích rõ ràng trong việc lựa chọn những thông tin chất lượng. Trong dòng chảy phát triển của truyền thông số, không ít công chúng có nhu cầu tiếp nhận những thông tin chuyên sâu, hữu ích, hàm lượng tri thức cao, có khả năng tham khảo, áp dụng trong từng lĩnh vực, từng nhánh đối tượng cụ thể, chuyên biệt trên báo mạng điện tử.

Công chúng truyền thông lựa chọn đọc báo chí dựa trên công nghệ số trên báo mạng điện tử thay vì các loại hình báo chí hay dòng sản phẩm khác là bởi những thông tin chuyên biệt được thể hiện dưới nền tảng đa phương tiện sinh động và hấp dẫn, rất phù hợp với nhóm công chúng trí thức trẻ. Họ vừa là những người có nhu cầu về thông tin chuyên biệt, có nhu cầu đọc sâu, vừa là những người có điều kiện tiếp nhận và khả năng nhạy bén, thích ứng với công nghệ.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, đồng thời cũng khẳng định phải tăng cường định hướng, quản lý các cơ quan báo chí, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng khẳng định “Chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; Bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; Đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; Tạo nguồn thu mới; Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.

Công chúng truyền thông là đối tượng mục tiêu của báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện tính quần chúng ở cả nội dung và hình thức, cả mục đích và hoạt động. Do đó, các cơ quan báo chí, truyền thông cần theo sát công chúng truyền thông để triển khai các hoạt động của mình, đồng thời tạo điều kiện để họ tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả của báo chí, truyền thông, coi các cơ quan báo chí, truyền thông là cơ quan để quần chúng phát huy quyền làm chủ, quyền tự do ngôn luận đúng pháp luật. Trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, công chúng truyền thông vừa là đối tượng truyền thông mục tiêu vừa là chủ thể phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như phản biện xã hội đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước.

Tại Việt Nam, truyền thông đại chúng luôn được coi là kênh thông tin quan trọng để đưa thông tin chính sách của Đảng, nhà nước tới người dân, từ các quyết định chính trị, các giải pháp phát triển kinh tế, đến các chính sách bảo hiểm xã hội, các vấn đề về giáo dục, y tế, môi trường... và cũng là diễn đàn quan trọng của nhân dân trong việc phản hồi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí cách mạng hướng đến công chúng truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO