Báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

TS. Cao Thị Dung| 27/08/2022 14:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Vai trò giám sát của báo chí trong công cuộc phòng chống tham nhũng như một phương thức "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ bên trong hệ thống" với sự tham gia của các yếu tố bên ngoài trong đó báo chí có ý nghĩa, vai trò quan trọng.

Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cùng với phương thức đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ bên trong hệ thống, sự tham gia của các yếu tố bên ngoài, trong đó báo chí có ý nghĩa, vai trò quan trọng. Báo chí được đánh giá là một trong những lực lượng đi đầu và hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Báo chí truyền thông là hoạt động thông tin - giao tiếp xã hội trên quy mô rộng lớn nhất, là công cụ và phương thức kết nối xã hội hữu hiệu nhất, là công cụ và phương thức can thiệp xã hội hiệu quả nhất trong mối quan hệ với công chúng và dư luận xã hội, với nhân dân và các nhóm lợi ích, với các nước trong khu vực và quốc tế...

Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học: báo chí là báo và tạp chí; xuất bản phẩm định kỳ. Theo triết học cổ Hy Lạp, chữ báo chí xuất phát từ chữ "information" có nghĩa là thông tin, thông báo, báo tin và được hiểu như việc tạo ra hình thái giúp cho sự hiểu biết của con người về thế giới xung quanh đang tồn tại bằng việc lấy hiện thực khách quan để phản ánh một cách liên tục, xuyên suốt trong quan hệ chặt chẽ giữa nhà báo - tác phẩm - công chúng.

Báo chí là phương tiện thông báo, thông tin thời sự - về những sự việc mới diễn ra hàng ngày cho nhiều người biết; là phương tiện giao tiếp đại chúng; là diễn đàn cung cấp, trao đổi và chia sẻ thông tin trên phạm vi rộng rãi. Trong phòng, chống tham nhũng, báo chí đóng vai trò là chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội một cách mạnh mẽ nhất. Phần lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí ở nhiều quốc gia nêu ra đã tạo áp lực cũng như tạo cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc chống tham nhũng.

Tính tất yếu của báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng xuất phát từ các yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất, chức năng giám sát quyền lực, phản biện chính sách của báo chí quy định tính tất yếu của báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng.

Trong xã hội hiện đại, báo chí có các chức năng cơ bản: 

Một là, chức năng thông tin của báo chí bởi xã hội càng phát triển, nhu cầu thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội càng cao, thúc đẩy báo chí phát triển ngày càng mạnh mẽ; 

Hai là, chức năng tư tưởng bởi báo chí là phương tiện quan trọng để tuyên truyền quan điểm, đường lối, chính sách của các Đảng, nhất là Đảng cầm quyền đến các tầng lớp xã hội; 

Ba là, chức năng khai sáng - giải trí bởi báo chí là kênh quan trọng cung cấp thông tin, kiến thức khoa học, giáo dục, văn hóa...; đồng thời phục vụ nhu cầu giải trí đối với đông đảo công chúng; 

Bốn là, chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội bởi báo chí luôn được các học giả ví là công cụ "gác cổng" và giám sát xã hội; Năm là, chức năng kinh tế - dịch vụ bởi sản phẩm báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt, được kinh doanh trong cơ chế thị trường.

Tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, báo chí đã và đang phát huy chức năng, vị thế của mình, đặc biệt là chức năng giám sát, phản biện xã hội mà cụ thể là giám sát quyền lực và giám sát, phản biện quá trình thực thi chính sách. Giám sát quyền lực là giữ cho quyền lực trong vòng trật tự nhất định, tránh lạm dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi, còn phản biện chính sách được hiểu là sự phân tích, nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức đối với dự thảo phương án chính sách, các chương trình dự án chính sách của Nhà nước trên cơ sở các tiêu chí và nguyên tắc nhất định nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng chính sách, chương trình dự án chính sách.

Báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng - Ảnh 1.

(Hình minh họa: Internet)

Ở các quốc gia trên thế giới, báo chí đều tham gia giám sát sự vận hành của các tiến trình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát hiện, có những cảnh báo kịp thời những nguy cơ, vấn đề nảy sinh ảnh hưởng đến ổn định và phát triển chung. Trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, báo chí giám sát đối với các cơ quan, tổ chức quyền lực công, các cá nhân lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thể hiện sự phản biện xã hội, tạo dư luận trong nhân dân. Đối với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sự giám sát quyền lực và hoạt động thực thi chính sách của báo chí thông qua các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Một mặt báo chí điều tra, đưa ra công luận các vụ án, thông tin tham nhũng, mặt khác, báo chí phản ánh ý kiến của nhân dân, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ công quyền.

Ở New Zealand, báo chí giữ vai trò quan trọng trong việc phát hiện, đưa tin, tố giác tham nhũng. Quyền tự do báo chí ở New Zealand được đảm bảo bởi các quy định của pháp luật, các phương tiện truyền thông đa dạng dưới các hình thức khác nhau cũng độc lập giúp quyền tự do báo chí được thực thi trên thực tế.

Ở Đan Mạch, các phương tiện truyền thông trong đó có báo chí có vai trò nổi bật trong hệ thống liêm chính, thực hiện chức năng giám sát ba loại quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Để khuyến khích báo chí và nhà báo tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hiệp hội Nhà báo Đan Mạch thường niên trao thưởng cho các nhà báo có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này.

Ở Trung Quốc, trên cơ sở việc báo chí thực hiện chức năng kiểm soát xã hội, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành chống tham nhũng hiệu quả, vạch trần được tội trạng của nhiều nhân vật là các quan chức cấp cao ở quốc gia này. Những kết quả đạt được trong đấu tranh chống tham nhũng của Trung Quốc là sự phản chiếu hiệu quả việc giám sát và kiểm soát xã hội của báo chí Trung Quốc.

Thực tiễn phát triển của xã hội cho thấy, bất kỳ quốc gia nào mà quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước không được kiểm soát chặt chẽ có thể xuất hiện xu hướng lạm dụng quyền lực, và khi quyền lực bị lạm dụng sẽ dẫn đến hệ lụy nguy hiểm là tha hóa quyền lực, tác động tiêu cực, thậm chí cản trở, phá hoại sự phát triển quốc gia. Giám sát quyền lực và giám sát, phản biện quá trình thực thi chính sách của báo chí thực chất là việc tham gia theo dõi quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng chính trị và Nhà nước để phát hiện vấn đề, hiện tượng tích cực cần được khuyến khích, biểu dương, nhân rộng,... đồng thời phát hiện vấn đề, hiện tượng có thể ảnh hưởng tiêu cực, làm suy giảm hiệu quả xã hội của chủ trương, chính sách đó. Thông qua các hoạt động này, báo chí góp phần hạn chế việc lạm dụng quyền lực của công chức, viên chức và của chính các cơ quan công quyền.

Thứ hai, thể chế phòng, chống tham nhũng của các quốc gia còn có "lỗ hổng" bởi vậy sự tham gia của báo chí là kênh bổ sung kiểm soát quyền lực, kiểm soát tham nhũng.

Hiện nay, theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới có chỉ số cảm nhận tham nhũng rất thấp thể hiện sự hoành hành của tệ tham nhũng, tác động xấu tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ấy là do hệ thống thể chế phòng, chống tham nhũng ở các quốc gia chưa chặt chẽ.

Chẳng hạn ở Uzbekistan hệ thống luật pháp lỏng lẻo khiến tình trạng tham nhũng không ngừng sinh sôi. Người dân ở đây thường xuyên thực hiện hành vi hối lộ để làm việc, xin việc… và tham nhũng trở thành thói quen trong cuộc sống của người dân nước này. Hay trong quá trình cải cách thể chế, Trung Quốc còn những "lỗ hổng". Với vị trí là đất nước rộng lớn, lịch sử hình thành và xây dựng đất nước Trung Quốc trải qua nhiều thời đại, chế độ tập quyền ở Trung ương không đủ sức vươn đều tới mọi vùng xa xôi hẻo lánh, bởi vậy, dẫn tới tình trạng trên có chính sách, dưới có đối sách.

Để có thể phòng, chống tham nhũng hiệu quả, một trong những đòi hỏi đối với các quốc gia trên thế giới là phải xây dựng được hệ thống thể chế chặt chẽ, không khoan nhượng đối với hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, do truyền thống lịch sử và điều kiện kinh tế - xã hội của các quốc gia khác nhau, nên hệ thống thể chế trong đó có thể chế phòng, chống tham nhũng về tính chặt chẽ cũng khác nhau.

Bởi vậy, đối với các quốc gia còn tồn tại những "lỗ hổng" trong thể chế phòng, chống tham nhũng, thì sự tham gia của báo chí là kênh bổ sung góp phần kiềm chế tham nhũng. Cùng với sự kiểm soát quyền lực bằng quyền lực, sự giám sát của nhân dân, báo chí là yếu tố quan trọng trong kiểm soát quản lý nhà nước. Báo chí là phương tiện thông tin đại chúng cơ bản nhất, có khả năng kết nối dư luận xã hội, tạo sức ép lên nhà nước, buộc nhà nước phải thể hiện trách nhiệm trong nhiều vấn đề quan trọng.

Ở các nước phương Tây, vai trò của báo chí trong giám sát, kiểm soát quyền lực được đề cao với đầy đủ hành lang pháp lý. Ở Việt Nam, về bản chất nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân; quản lý nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyền lực của nhân dân, của dư luận xã hội được kết nối, thể hiện thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông.

Thứ ba, xét trong hệ thống cấu trúc quyền lực, ở nhiều quốc gia, báo chí được xem như quyền lực thứ tư.

Khái niệm quyền lực thứ tư ra đời ở Anh từ cuối thế kỷ XVIII. Với tư cách là "quyền lực thứ tư", báo chí có thể được xem như một thiết chế chính trị bên ngoài, có vị trí độc lập tương đối với nhà nước (do tính chất tư nhân và hoạt động tìm kiếm lợi nhuận). Do không có được nền tảng nhà nước, nên "quyền lực thứ tư" không có sức mạnh cưỡng chế (không có tính bắt buộc) như các nhánh quyền lực khác.

Tuy nhiên, trong thực tiễn chính trị học khẳng định, báo chí có thể đạt tới đỉnh cao và trở thành quyền lực thứ tư khi nó tác động mạnh mẽ, tích cực tới các nhánh quyền lực trong xã hội, thúc đẩy quá trình hoạch định và thực thi chính sách nhà nước có hiệu quả. Sự tác động của báo chí trong đời sống chính trị được thể hiện rất đa dạng và phong phú, ở cả sức ảnh hưởng tới các quan điểm chính trị với vị trí là phương tiện được tổ chức và chỉ đạo bởi một hệ thống chính trị nhất định. Và trong thực tế, báo chí được coi là quyền lực tham gia giám sát, kiểm soát cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính sự tách bạch các lĩnh vực của quản lý nhà nước cùng với cơ chế kiềm chế đối trọng và sự giám sát, kiểm soát của báo chí đã hạn chế lạm dụng quyền lực - một trong những biểu hiện của tham nhũng.

Mỹ không chỉ là cường quốc số một về kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ mà còn là cường quốc số một về báo chí. Báo chí Mỹ luôn được coi là ngành công nghiệp "hái ra tiền" và đứng đầu về sức mạnh với tư cách là "quyền lực thứ tư". Ở Mỹ, báo chí thực hiện quyền giám sát Chính phủ và các cơ cấu quyền lực khác. Báo chí Mỹ được tự do thông tin cho công chúng dựa trên điều bổ sung thứ nhất ở Hiến pháp Mỹ: Quốc hội sẽ không được ban hành bất kỳ đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hoặc hạn chế tự do ngôn luận hay báo chí hoặc quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình. Như vậy, về cơ bản báo chí Mỹ được hoạt động trong môi trường tự do, dân chủ, thực hiện chức năng giám sát sâu rộng và triệt để.

Với tư cách là cơ quan giám sát chính phủ, báo chí giúp công dân buộc chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về các chính sách mà chính phủ đưa ra. Báo chí Mỹ cũng giám sát hoạt động của các nhà lãnh đạo từ Tổng thống, Phó Tổng thống, các Bộ trưởng, Thống đốc bang, các doanh nghiệp…đòi hỏi họ phải có trách nhiệm đối với công việc của mình. Ở quốc gia này, công dân phải được biết các quyết định mà chính phủ đưa ra nhân danh họ. Có thể khẳng định, bên cạnh thiết chế tam quyền phân lập: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, thì báo chí ở Mỹ cũng là một thiết chế quyền lực, có quyền giám sát mọi điều trong xã hội Mỹ.

Ở Nga, báo chí cũng là một kênh giám sát và phản biện xã hội hiệu quả. Những ý tưởng của người đứng đầu nhà nước - Tổng thống Nga Putin và những quan chức cấp cao không phải lúc nào cũng được báo chí đồng loạt khen ngợi. Có những bài báo đưa ra quan điểm thẳng thắn phê phán chính sách của Putin. Báo chí ở Nga đánh giá rất cụ thể mọi thứ phù hợp với tình hình thực tế và dựa vào sự vận động thực tiễn. Báo chí phát huy vai trò hoặc là phản bác, hoặc là gợi mở nêu những vấn đề cho giới lãnh đạo dưới hình thức phản biện trực tiếp hoặc diễn đàn dư luận xã hội. Với tính chất báo chí – quyền lực công luận, báo chí Nga vẫn thể hiện tốt vai trò giám sát, phản biện một cách tỉnh táo mọi vấn đề của nước Nga trên cơ sở bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo đảm phát triển bền vững.

Ở Cộng hòa Pháp, báo chí là sản phẩm ra đời sớm và luôn phát triển mạnh, đa dạng, trong đó báo của các đảng phái chính trị, các tôn giáo, các ngành, giới, hội, hiệp hội nhằm tuyên truyền tư tưởng, quan điểm, đường lối đến công chúng, thu hút, vận động công chúng được hoạt động tự do. Điều khác biệt với phương tiện truyền thông đại chúng của các nước Anh - Mỹ (sở hữu tư nhân là chủ yếu) thì là ở Pháp, nhà nước trực tiếp quản lý một số hãng thông tấn, cơ quan báo chí và chi phối thông tin trên cả nước.

Ở Việt Nam, theo Luật Báo chí 2016, báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn: thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội…

Tại Điều 4, Luật Báo chí (2016) nêu rõ chức năng của báo chí: "Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân". Báo chí có sáu nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản trong đó có nhiệm vụ phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Như vậy, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội là nhiệm vụ của báo chí đã được luật hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới. Và đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nội dung của nhiệm vụ này. Tính tất yếu của báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng được quy định bởi chức năng giám sát quyền lực, phản biện chính sách của báo chí; bởi thể chế phòng, chống tham nhũng của các quốc gia còn có "lỗ hổng". Vì vậy, sự tham gia của báo chí là kênh bổ sung kiểm soát quyền lực, kiểm soát tham nhũng; Và xét trong hệ thống cấu trúc quyền lực, ở nhiều quốc gia, báo chí được xem như quyền lực thứ tư./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO