Báo chí với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Báo chí không những phản ánh, đấu tranh mà còn tìm hiểu, đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả.
Phòng chống tham nhũng và vai trò của báo chí
Tóm tắt nội dung:
Báo chí không những phản ánh, đấu tranh mà còn tìm hiểu, đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả.
Quy định của pháp luật về trách nhiệm của báo chí đối với phòng chống tham nhũng.
Vì sao công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí chưa đạt hiệu quả như mong muốn: Chưa tự chủ về tài chính; bị can thiệp, cản trở và nguyên nhân chủ quan từ chính những người làm báo.
Giải pháp: Nâng cao năng lực, đạo đức và tinh thần trách nhiệm của cả ba trụ cột: Nhà báo - Tổng Biên tập - Cơ quan báo chí cũng như xây dựng hành lang pháp lý cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí.
Những năm gần đây, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra quyết liệt và nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ lãnh đạo giữ những chức vụ rất cao trong bộ máy Đảng, Nhà nước đã phải nhận những bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra rất phức tạp ở hầu hết mọi lĩnh vực và trên phạm vi rộng từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt tham nhũng trong các lĩnh vực thiết yếu và nhạy cảm như y tế, giáo dục… gây nên những bức xúc vô cùng lớn từ dư luận xã hội.
Vì vậy, để tạo ra bước đột phá, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng là yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay, trong đó việc phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức quan trọng. Báo chí, với chức năng phản biện xã hội không những phản ánh, đấu tranh để đưa ra những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực giúp các cơ quan chức năng điều tra, xử lý mà còn tìm hiểu, đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả. Vì vậy đánh giá toàn diện vai trò của báo chí và đưa ra các giải pháp phù hợp để phát huy hiệu quả của báo chí trong công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực là vấn đề rất cần thiết.
Trách nhiệm của báo chí đối với phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp luật hiện hành
Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay, vai trò và trách nhiệm của báo chí đối với công cuộc phòng chống tham nhũng đã được đề cập đến trong một số luật như Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Báo chí. Điều 75 - Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo như sau:
"1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng.
2. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng."
Điều 4 - Luật Báo chí 2016 quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí:
"2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
...
b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;…
d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;...".
Như vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì vai trò, trách nhiệm của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được đề cập, hành lang pháp lý để báo chí tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng đã được pháp luật quy định. Có thể thấy, những quy định của pháp luật hiện hành đã trao cho báo chí hai chức năng chính đó là "đấu tranh" phòng chống tham nhũng và "đưa tin" về hoạt động phòng chống tham nhũng, tuy nhiên những đóng góp của báo chí vào công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn một số điểm hạn chế và chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng.
Chưa có số liệu chính thức về đóng góp của báo chí trong việc đấu tranh, phát hiện ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực tuy nhiên qua theo dõi trên thực tế có thể thấy, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn do báo chí phát hiện ra vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm của báo chí và với kỳ vọng của dư luận xã hội. Hoạt động của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng vẫn tập trung nhiều vào đưa tin, bài phản ánh quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng đang được các cơ quan chức năng xử lý; chức năng "đấu tranh" phòng chống tham nhũng của báo chí vẫn còn chưa phát huy được hiệu quả cao nhất.
Nhìn lại hơn hai năm bùng phát dịch bệnh COVID-19, có rất nhiều bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhiều vụ án tham nhũng với quy mô lớn đã được phát hiện như vụ án tại Công ty Việt Á, vụ án liên quan đến các chuyến bay giải cứu… những vụ án này diễn ra trong thời gian dài, trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương nhưng trước khi những vụ án này được phát hiện, không có nhiều bài báo điều tra hoặc đưa tin bài mang tính phản biện hay đặt ra các câu hỏi nghi vấn để giúp các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thậm chí, có nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí trước đó còn viết bài đồng hành, ca ngợi các tổ chức, cá nhân đã bị khởi tố, điều tra trong các vụ án này. Qua những vụ việc này cho thấy, báo chí chưa làm hết được vai trò, trách nhiệm của mình, nhiều nhà báo, cơ quan báo chí còn hời hợt, thiếu tính phản biện; thậm chí, dư luận xã hội còn đặt ra câu hỏi, có hay không việc tiêu cực, tiếp tay cho sai phạm của một số nhà báo và cơ quan báo chí.
Vì sao báo chí chưa "mạnh mẽ" trong chống tham nhũng?
Có nhiều nguyên nhân làm cho những đóng góp của báo chí vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực chưa được như kỳ vọng, trong đó bao gồm cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thứ nhất là vấn đề tài chính, hiện nay các cơ quan báo chí có nguồn thu chủ yếu từ bán quảng cáo cho các doanh nghiệp, khi đã ký hợp đồng quảng cáo cho doanh nghiệp thì khi doanh nghiệp có những sai phạm thì lúc đó, báo chí cũng rất khó để phản ánh những sai phạm này vì lo ngại sẽ mất nguồn thu từ "nhà tài trợ", đây rõ ràng là một nguyên nhân làm nhiều cơ quan báo chí mất đi tính chiến đấu. Nhưng để tháo gỡ được vấn đề này lại không dễ dàng bởi trong bối cảnh hầu hết các cơ quan báo chí phải tự chủ kinh phí hoạt động thì áp lực tài chính để tồn tại luôn là một vấn đề rất lớn đối với bất kỳ cơ quan báo chí nào.
Bên cạnh áp lực về tài chính, báo chí khi thực hiện các hoạt động điều tra, phản ánh những sai phạm cũng phải chịu sức ép rất lớn từ "một ai đó". Không ít những trường hợp khi báo chí đăng tải những thông tin phản ánh tiêu cực lại bị mua chuộc, mua chuộc không được thì sẽ đe dọa, gây sức ép để gỡ bài, sửa bài. Việc sử dụng quyền lực để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động báo chí xưa nay không phải là chuyện hiếm, điều này làm nản lòng những nhà báo và cơ quan báo chí chân chính, làm mất đi tính chiến đấu của báo chí và làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với báo chí.
Thứ ba là hoạt động báo chí thường xuyên bị cản trở bởi nhiều các cá nhân, tổ chức, thậm chí bởi chính những cơ quan quản lý nhà nước. Khi các nhà báo đến liên hệ làm việc, yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật đã bị gây khó dễ, bị cản trở, bị đe dọa xảy ra khá phổ biến hiện nay.
Ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên vẫn còn một số nguyên nhân chủ quan khác như, có nhiều nhà báo hời hợt, ngại đụng chạm nên luôn mang tâm lý "dĩ hòa vi quý" và mất đi tính chiến đấu. Nhiều nhà báo khi điều tra, phát hiện ra sai phạm, rồi dùng đó để "mặc cả". Thời gian qua đã có nhiều vụ việc liên quan đến một số nhà báo bị khởi tố, điều tra về hành vi "cưỡng đoạt tài sản" khi dùng những tài liệu thu thập được để tống tiền doanh nghiệp hay quan chức. Điều này đã phát đi một hồi chuông báo động về tình trạng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo bị xuống cấp nghiêm trọng.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta cần phải nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của ba trụ cột, đó là Nhà báo, Tổng Biên tập và Cơ quan báo chí. Một nhà báo mà không có năng lực sẽ chỉ chọn những việc dễ để làm và không thể tạo ra những sản phẩm báo chí có chất lượng; nhà báo mà không có đạo đức nghề nghiệp sẽ dễ bị cám dỗ, mua chuộc hoặc luôn làm việc vì động cơ vụ lợi cá nhân. Một Tổng Biên tập báo mà không trách nhiệm, không bản lĩnh sẽ không thể vượt qua áp lực, thậm chí dễ dàng thỏa hiệp với cái xấu, cái tiêu cực và làm nản lòng những phóng viên có tài, có đức và làm tha hóa cả một cơ quan báo chí. Một Cơ quan báo chí mà không xây dựng được nguyên tắc hoạt động tốt sẽ không thể lớn mạnh, cơ quan báo chí đó mà không đoàn kết sẽ tạo nên một môi trường xấu trong hoạt động báo chí.
Vì thế, nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí nói chung và nâng cao vai trò và hiệu quả của báo chí trong công cuộc phòng chống tham nhũng nói riêng đòi hỏi phải nâng cao năng lực, đạo đức và tinh thần trách nhiệm của cả ba trụ cột: Nhà báo - Tổng Biên tập - Cơ quan báo chí. Chỉ một trong ba trụ cột này không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của báo chí.
Việc tạo ra một hành lang pháp lý rõ nét hơn, thể hiện cụ thể hơn vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng hết sức cần thiết lúc này. Nếu có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh trong đó thể hiện rõ được vai trò, trách nhiệm của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ giúp cho hoạt động báo chí được thống nhất hơn và hoạt động hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan báo chí, đồng thời xử lý nghiêm minh những hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động báo chí và cả những hành vi cản trở hoạt động của báo chí.
Báo chí, với sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của mình sẽ có vai trò to lớn hơn, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đó không những là bổn phận, là trách nhiệm mà còn là tiếng gọi của trái tim./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2022)